MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2015: Giá cà phê robusta nhiều cơ hội tăng hơn arabica

10-03-2015 - 09:00 AM | Thị trường

Thị trường cà phê thế giới năm 2015 có nhiều dấu hiệu sẽ tiếp tục biến động mạnh. Dự báo xu hướng tăng giá của năm 2014 sẽ còn tiếp diễn, song sẽ có sự khác biệt lớn về mức độ tăng giữa 2 loại arabica và robusta, do chịu ảnh hưởng lớn từ hai quốc gia sản xuất chủ chốt là Brazil và Việt Nam.

Nội dung nổi bật

- Thị trường cà phê thế giới năm 2015 có nhiều dấu hiệu sẽ tiếp tục biến động mạnh

- Giá cà phê arabica sẽ tăng vừa phải vì các động lực tăng giá của những năm qua giờ đây đã thay đổi

- Giá cà phê robusta dự báo tăng do cung yếu, chủ yếu từ Việt Nam

- Các nhà đầu cơ đang sẵn sàng mua cà phê vào khi giá xuống dưới 40.000 đồng/kg


Arabica sẽ tăng giá vừa phải

Giống như những hàng hóa nhẹ khác, giá cà phê arabica đã tăng rất mạnh trong năm vừa qua, đạt kỷ lục cao 2,2910 USD/lb hồi tháng 10/2014 do Brazil lâm vào đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng nhiều thập kỷ.

Giá arabica từ đầu năm 2015 tới nay biến động rất mạnh. Khi vừa bước sang năm mới, giá đột ngột tăng vọt khi thiếu mưa trầm trọng ở Brazil – nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, gây lo ngại về triển vọng sản lượng. Tuy nhiên, xu hướng tăng giá không kéo dài. Trong tháng 2 arabica xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm sau khi điều kiện thời tiết ở các khu vực trồng trọt chính của Brazil được cải thiện đáng kể. Và các nhà đầu tư bắt đầu hoang mang về triển vọng thị trường này, bởi những biến động quá mạnh trong những tháng gần đây.

Trên thực tế có nhiều dự đoán rất khác biệt về triển vọng loại nông sản này.

Commerzbank cho rằng biến động thời tiết ở Brazil và tồn kho yếu sẽ khiến giá tăng trong những quý tới, có thể đạt trung bình 2 USD/lb trong quý IV năm nay. Và mới đây nhất, lãnh đạo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cũng cho rằng arabica có nhiều cơ sở để tiếp tục tăng giá trong năm nay.

Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù ICO dự báo thị trường cà phê thế giới năm nay sẽ thiếu cung, nhưng trong báo cáo tháng 3 vừa công bố, tổ chức này đã nâng mức dự báo sản lượng so với báo cáo tháng 2, trên cơ sở nâng dự báo về sản lượng của Honduras, Mexico, các quốc gia sản xuất chủ chốt khác ở châu Phi và Trung Mỹ.

Tại Brazil, mặc dù đầu năm nay khô hạn, song điều kiện thời tiết đã nhanh chóng được cải thiện trên diện rộng, với lượng mưa trong tháng 1 cao hơn mức trung bình, lý tưởng cho sự sinh trưởng của cây trồng và hứa hẹn vụ mùa arabica đạt năng suất cao.

Volcafe thuộc ED&MAN hồi đầu tháng 2 đã dự báo sản lượng của Brazil năm nay sẽ tăng lên 49,5 triệu bao (loại 60 kg/bao) từ mức 47 triệu bao năm ngoái. Các nhà kinh doanh cà phê ở Thụy Sĩ cũng nhận định tình trạng thiếu hụt đã được cải thiện đáng kể, và hạ dự báo về mức thiếu hụt cà phê toàn cầu niên vụ 2014/15 từ mức 8,9 triệu bao (đưa ra khi thời tiết ở Brazil và các nước Nam Mỹ khác trong giai đoạn khô hạn) xuống chỉ còn 1,4 triệu bao.

