EU điều tra chống phá giá đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc
Ngày 12/2, Liên minh châu Âu (EU) đã mở các cuộc điều tra mới đối với các mặt hàng thép nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời cảnh báo sẽ không cho phép "sự cạnh tranh thiếu công bằng" đe dọa ngành công nghiệp của châu Âu vốn đang chao đảo do nguồn thép nhập khẩu giá rẻ.
- 26-01-2016Sắt thép Trung Quốc “ồ ạt” tràn vào Việt Nam
- 22-01-2016Ngành thép EU lo mất việc làm hàng loạt do hàng giá rẻ Trung Quốc
- 19-01-2016Sản lượng thép đi xuống, điềm xấu với kinh tế Trung Quốc
Trong một tuyên bố, Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstroem nhấn mạnh "quyết tâm áp dụng mọi biện pháp có thể để đảm bảo các đối tác thương mại của EU chơi đúng luật."
Theo tuyên bố, Ủy ban châu Âu (EC) đã mở cuộc điều tra đối với các mặt hàng ống thép đúc, thép tấm và thép dẹt cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc. EC đã áp đặt riêng thuế chống bán phá giá đối với thép dẹt cán nóng của Trung Quốc và Nga.
Hồi tháng trước, EC cho biết cũng đã áp đặt các biện pháp chống bán phá giá đối với thép thanh được sử dụng trong ngành công nghiệp xây dựng.
Trước đó, trong thư gửi Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành công bố ngày 5/2, bà Malmstrom đã kêu gọi Trung Quốc giảm sản lượng thép, đồng thời cảnh báo nước này sẽ bị điều tra nếu không có hành động nào trong bối cảnh sản lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc tăng 50% trong năm 2015 đã khiến thị trường thép toàn cầu và châu Âu mất ổn định.
Trung Quốc chiếm một nửa sản lượng thép thô toàn thế giới, tuy nhiên trong tình trạng nền kinh tế chững lại hiện nay, Trung Quốc không thể tiêu thụ phần lớn sản lượng như trước đây.
Các nhà sản xuất châu Âu đang tìm cách giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung thép toàn cầu.
Hãng sản xuất thép hàng đầu thế giới ArcelorMittal có trụ sở tại Luxembourg cho rằng Trung Quốc gây thiệt hại tới 8 tỷ USD trong năm 2015 và hàng nghìn nhân công ngành này bị mất việc.
Trung Quốc đã thông báo kế hoạch cắt giảm sản lượng tới 150 triệu tấn thép trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, lượng cắt giảm này kém xa so với mức dư thừa mỗi năm của nước này mà các chuyên gia ước tính vào khoảng 340 triệu tấn./.
Theo TTXVN/Vietnam+