Đánh bắt, chế biến chưa đúng “chuẩn”, cá ngừ mất giá tới 6 lần
Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay sản phẩm cá ngừ đại dương (dạng phi lê đông lạnh) của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 100 nước trên thế giới, chủ yếu là EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.
- 08-03-2016Nguy cơ phá sản dự án cá ngừ sang Nhật
- 08-03-2016Mỗi năm Việt Nam nhập 5.000 tấn cá ngừ đại dương
- 03-03-2016Mới vào vụ chính, giá cá ngừ đại dương ở Khánh Hòa đã giảm
Theo Hiệp hội cá ngừ Việt Nam, dù ngư dân Việt Nam mỗi năm đánh bắt được khoảng 17.000 tấn cá ngừ đại dương, nhưng các doanh nghiệp trong nước phải nhập thêm 5.000 tấn loại cá này chế biến xuất khẩu. Sản phẩm cá ngừ Việt Nam hiện đang được xuất khẩu đến hơn 100 nước trên thế giới.
Ông Vũ Đình Đáp - Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho biết, cả nước hiện có 3.600 tàu với hơn 35.000 ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương, chủ yếu tập trung ở ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Sản lượng đánh bắt mỗi năm đạt khoảng 17.000 tấn. Thế nhưng, các doanh nghiệp trong nước vẫn phải nhập khẩu thêm từ 4.000 đến 5.000 tấn cá loại này để chế biến đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Trong khi đó, Cty Mãi Tín (doanh nghiệp Hàn Quốc) ở Khánh Hòa là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có thể chế biến cá ngừ đại dương thành sản phẩm sushi xuất khẩu trực tiếp hàng trăm tấn sang Nhật Bản mỗi năm.
Điều đáng mừng là sản phẩm cá ngừ đã trở thành mặt hàng thủy sản xuất khẩu đứng thứ 3 của Việt Nam sau tôm và cá ba sa. Tuy nhiên, nghề đánh bắt loài cá này còn nhỏ lẻ, dịch vụ hậu cần chưa phát triển. Khâu tổ chức khai thác, thu mua, chế biến cá ngừ đại dương còn manh mún, công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chưa chú trọng. Trong ba tỉnh miền Trung, Bình Định đang dẫn đầu về sản lượng cá ngừ đại dương với gần 9.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên đến nay nghề này còn tồn tại nhiều bất cập.
Từ năm 2012 đến nay, nghề câu cá ngừ đại dương ở địa phương này gặp khủng hoảng lớn về chất lượng, giá trị và tổn thất sau thu hoạch. Nguyên nhân chính do sự phát triển nóng của nghề câu tay kết hợp ánh sáng đã tác động lớn làm biến đổi chất lượng thịt cá trong quá trình khai thác.
Các nhà khoa học lý giải nghề câu tay kết hợp với ánh sáng bằng đèn cao áp, cá ăn câu ở độ sâu lớn, khi thu câu nhanh làm thay đổi áp suất đột ngột, cá vùng vẫy, phản khán mạnh khiến thịt cá và mạch máu bị vỡ phát sinh axit lactic, hàm lượng histamin tăng làm thịt cá bị chua, chất lượng giảm nhanh.
Các chuyên gia kinh tế so sánh, theo giá thị trường hiện nay, mỗi kg cá ngừ chỉ khoảng 90.000 đồng nhưng nếu khâu đánh bắt, bảo quản, chế biến đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đạt chất lượng tốt thì giá trị xuất khẩu của loài cá này có thể tăng gấp 6 lần.
Lao động