"Giữ bằng được vùng lúa chủ lực, nuôi nhiều tôm chả biết bán cho ai!"
Những thiệt hại cả về kinh tế, lẫn đời sống dân sinh từ vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng Sông Cửu Long ngày càng nghiêm trọng.
- 25-03-2016Khoảng 500.000ha lúa xuống giống trễ do hạn mặn
- 25-03-2016Giá lúa tăng do hạn hán, xâm nhập mặn
- 25-03-2016“1 triệu ha lúa là đủ cho Việt Nam”
Chưa bao giờ vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn lại trở nên “nóng” và được dư luận quan tâm như hiện nay. Trên thực tế, nhiều địa phương đang rơi vào tình trạng thiếu nước trầm trọng cả cho nhu cầu sinh hoạt và phục vụ sản xuất.
Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Trồng trọt Ma Quang Trung để đánh giá những ảnh hưởng đến sản xuất của “vựa lúa lớn nhất của cả nước” cũng như những giải pháp ứng phó với tình trạng hạn mặn dự báo sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.
- Ông có thể cho biết cụ thể tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng Sông Cửu Long đã ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất trồng trọt cũng như đời sống dân sinh của vùng?
Cục trưởng Ma Quang Trung: Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn năm nay được xem là hiện tượng thiên tai chưa từng có trong lịch sử trong vòng 100 năm qua. Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, cũng như hạn hán, nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống dân sinh nhiều khu vực đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Về trồng trọt, tổng diện tích lúa thiệt hại từ cuối năm 2015 đến nay là trên 160.000 ha; trong đó, 86.000 ha thiệt hại trên 70% năng suất (chiếm 54%), 43.000 ha thiệt hại từ 30-70% năng suất (chiếm 27%) và 29.800 ha thiệt hại dưới 30% năng suất (chiếm 18%). Các tỉnh bị thiệt hại nhiều là Kiên Giang: 54.093 ha, Cà Mau: 49.343 ha, Bến Tre: 13.844 ha, Bạc Liêu: 11.456 ha..v.v.
Trong thời gian tới, nhiều diện tích lúa Đông Xuân sẽ tiếp tục được thu hoạch (hiện tại đã thu hoạch được hơn 45% diện tích); do vậy, diện tích bị ảnh hưởng của hạn hán sẽ không nhiều, dự kiến khoảng 46.000 ha.
Đối với vụ Hè Thu 2016, nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6/2016, toàn vùng sẽ có khoảng 500.000ha không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước, chiếm hơn 40% diện tích của các tỉnh ven biển và khoảng gần 30% diện tích gieo trồng toàn khu vực.
An ninh lương thực: Không ảnh hưởng nhiều
- Những thiệt hại lớn như vậy sẽ tác động như thế nào đến đời sống người dân, vấn đề an ninh lương thực của vùng cũng như của quốc gia không, thưa ông?
Cục trưởng Cục Trồng trọt, Ma Quang Trung nhấn mạnh quan điểm giữ đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển cây lúa chủ lực. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)
Cục Trưởng Ma Quang Trung: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá, khả năng năm nay sẽ bị thiếu hụt khoảng trên 800.000 tấn lương thực. Như vậy rõ ràng những hộ nào bị hạn hán, bị thất thu thì sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Hàng trăm hộ dân không có lương thực do cả hai mùa (Đông Xuân-Xuân Hè) liên tiếp không sản xuất được. Đến vụ Thu Đông mới làm được thì khoảng này dân phải chịu thiếu đói.
Còn ảnh hưởng đến an ninh lương thực, tôi cho rằng ảnh hưởng không nhiều, bởi vì hàng năm chúng ta sản xuất lương thực thừa khoảng 7-8 triệu tấn, nếu giả sử có mất 1 triệu tấn thì cũng không ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực quốc gia. Chúng ta vẫn có lương thực để xuất khẩu và có lương thực lo trên bình diện chung của cả nước và những nơi bị thiệt hại vẫn có lương thực dự trữ quốc gia để hỗ trợ.
- Còn đối với tình hình xuất khẩu, liệu rằng xuất khẩu có giảm không thưa ông?
Cục trưởng Ma Quang Trung: Việc xuất khẩu đương nhiên cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng, ở thời điểm này giá lúa đang lên khá cao, nhưng dân không có lúa để bán. Hiện tại các nước trong khu vực cũng chịu chung thiên tai như Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia… nên nguồn cung lúa giảm do đó thị trường đang rất cần.
Bởi vậy, chúng ta có cơ hội để xuất và sản lượng lúa xuất đã tăng vọt so với cùng kỳ, chủ yếu là lúa tồn từ vụ Thu Đông trước và một ít của vụ Đông Xuân này không bị ảnh hưởng. Giá lúa tăng khoảng 500.000 đồng/kg, song hiện nay số lượng tồn trong dân không còn nhiều.
Với tình hình thị trường như vậy tôi dự báo xuất khẩu năm nay không giảm, thậm chí có phần tăng cao hơn so với năm ngoái.
Tín hiệu thị trường đang rất tốt. Thái Lan cũng đang chịu hạn nên không xuất được nhiều, đương nhiên mình có cơ hội, Myanmar, Lào, Indonesia, Philippines là các đối tác mua của chúng ta mua rất nhiều và đã ký hợp đồng từ năm ngoái. Do hạn hán nên các đối tác cũng không đòi hỏi chất lượng gạo cao như trước.
Năm ngoái, chúng ta xuất 6,55 triệu tấn, thực tế chúng ta muốn xuất nhiều hơn nhưng do không có thị trường, năm nay thị trường tốt hơn thậm chí số lượng xuất sẽ còn nhiều hơn con số đó.
"Bà con tiếc đất, xuống giống nên mất trắng"
- Tình trạng hạn, mặn xác định còn là một “cuộc chiến” kéo dài, vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như Cục có giải pháp gì để có thể “sống chung với lũ” và hướng cải thiện sinh kế cho người dân trong bài toán thiên tai này?
Cục trưởng Ma Quang Trung: Chính phủ cũng như Bộ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp bao gồm các giải pháp mềm cho từng vụ. Riêng vụ Xuân Hè, chúng tôi đã có phát tờ rơi hướng dẫn bà con không xuống giống nhưng nhiều bà con vẫn tiếc đất xuống giống nên bị mất trắng toàn bộ giống với khoảng trên 100.000ha.
Nạo vét kênh mương ứng phó với hạn, mặn ở Sóc Trăng. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)
Đối với những hộ không tuân thủ hướng dẫn của địa phương, đương nhiên không nhận trong diện hỗ trợ. Bởi, Bộ đã chủ trương độ mặn trên 3%o là dừng lại không được xuống giống.
Hai là, để bù lại hai vụ lúa (Đông Xuân-Xuân Hè) vừa qua bị thất thu, Bộ chủ trương tập trung đẩy mạnh cho toàn bộ vụ Hè Thu và vụ Thu Đông tới đây.
Năm ngoái chúng ta làm rất thành công từ vụ Thu Đông, riêng vụ Thu Đông chúng ta đã khuyến khích sản xuất bù thêm được 70.000 ha, do đó sản lượng năm 2015 vẫn cao hơn so với năm 2014. Bởi vậy năm nay, Bộ tiếp tục chủ trương đẩy mạnh tập trung và tập trung tối đa hết mức hai vụ Hè Thu và Thu đông này để bù lại năng xuất và sản lượng.
Một giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài nữa là năm nay là đỉnh điểm của thiên tai và khả năng, tới đây tần suất sẽ dày hơn, thì đây là dịp để chúng ta rà soát lại quy hoạch sản xuất đặc biệt gắn với ứng phó biến đổi khí hậu.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao cho Viện khoa học Thủy lợi tổng hợp số liệu với cường độ phạm vi để có kịch bản ứng phó. Cụ thể, chỗ nào thường xuyên bị xâm nhập mặn thì ta chuyển đổi, chỗ nào mà bấp bênh thì chuyển sang một vụ lúa, một vụ tôm (hiện Kiên Giang làm rất tốt vấn đề này), chỗ nào mà có thể ngăn chặn được không để xâm nhập mặn vào được thì nhất định phải giữ để phát triển sản xuất cây lúa. Bởi nói đến Đồng bằng sông Cửu Long là nói đến vựa lúa lớn của cả nước, là vùng trái cây của đất nước.