Môi trường kinh tế vĩ mô của Brazil cũng hậu thuẫn xu hướng giá arabica giảm. Lạm phát tại quốc gia này tăng vọt và đồng real mất giá hơn 7% xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm so với USD trong tháng 2 vừa qua. Đồng real trượt giá cộng với sản lượng tăng sẽ thúc đẩy Brazil gia tăng xuất khẩu cà phê nhiều hơn nữa. Không chỉ Brazil, sản lượng của các quốc gia Trung Mỹ khác cũng đang hồi phục.

Năm ngoái, thiếu cung cà phê không chỉ bởi sản lượng của Brazil giảm đột ngột mà còn bởi sản lượng của các quốc gia Trung Mỹ cũng sụt giảm. Trung Mỹ chiếm tới 10% sản lượng toàn cầu. Nấm bệnh trên cây cà phê đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho các đồn điền ở khu vực này, khiến xuất khẩu của Nicaragua, El Salvador, Guatemala và Mexico đều giảm 2 con số trong niên vụ vừa qua. Tuy nhiên, sản lượng của khu vực này đang hồi phục rất nhanh. Trong khi đó, Colombia – nước xuất khẩu arabica hàng đầu thế giới, sau khi mất mùa 2013/14 do sâu bệnh, sản lượng năm 2014/15 dự báo sẽ hồi phục lên 12,5 triệu bao và dự báo tiếp tục tăng lên 13 triệu bao trong niên vụ tới, nhờ chiến dịch thay thế hàng loạt những cây cà phê già cỗi.

Tóm lại, các động lực của thị trường arabica đã thay đổi nhiều trong năm qua. Có khả năng mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng giá trong năm nay, song sẽ khó có thể tăng mạnh.

Giá robusta có thể tiếp tục tăng mạnh

Trái với arabica, thị trường robusta đang có nhiều yếu tố hậu thuẫn giá tăng. Trong báo cáo mới nhất, ICO dự báo sản lượng robusta toàn cầu năm 2014/15 sẽ giảm 3,7%, cao hơn nhiều mức giảm 2,8% của loại arabica.

Ngay tại Việt Nam, quốc gia sản xuất robusta hàng đầu thế giới, các nhà đầu cơ đã sẵn sàng mua vào khi giá xuống dưới 40.000 đồng/kg, khiến cho nguồn cung robusta thế giới càng trở nên khan hiếm. Trong bối cảnh tiền tệ của nhiều quốc gia giảm giá so với USD thì tiền đồng của Việt Nam tương đối ổn định, giữ cho giá cà phê trong nước và xuất khẩu không biến động mạnh. Xuất khẩu cà phê tháng 2/2015 ước đạt 110.000 tấn, giảm 25% so với cùng tháng năm 2014. Trong giai đoạn tháng 10/2014 – 2/2015, xuất khẩu cà phê Việt Nam đã giảm 11% so với một năm trước đó, xuống chỉ 8,94 triệu bao. Tình hình này có thể khiến thiếu hụt robusta thế giới gia tăng trong những tháng sắp tới.

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) đầu năm nay dự báo sản lượng cà phê năm 2015 của Việt Nam sẽ giảm khoảng 20-25% so với năm 2014 do ảnh hưởng của biến đổi thời tiết và công tác tái canh cà phê còn thực hiện chậm, kéo theo xuất khẩu giảm khoảng 11% trong năm nay sau khi tăng mạnh 33% trong năm 2014. Hiện nhiều vùng thiếu nước tưới làm tăng lo ngại sản lượng cà phê tiếp tục sụt giảm.

Mặc dù đã có đề án tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020, nhưng việc tái canh nói chung còn chậm do thiếu nguồn vốn, một số tỉnh vẫn chưa có quy hoạch tổng thể chi tiết diện tích cà phê cần tái canh để phối hợp với các ngân hàng giải quyết nguồn vốn. Lãi suất vay vốn cho tái canh cà phê còn cao, chưa hấp dẫn các hộ sản xuất và doanh nghiệp đầu tư trồng tái canh cây cà phê.

Nhìn chung với robusta, việc dự báo triển vọng giá vào lúc này không dễ dàng bởi tình trạng đầu cơ tích trữ sẽ kéo dài tới khoảng tháng 5, khi mùa mưa đến và nhà đầu tư sẽ quyết định nên bán hàng tích trữ ra hay tiếp tục găm giữ chờ giá lên.

Vân Chi

PV

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên