MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con đường hẹp cho cá tra Việt Nam

17-04-2011 - 17:04 PM | Thị trường

Cá tra Việt Nam đang phải đối mặt với thời kỳ khó khăn sau khi chương trình bôi xấu cá tra “Pangasius Lie” của WWF được phát sóng trên truyền hình Đức cách đây không lâu.

 Điều này đã giáng một đòn mạnh vào các nhà bán buôn, bán lẻ và kinh doanh cá tra Việt Nam. Thêm nữa, giá thành sản xuất tăng quá cao khiến người nuôi cá tra Việt nam không thể tiếp tục kinh doanh.
 
Từ mấy tuần nay, nhu cầu tiêu thụ cá tra tại khu vực Bắc Âu giảm nghiêm trọng, đặc biệt là tại Đức. Cựu nhà báo Đức Herby Neubacher hiện là cố vấn cho ngành thuỷ sản tại Việt Nam cho biết, “Không còn ai ở Đức ngó ngàng đến cá tra. Quỹ quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã gây ra tổn hại nặng nề đối với con cá tra Việt Nam khi thực hiện chương trình này.”
 
Ngay sau khi chương trình được phát sóng, một tập đoàn bán lẻ đa quốc gia đã ngừng cung cấp cá tra trong mạng lưới siêu thị tại Đan Mạch và Na Uy. Hiện tập đoàn bán buôn/bán lẻ lớn thứ ba thế giới Metro cũng đã  ngừng bán cá tra tại Đức.
 
Những tác động của chương trình “Pangasius Lie” vẫn tiếp tục đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Sau những lời cáo buộc của chương trình, một nhà kinh doanh nhà hàng nổi tiếng của Đức đã gọi cá tra là “một loại cá bẩn bốc mùi của Việt Nam” trong chương trình truyền hình riêng thu hút hàng triệu người xem.
 
Khi được hỏi về cảm nghĩ khi xem “Pangasius Lie”, Giám đốc Chương trình Nuôi trồng thủy sản của WWF tại Mỹ, Jose Villalon thừa nhận chưa xem chương trình này, tuy nhiên ông vẫn một mực cho rằng “Pangasius Lie” không gây thiệt hại gì cho ngành cá tra Việt Nam. Theo ông, suy cho cùng tất cả cũng chỉ vì chất lượng sản phẩm và điều này sẽ giúp việc xin chứng nhận chất lượng trở nên phổ biến ở Việt Nam.
 
Ông Villalon cho biết, chuyên gia thủy sản của WWF Catherine Zucco, người đã cố tình bôi xấu cá tra trong chương trình truyền hình dài 30 phút, giải thích rằng chương trình này được thực hiện để chuẩn bị cho Đối thoại Nuôi trồng thủy sản do WWF chủ trì nhằm xây dựng hệ thống chứng nhận chất lượng cá tra của Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC).
 
Đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy WWF có ý đính chính lại những thông tin sai lệch bôi xấu cá tra Việt Nam. Và sẽ mất rất nhiều thời gian Việt Nam mới có thể lấy lại lòng tin của người tiêu dùng tại thị trường chủ chốt Bắc Âu, nhất là khi các DN XK Việt Nam chưa thực sự chú trọng tạo dựng và quảng bá hình ảnh cá tra, loài cá được xem như có khả năng thay thế các loài cá thịt trắng truyền thống tại đây.
 
Tuy nhiên, tình hình không phải hoàn toàn bi đát. Mới đây, 53 DN XK thủy sản Việt Nam đã tiếp cận thành công thị trường Châu Âu, nâng tổng số DN XK đáp ứng được những yêu cầu chế biến và XK cá tra khắt khe của thị trường này lên 379 DN.
 
Các tiêu chuẩn nghiêm ngặt cũng đang được áp dụng đối với ngành nuôi cá tra. Các trại nuôi cá đang tiến hành xin chứng nhận từ các tổ chức như Global GAP, ASC, Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) hoặc Friends of the Sea và Naturland. ASC hiện đang tập trung xây dựng chương trình chứng nhận riêng.
 
Không chỉ hình ảnh cá tra Việt Nam được cải thiện đáng kể mà con cá tra đã trở thành loại thực phẩm có giá hợp lý được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng. Các nhà NK Châu Âu chào mua cá tra phi lê IQF với giá 4 USD/kg, CIF, tăng 50% so với năm 2009. Giá cá tra XK sang Mỹ cũng đạt mức đỉnh điểm 4 USD/kg.
 
Tuy nhiên giá XK cá tra tăng cao lại xuất phát từ tình trạng thiếu hụt nguyên liệu chế biến. Giá thức ăn cho cá, vốn chiếm 70 – 80% chi phí nuôi cá tra tại Việt Nam, tăng 20%. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng tăng 30% trong khi người nuôi cá tra phải vay vốn để mua thức ăn và con giống. Chính những điều này đã dẫn đến việc sản lượng cá tra nuôi giảm mạnh. Dự đoán năm 2011, Việt Nam chỉ sản xuất được 600.000 – 700.000 tấn cá tra trong khi năm 2010 sản xuất 1,2 triệu tấn. Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết, hiện các cơ sở chế biến XK cá tra chỉ đủ nguyên liệu để đáp ứng 30 – 40% công suất.
 
Tuy nhiên, ông Hòe cũng bày tỏ quan điểm lạc quan đối với thị trường Châu Âu đang bắt đầu phục hồi sau khủng hoảng kinh tế. Liệu những hy vọng lạc quan của ông có trở thành hiện thực hay không? Chúng ta hãy chờ đợi những tín hiệu mới sau khi các DN Việt Nam tham dự Hội chợ Triển lãm Thủy sản Châu Âu sắp tới.
 
Phương Thảo
Theo VASEP

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên