MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nẫu ruột vì dưa hấu

15-02-2016 - 08:24 AM | Thị trường

Bước sang đầu năm mới, giá dưa đứng ở mức thấp tịt, chỉ 4.000đ/kg, người trồng lỗ lên lỗ xuống...

Năm 2015, do ngành hàng phân bón ế ẩm, tiêu thụ chậm, nên các đại lý cung ứng mặt hàng này luôn sẵn lòng bán nợ. Phân bón là khoản chi lớn trong SX dưa hấu, nay được mua nợ nên những hộ trồng dưa mạnh dạn tăng diện tích.

Chuyện cũ lập lại, khi cung vượt cầu thì thị trường tiêu thụ ế ẩm, dưa tuột giá thê thảm. Bước sang đầu năm mới giá dưa đứng ở mức thấp tịt, chỉ 4.000đ/kg, người trồng lỗ lên lỗ xuống. Đã đến lúc người trồng dưa hấu phải tính chuyện làm ăn bền vững để tránh thua thiệt.

Có thể nói, trong năm 2015 diện tích dưa hấu trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên “bùng nổ”, tăng gấp đôi so với những năm trước. Theo ông Huỳnh Văn Muộn, cán bộ kỹ thuật của Cty TNHH Thương mại Trang Nông, chỉ từ tháng 8 đến cuối năm 2015 mà công ty này đã tiêu thụ đến 2 tấn giống dưa hấu cho nông dân các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, chủ yếu là giống dưa hấu lai F1 TN 386 Hắc Mỹ Nhân. Thử làm 1 bài toán đơn giản, mỗi kg giống trồng được 2 ha dưa hấu, vị chi 2.000 kg giống sẽ trồng được 4.000 ha dưa.

Cũng theo ông Muộn, năm 2015 Tây Nguyên kết thúc mùa mưa sớm, nên bà con trồng dưa hấu xuống giống sớm hơn 1 tháng so với những năm trước, nên mới tháng 11 là đã có thu hoạch.

Bắt đầu vào vụ thu hoạch dưa bán được giá 5.000đ/kg, tuy nhiên cái giá này chỉ đứng được trong nửa đầu tháng 11, sau đó tuột xuống chỉ còn 2.000đ/kg kéo dài đến cuối năm 2015. Với cái giá này, người trồng dưa chỉ có méo mặt, nhất là đối với những nông dân miền Trung chuyên du canh lên đất Tây Nguyên thuê đất trồng dưa.

Ông Lê Hà Nhi (42 tuổi) quê ở thôn 3, xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn, Bình Định), người chuyên lên Tây Nguyên thuê đất trồng dưa hấu cho biết: “Nếu thuê đất thuận lợi đường nước, gần đường ô tô thì bọn tui phải trả 20 triệu đ/ha/vụ; đất khó nước, xa đường ô tô thì từ 10-12 triệu đ/ha/vụ. Tính cả chi phí tiền thuê đất, công cán, phân bón và thuốc BVTV, người trồng dưa phải đầu tư đến 150 triệu đ/ha. Với giá dưa 2.000đ/kg thì người trồng lỗ chỏng gọng. Hiện nay tăng lên được 4.000đ/kg nông dân cũng chưa lời lãi gì”.

Anh Huỳnh Văn Tín (32 tuổi) ở thôn Mỹ Phú Đông, xã Mỹ Lợi (huyện Phù Mỹ, Bình Định) đang trồng 3 sào dưa hấu tính toán: “Mỗi sào đất tui trồng được 500 dây dưa, từ khi xuống giống đến khi thu hoạch, tui đầu tư cho mỗi dây dưa hết 5.000đ, đó là chưa tính công.

Nếu thời tiết thuận lợi, trời cho ăn thì mỗi dây dưa thu được 4kg quả. Như vậy mỗi sào tui thu được 2 tấn dưa. Với giá dưa 4.000đ/kg như hiện nay thì sau khi trừ mọi khoản chi phí đầu tư, trừ dưa loại không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, người trồng vẫn bị lỗ”.

Qua chuyện trò với những người chuyên trồng dưa hấu thì được biết do trồng dưa đầu tư cao, rủi ro nhiều, nên khi xuống giống ai cũng tính toán thời điểm thu hoạch để bán được giá cao. Do đó, hầu như khi đã thu hoạch là thu hoạch cả vùng, dưa dồn ứ.

Theo đánh giá của ông Lê Đình Chiến ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), một thương lái lớn chuyên thu mua dưa trên địa bàn cả nước cung ứng sang thị trường Trung Quốc thì, những lúc dưa ế không phải do thị trường Trung Quốc không ăn dưa, mà do xe dưa từ Việt Nam sang dồn dập quá nên bị thương lái ép giá.

“Qua theo dõi tôi thấy, nếu hôm nào chỉ có 50 xe dưa nhập sang thị trường Trung Quốc thì hôm ấy bán dưa được giá cao, bởi với mức cung này là vừa với mức cầu.

Tuy nhiên, do nông dân trồng dưa cùng lúc nên thu hoạch dồn dập, hôm nào cũng sang cửa khẩu đến vài trăm xe dưa thì bị ép giá là chuyện không thể tránh khỏi. Dưa là loại không để được lâu, trả giá rẻ cũng phải bán chứ để lại, kéo dài thời gian nằm trên xe thì hỏng hết, càng lỗ to”, ông Chiến nói.


Dưa lên xe đi Trung Quốc

Dưa lên xe đi Trung Quốc

 

“Thời gian vừa qua thời tiết ở Trung Quốc rét gay gắt nên nông dân bên ấy không thể trồng dưa hấu. Do đó, bước sang năm mới chắc chắn thị trường tiêu thụ dưa ở Trung Quốc sẽ ăn mạnh, những diện tích dưa thu hoạch vào cuối tháng Giêng này sẽ bán được giá cao”, anh Nguyễn Văn Hồng, người chuyên trồng dưa hấu ở xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ, Bình Định) hy vọng.

Một thực tế khác là do hầu hết đất trồng dưa ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên đều là đất thuê, do đó để nhanh thu hoạch, trong quá trình chăm sóc người trồng thường dùng chất kích thích, bón nhiều phân hóa học để dưa nhanh lớn khiến quả dưa bị thừa nước, bộng ruột, dễ hư hỏng nếu gặp lúc thị trường tiêu thụ chậm, xe dưa bị “giam” lâu ngày tại cửa khẩu. Nếu chọn giống dưa không phù hợp với điều kiện xuất khẩu, quả có vỏ mỏng thì còn bị thất thoát cao trong quá trình vận chuyển.

Trong bối cảnh gặp khó khăn trong việc tiêu thụ dưa hấu bằng đường bộ, chị Nguyễn Thị Hồng, một thương lái chuyên thu mua dưa hấu tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc, quê ở huyện Tây Sơn (Bình Định) đã nảy ra ý tưởng đưa dưa hấu thu mua tại Bình Định và các tỉnh lân cận đi sang Trung Quốc bằng đường thủy thông qua cảng Quy Nhơn.

Theo như chị Hồng tính toán thì hiện nay, mỗi kg dưa hấu đi đường bộ phải gánh phí đến 1.800 - 2.000đ. Trong khi đó phí vận chuyển bằng đường thủy rẻ hơn. Tuy nhiên, muốn thực hiện được phải cần đến sự đồng lòng của người trồng dưa. Hiện chị Hồng đã có đối tác thu mua, thế nhưng họ yêu cầu trong 3 ngày phải có 1.000 tấn dưa tập trung tại cảng Quy Nhơn.

Nếu trong thời gian 3 ngày mà hàng gom không đủ số lượng nói trên thì những ngày sau đó, bên cung ứng hàng phải chịu trả phí lưu hàng tại cảng đến khi gom đủ số lượng. Trong khi đó, nông dân mình vẫn còn tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ, sợ sau khi ký hợp đồng với giá bán đã thỏa thuận, sau đó giá thị trường bên ngoài tăng lên thì không bán được giá cao. Do đó, dù hay ho, nhưng ý tưởng của chị Hồng vẫn chưa thực hiện được.

Theo ông Huỳnh Văn Muộn, Cty TNHH Thương mại Trang Nông, ý tưởng tiêu thụ dưa hấu bằng đường thủy của chị Hồng sẽ làm giảm áp lực dồn ứ dưa hấu sang cửa khẩu, tránh được tình trạng dưa hấu của Việt Nam bị ép giá. Tuy nhiên, để thực hiện cần phải có sự tham gia của ngành chức năng các cấp trong công tác tuyên truyền để người trồng dưa thấy được đây là cách làm ăn bền vững, giảm thiểu được thiệt hại trong khâu tiêu thụ.

 

Theo Vũ Đình Thung

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên