MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Hàng hóa nổi bật ngày 02/04]: Đổ hóa chất ép mít chín siêu tốc

03-04-2015 - 01:19 AM | Thị trường

Những trái mít, sầu riêng, chuối xanh non tẩm hóa chất chỉ sau một đêm đã dậy mùi thơm để thương lái đem bán ra thị trường hoặc bóc múi nhập cho các lò chế biến trái sấy khô. Đã có cảnh báo rằng, đổ trực tiếp hóa chất vào trong trái gây độc hại, ảnh hưởng sức khỏe người dùng.

Đổ hóa chất ép mít chín siêu tốc

Vài năm trở lại đây, người tiêu dùng nơm nớp lo sợ vì rất nhiều loại trái cây đang bán trên thị trường bị ép chín bằng hóa chất lạ, trong khi các cơ quan chức năng chưa có giải pháp ngăn chặn, cảnh báo.

Giữa mùa mít, hàng trăm thương lái lùng sục khắp các vườn ở Đắk Lắk, Đắk Nông để gom mít trái về ép chín, bóc múi nhập cho đại lý thu mua kiếm lời. Cải trang là chủ một đại lý chuyên thu mua múi mít về sấy khô mới mở ở huyện xa, chúng tôi tiếp cận xưởng bóc tách múi mít của ông N.V.T ở xã Ea Đar, huyện Ea Kar.

Đập vào mắt là cảnh lò xưởng nhếch nhác, ngổn ngang chai lọ, bao bì đựng hóa chất. Những trái mít xanh vừa hái nằm lăn lóc giữa sân. Bên hiên nhà một đống mít khác phủ bạt cẩn thận. Trong nhà, công nhân tay trần cầm dao bổ mít, bóc tách múi ngay trên nền xi măng cáu bẩn. Vỏ, xơ và hột mít vung vãi la liệt khắp nền nhà. Mùi mít hỏng, thối xộc lên nồng nặc. Thùng các-tông đựng đầy chai thuốc phân bón lá, chín trái dán nhãn tiếng Trung Quốc để ngay góc nhà.

Tiêu thụ xi măng quý I giảm

Theo Vụ Vật liệu Xây dựng Bộ Xây dựng,sản phẩm xi măng tiêu thụ trong ba tháng đầu năm 2015 ước đạt 13,65 triệu tấn bằng 91% so cùng kỳ năm 2014 và đạt 19% kế hoạch.

Cụ thể, sản phẩm xi măng tiêu thụ tháng 3/2015 đạt 4,71 triệu tấn tăng 80% so với tháng liền kề trước đó. Tuy nhiên, con số này cũng chỉ đạt 76% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong đó, tiêu thụ trong nước tháng 3/2015 ước đạt 3,91 triệu tấn bằng 169% so tháng 2/2015 và bằng 77% so với cùng kỳ tháng 3/2014. Lũy kế tiêu thụ sản phẩm xi măng trong nước 3 tháng đầu năm 2015 ước đạt 10,60 triệu tấn xi măng, bằng  99,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Đáng chú ý là sản lượng xuất khẩu sản phẩm xi măng trong tháng 3/2015 chỉ ước đạt 0,80 triệu tấn, bằng 94% so với tháng 2/2015 và chỉ bằng 65% so với tháng 3/2014.

Giá dầu thế giới tăng mạnh nhất 2 tháng

Giá dầu thế giới đã có phiên tăng mạnh nhất trong gần 2 tháng vào đêm qua (1/4) sau khi có tín hiệu cho thấy sản lượng dầu thô cuả Mỹ có thể đã đạt gần đỉnh.
Tờ Wall Street Journal dẫn số liệu sơ bộ từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, tuần trước, sản lượng dầu thô của nước này đã lần đầu tiên giảm xuống kể từ tháng 1.

Ngay sau khi số liệu này được công bố, giá dầu giao sau đã tăng mạnh, đảo ngược xu thế giảm liên tục của mấy ngày trước đó.

Lúc đóng cửa tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX), giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 5 tăng 2,49 USD/thùng, tương đương mức tăng 5,2%, chốt ở 50,09 USD/thùng. Đây là phiên tăng mạnh nhất của giá dầu ngọt nhẹ kể từ ngày 3/2.

Tại thị trường London, giá dầu thô Brent biển Bắc tăng 1,99 USD/thùng, tương đương tăng 3,6%, chốt ở 57,1 USD/thùng.

Thủy sản sang Nga không như kỳ vọng

Theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP), dù đã có những động thái tích cực trong những tháng cuối năm 2014, nhưng XK thủy sản sang Nga trong năm qua vẫn tăng trưởng rất thấp.

Cụ thể, giá trị XK thủy sản năm 2014 là 106 triệu USD, tăng chưa tới 1% so với năm 2013. Trong đó, cá tra chiếm tới hơn 43%, còn lại là tôm, nhuyễn thể chân đầu, cá ngừ…

Cá tra chiếm gần một nửa kim ngạch XK sang Nga, chủ yếu nhờ nhu cầu NK tăng mạnh trong những tháng cuối năm ngoái. Bởi trong tháng 1/2014, Cục Kiểm dịch Động thực vật Liên bang Nga (VPSS) đã ra lệnh tạm đình chỉ NK tôm và cá tra của một số DN Việt Nam.

Mãi đến tháng 8 và 9, khi VPSS dỡ bỏ lệnh tạm NK nói trên đối với 10 DN thủy sản Việt Nam, trong đó có 7 DN cá tra, thì cá tra Việt Nam mới quay lại được thị trường này.

Cây mắc ca đổi đời: Thiếu thận trọng sẽ đến “ mất cả chì lẫn chài”

Với giá trị kinh tế và dinh dưỡng, mắc ca đang là loại cây trồng thu hút nhiều sự quan tâm và được kỳ vọng là cây thoát nghèo cho nông dân các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh để phát triển một loài cây kinh tế mới thì không thể chỉ dựa trên sự tự phát, thiếu quy hoạch đồng bộ và thiếu tầm nhìn chiến lược. Một sự phát triển ồ ạt kiểu a dua sẽ đem lại những rủi ro lớn cho chính công cuộc thoát nghèo của bà con.

Từ năm 2002, đã có nghiên cứu và trồng thử nghiệm cây mắcca tại Tây Nguyên, Tây Bắc, các tỉnh vùng núi miền Trung của Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng (thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) và một số tổ chức khác, bước đầu là với giống nhập từ Trung Quốc, sau đó nhập từ Thái Lan và Australia.

Cụ thể, năm 2004, Trung Tâm nghiên cứu giống cây rừng đã chọn hộ ông Nguyễn Văn Cúc, trú tại thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk trồng khảo nghiệm cây mắcca, với diện tích 1ha xen với cây càphê vối.

Do phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nên vườn mắcca sinh trưởng khá tốt. Sau 4-5 năm cho năng suất khoảng 10 kg hạt/cây, thậm chí có cây đạt 15 kg/cây/năm.

>>> [Hàng hóa nổi bật ngày 01/04]: Giá gas giảm 4.500 đồng/bình

Hà Thắm

Hà Thắm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên