Khô mực rởm, giá rẻ bất ngờ
Sức “hấp dẫn” còn ở giá bán khá mềm, khi mà túi khô mực 5 con rất to và dài người bán chỉ kêu 120.000 đồng, nghĩa là chia ra mỗi con chỉ hơn 20.000 đồng...
- 27-01-201639.000 một kg mực tươi và những chiêu trò ai cũng phải ớn lạnh
- 03-12-2015Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang các thị trường lớn đều giảm
- 26-10-2015Mực tẩm ướp siêu bẩn
Đầu năm, trên hành trình ô tô khách từ Bắc vào Nam, khi đi qua địa phận huyện Tam Quan, tỉnh Bình Định, lúc nhà xe dừng tại một quán ăn ven đường để hành khách đi vệ sinh, nghỉ ngơi, ăn uống, tôi cùng rất nhiều hành khách đã bị “dính” một quả lừa khá ngoạn mục.
Khi xe vừa đỗ tại sân quán cơm, khách trên xe còn chưa kịp xuống hết thì phía cửa lên xuống đã có tới dăm bảy người phụ nữ tuổi còn trẻ bê các mẹt khô mực tới mời chào. Nhìn những con khô mực khá to, dài đầy hấp dẫn được đựng trong chiếc túi ni lông sạch bóng hầu như hành khách nào cũng "siêu lòng" trước lời chào mời đầy lôi cuốn của người bán hàng.
Sức “hấp dẫn” còn ở giá bán khá mềm, khi mà túi khô mực 5 con rất to và dài người bán chỉ kêu 120.000 đồng, nghĩa là chia ra mỗi con chỉ hơn 20.000 đồng. Vì thấy mực ngon, giá lại rẻ nên gần chục khách vội vàng rút tiền mua ngay, người thì vài túi, người mua cả chục túi với ý định mang về làm quà.
Tôi thấy khách mua đông quá nên cũng hùa theo mua đại 2 túi về để ăn lai rai cho vui. Lúc tôi mua 2 túi với giá 240.000 đồng rồi, người bán kêu nếu tôi mua thêm 2 túi nữa thì sẽ bớt cho mỗi túi 20 ngàn đồng, nghĩa là chỉ còn 100.000 đồng/túi. Nghe bùi tai nên tôi đồng ý lấy thêm 2 túi, tổng cộng là 4.
Mua khô mực xong, chúng tôi đang ăn cơm trong quán thì có một chị người địa phương, phụ chạy bàn ở quán ăn đó thì thầm nói nhỏ rằng toàn bộ số mực mà chúng tôi vừa mua đều là khô mực dởm, chúng được làm bằng bột mì nhào trộn với bột nhựa cao su, vài chất phụ gia khác, cùng hương liệu của mùi mực...
Mới đầu tôi cũng không tin, nhưng đến khi bóc túi mực đem nướng thử 1 con với cồn 90 độ thì quả là con mực cháy sun lại, đen ngòm và khét lẹt, chứ không còn mùi thơm của khô mực. Cháy một lát, than của con mực đã bám nhằng nhằng vào chiếc đĩa sứ như bã kẹo cao su.
Tất cả những người vừa mua phải những túi khô mực dởm khi chứng kiến cảnh nướng mực đều ngao ngán lắc đầu và tức giận vì ăn phải một cú lừa quá khó nuốt. Tôi tiến lại “phỏng vấn” người chủ quán cơm, cũng như vài người làm thuê ở quán là sao không cảnh báo cho khách để mọi người không bị lừa đảo (?!).
Ông chủ quán trả lời với tâm trạng đầy cảm thông: “Chúng tôi cũng muốn cảnh báo cho khách lắm chứ nhưng khách phải thông cảm là chúng tôi ở nơi khác tới thuê mướn mặt bằng kinh doanh, mà những kẻ lừa đảo bán dạo kia đều là người địa phương, lại có không ít kẻ đầu gấu, vào tù ra tội, nếu chúng tôi viết biển “cảnh báo” hay nhắc nhở khách thì bọn chúng sẽ không để yên...”.
Thực ra chuyện khô mực dởm là đề tài không còn mới, nhưng kể câu chuyện bị lừa của bản thân, tôi muốn cảnh báo tới những người chưa từng đọc vấn đề này trên các phương tiện truyền thông, cũng như chưa từng mắt thấy tai nghe, là hãy nêu cao cảnh giác. Vì tiền nên những kẻ xấu sẵn sàng làm bậy để lừa gạt khách.
Nông nghiệp Việt Nam