Các nhà rang xay Mỹ chuyển sang sử dụng cà phê conilon Brazil do Việt Nam găm hàng
Các nhà rang xay cà phê Mỹ bắt đầu có xu hướng thay thế cà phê robusta Việt Nam bằng robusta Brazil (thường gọi là conilon) bởi giá rẻ hơn so với các sản phẩm cùng loại của châu Á.
- 29-04-2015Cà phê Trung Quốc bít đường cà phê Việt?
- 24-04-2015Nestlé mở rộng đầu tư với cam kết phát triển cà phê bền vững
- 16-04-2015Tái cơ cấu ngành cà phê: Làm sao để Việt Nam có "miếng bánh" to?
Xu hướng này diễn ra từ mấy tháng nay do xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất 5 năm bởi giá robusta kỳ hạn giao sau yếu khiến người trồng cà phê giữ hàng lại chờ giá lên, khiến mức cộng giá cà phê Việt Nam so với giá trên sàn London duy trì ở mức cao trong thời gian dài. Lựa chọn của các nhà rang xay Mỹ lúc này là cà phê arabica Brazil– quốc gia vốn nổi tiếng thế giới nhưng không phải vì loại robusta mà là loại arabica chất lượng cao hơn.
Chính vì lý do này nên thị trường đang rất quan tâm tới sản lượng conilon Brazil niên vụ 2015/16 – chớm vào vụ thu hoạch trong bối cảnh lo ngại rằng sản lượng có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết khô hạn hồi tháng Giêng ở bang trồng conilon chính của Brazil là Espirito Santo.
Hiện tại, đồng nội tệ (real) giảm giá khích lệ người trồng cà phê Brazil bán phần dự trữ conilon từ các vụ thu hoạch trước, tạo cơ hội cho họ tăng mạnh xuất khẩu với mức giá rất cạnh tranh.
“Giá robusta của họ (Brazil) đang rẻ nhất thế giới”, Reuters dẫn lời một thương gia Mỹ cho biết.
Cà phê robusta loại 2 của Việt Nam hiện có giá giao dịch trung bình +12,5 US cent/lb giao tại cảng (ex dock) so với hợp đồng kỳ hạn giao tháng 7 trên sàn ICE (London), mức cao chưa từng có kể từ tháng 10/2013, so với mức +9 US cent hồi tháng 12.
Diễn biến giá cà phê robusta trên sàn ICE (ĐVT: USD/tấn)
Mức cộng giá cà phê Việt Nam đã tăng liên tiếp từ đầu năm tới nay bởi giá cà phê thế giới thấp khiến người sản xuất giữ hàng lại. Do vậy, xuất khẩu cà phê Việt Nam trong nửa đầu niên vụ này (bắt đầu từ tháng 10/2014) giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ niên vụ 2009/10. Sau khi giảm trên 14% trong tháng 1 (so với cùng tháng năm ngoái), xuất khẩu cà phê giảm trên 30% trong tháng 2 và giảm tiếp trong tháng 3. Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu cà phê Việt Nam ước tính giảm 40,7% về lượng so với cùng quý năm ngoái, chỉ đạt khoảng 354 nghìn tấn. Ước tính xuất khẩu trong tháng 4 tiếp tục giảm, chỉ đạt khoảng 112 nghìn tấn.
Trong khi đó, giá cà phê conilon của Brazil hiện rẻ hơn khoảng 3 – 5 US cent so với cà phê Việt Nam, tức là khoảng +8 US cent (giao tại cảng) so với sàn ICE.
Không chỉ rẻ so với cà phê Việt, cà phê Brazil cũng rẻ hơn so với các nước châu Á khác. Robusta số 3 của Indonesia hiện đang giao dịch ở mức +11,5 US cent (giao tại cảng), trong bối cảnh nguồn cung chủ yếu chỉ đủ dùng trong nước.
Xu hướng giá đảo chiều
Từ trước tới nay, conilon của Brazil thường có giá cao hơn robusta của cả Việt Nam và Indonesia, có lúc lên tới + 20 US cent (giao tại cảng). Tuy nhiên, xu hướng này đã thay đổi khi lượng cung cho xuất khẩu từ Brazil tăng mạnh: Brazil đã xuất khẩu 3,8 triệu bao cà phê robusta (60 kg/bao) trong năm kết thúc vào tháng 2/2015, tăng gấp hơn 2 lần so với 1,5 triệu bao năm trước đó, theo số liệu của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO).
Diễn biến tỷ giá tiền real Brazil (Nguồn: exchangerates)
Việc giá tăng mạnh đạt kỷ lục trên 2.500 USD/tấn vào năm 2011 đã khích lệ nhiều nông dân ở Espirito Santo mở rộng diện tích trồng robusta, với sản lượng niên vụ 2014/15 đạt 17 triệu bao. Dự báo về sản lượng robusta Brazil năm 2015/16 có sự chênh lệch khá lớn, dao động từ 11,2 triệu bao đến 17,7 triệu bao.
Các dự báo về sản lượng cà phê Brazil (triệu bao)
Robusta có năng suất cao hơn và khả năng kháng sâu bệnh tốt hơn so với arabica, nhưng hương vị đắng sốc chứ không dịu nhẹ như arabica. Đó là lý do khiến robusta chủ yếu được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm cà phê hòa tan (như sản phẩm Nescafe của Nestle) hoặc được pha trộn theo công thức bí mật (như sản phẩm Maxwell House của Kraft’s).
Trước đây, conilon của Brazil phần lớn được giữ lại tiêu thụ nội địa, và sản lượng không nhiều để có thể xuaatsa khẩu.
Hương vị cà phê conilon của Brazil cũng khác so với cà phê robusta của những nước khác. Nó có ánh đỏ, vị ngọt và dịu hhej hơn so với cà phê Việt Nam. Tuy nhiên với các nhà rang xay, đơn giản là họ chỉ cần tìm loại cà phê nào có giá rẻ nhất.
Vân Chi