Dự báo tháng Sáu có mưa rửa mặn
- Hiện nay, có nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển theo hướng mở rộng các vùng nuôi tôm thay lúa, vậy ông quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
Cục trưởng Ma Quang Trung: Một bài toán đặt ra ở đây là có nguồn thông tin, xâm nhập mặn như thế cứ cho người ta đào ao, nuôi tôm, tại sao cứ phải trồng lúa. Hiện nay, nếu cứ cho người ta đào ao dẫn nước vào nuôi tôm, thì không phải riêng mỗi chỗ đào ao mới nhiễm mặn, mà nước còn thấm đến xung quanh, các vùng xung quanh cũng bị ảnh hưởng và như vậy không thể trồng gì xung quanh đó được, kể cả lúa, kể cả cây khác.
Do đó phải quản lý chặt chẽ diện tích nuôi thủy sản này, chỉ cho phép nuôi trong một phạm vi nhất định và có kiểm soát. Vừa rồi ở Kiên Giang, một số nơi mới phạt một số hộ dân đào ao, do dân người ta kiện, bởi một hộ đào ao dẫn nước vào thì xung quanh không làm gì được, ông nhà bên cạnh là chết luôn, thậm chí vịt cũng không nuôi được, chưa nói đến cây trồng.
Bởi vậy, phải rà soát cụ thể và lên “kịch bản”, vùng nào chắc chắn thường xuyên bị xâm nhập mặn thì ta mới phải chuyển đổi, vùng nào bấp bênh thì chuyển sang một phần mô hình thủy sản tôm-lúa, còn phải giữ lại cái bao la rộng lớn của đồng bằng sông Cửu Long để sản xuất lúa. Bởi, đây chính là vựa lúa của quốc gia, đây là cái "túi thu ngoại tệ" từ xuất khẩu về cho đất nước và đây là vùng đảm bảo an ninh lương thực của đất nước. Do đó phải giữ cho bằng được vùng sản xuất lúa là chủ lực, còn nếu theo đà cứ mở cho nước vào rồi nuôi thủy sản thì sẽ phá vỡ quy hoạch.
Hơn nữa, bây giờ nước mặn vào cho nuôi tôm, nuôi cá, thứ nhất, tôm cũng sống trong nước lợ chứ mặn cao cũng không sống được, chúng cũng chỉ sống được ở một mức độ mặn nhất định. Thứ hai, cho nước mặn vào đến đâu nó sẽ ngấm sang vào đất dẫn tới hủy hoại môi trường xung quanh, cho nên bảo vệ tối đa, chỗ nào không bảo vệ nữa thì mới chuyển đổi.
Năm nay là đỉnh điểm rồi thì rà soát lại đưa ra “kịch bản” sát hơn với mức đỉnh điểm nay, bao gồm vùng nào chuyển đổi, vùng nào luân canh giữa tôm giữa lúa, vùng nào trồng lúa, nhưng mà quan điểm là phải giữ đất lúa chứ không phải cứ thả phóng ra cho phát triển ào ạt. Mặc dù cũng có thu nhập từ con tôm, song đó không phải là sản phẩm chính của đất nước, mà nếu làm nhiều tôm quá có khi lại "chết giở" không biết bán cho ai, trong khi hiện tại lúa gạo chúng ta đang có điều kiện bán rất tốt.
Đây là giải pháp quy hoạch, cứ đợt nào có dự báo hạn bao nhiêu tháng thì căn cứ “kịch bản” đó có ứng phó ngay, mà không cứ năm nào cũng bị hạn cho nên không phải chuyển một lần là chuyển hết, mà căn cứ vào đó để đưa ra kịch bản, tùy theo tình hình để có ứng phó phù hợp.
Dự báo tháng Sáu này, lượng mưa sẽ cao hơn so với các năm khoảng trên 20% như vậy sẽ lập tức được rửa mặn.
Thứ ba, các giải pháp công trình thủy lợi, chỗ nào chứa được nước thì đào hồ, ao để chứa nước. Thứ hai là phải làm đập ngăn mặn, vừa tích nước ngọt; tuy nhiên giải pháp này đòi hỏi thời gian và cái này rất tốn kém. Dự tính, cần khoảng 34.000 tỷ đồng để xây các công trình thủy lợi cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, trước mắt Chính phủ cũng như Bộ chủ trương phải tập trung các khu vực quan trọng, khu vực điểm yếu để thực hiện làm trước, còn những chỗ dân có thể tự đắp bờ, bao thì các địa phương chủ động thực hiện.
Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Vietnam+