Ngàn tấn hàu chết, vựa thuỷ sản nguy kịch trong mặn
Đồng bằng sông Cửu Long – vùng đất trù phú của đất nước – đang đối mặt với tình trạng ngập mặn ngày càng lan rộng. Bà con nông dân khắp các tỉnh An Giang, Cà Mau, Bến Tre… đang gánh chịu thiệt hại chưa từng có.
- 27-02-2016Ngành thủy sản: Thách thức gấp đôi cơ hội
- 26-02-2016Xuất khẩu gạo tăng gấp đôi và thủy sản lấy được đà tăng trưởng
- 21-02-2016Xuất khẩu thủy sản "chông chênh" đầu năm
Hàng trăm hộ dân nuôi hàu ở Bến Tre lâm vào cảnh trắng tay sau khi hàu chết hàng loạt. Người dân cho hay, nước nhiễm mặn quá cao khiến con hàu chuẩn bị thu hoạch không thể sống nổi.
Mấy ngày nay, người dân khu vực vàm Cống Bể, thuộc 2 xã Thừa Đức, Thới Thuận của huyện Bình Đại (Bến Tre) đang mếu máo vì hàu nuôi trên sông chết hơn 90%, bốc mùi tanh nồng nặc.
5 tấn hàu chết không còn 1 con
Ngồi thẫn thờ bên đống hàu chết, anh Huỳnh Văn Quốc (ấp Thừa Thạnh, xã Thừa Đức) kể, hàu đang chuẩn bị kêu lái mua với giá 26.000 đồng/kg, giờ chết không còn một con, chẳng kịp trở tay.
Anh Huỳnh Văn Quốc: Vỡ nợ thiệt rồi
“Nhà tôi nuôi 5 tấn hàu, giờ chết hết không còn một con. Mỗi lần xúc hàu vào bao tải đưa đi tiêu hủy, tôi ứa nước mắt. Lẽ ra vụ này gia đình tôi kiếm được mấy trăm triệu, nhưng giờ thì mất trắng. Đợt này vỡ nợ thiệt rồi mấy chú ơi” - anh Quốc nói như khóc.
Bà Lê Thị Thắm: Tôi mất ăn mất ngủ, bạc cả đầu
Chung cảnh ngộ, bà Lê Thị Thắm (ấp Thừa Thạnh) ngồi nhặt những con hàu còn sót lại nói: “Cả trăm tấn hàu nuôi giờ vớt lên chỉ còn mỗi vỏ. Trước Tết, thương lái đã đặt tiền cọc, nhưng giờ nghe tin hàu chết họ cứ hẹn lần hẹn lữa. Gần 10 ngày chờ họ đến vét mua giúp số hàu ít ỏi còn lại giùm, tôi mất ăn, mất ngủ, bạc cả đầu thế này đây”.
Theo bà Thắm, cứ một ngày thương lái trễ hẹn là hàu nhà bà chết càng nhiều, lỗ càng thêm lỗ. Bà phải liên tục gọi điện giục lái đến mua nhưng không dám lớn tiếng như mọi lần.
“Hai năm trước, thấy nuôi sò huyết không có lời nên tôi chuyển sang nuôi hàu. Vụ đầu thắng, tôi cất nhà. Đến vụ thứ hai này tôi gom từng đồng vốn của gia đình và đi vay thêm để về mua vật liệu, mở rộng chỗ nuôi nhưng giờ hàu chết hết, lỗ cả tỉ bạc, chắc tôi phải kêu người bán đất để trả nợ” – bà Thắm nghèn nghẹn.
Tuy thế, bà Thắm cho rằng mình vẫn còn gặp may hơn nhiều người khác. Hàng chục nhà nuôi hàu phải đi vay tiền để đầu tư, giờ trắng tay. Một số đang chuẩn bị bỏ xứ đi Sài Gòn làm thuê để trả nợ.
Hiện tại hàu của người dân Bến Tre đang bước vào thu hoạch, giá thương phẩm từ 25.000 - 26.000đ/kg. Tuy nhiên do hàu chết hàng loạt cùng lúc nên chỉ giá hạ xuống 18.000 - 22.000đ mà không có người mua. Trước mắt, các hộ vớt hàu chết lên bờ để không bị ô nhiễm, vụ sau còn nuôi tiếp được.
Bà Nguyễn Thị Trường nghẹn ngào: Hôm trước nhìn hàu chết tôi ngất xỉu trên ghe
“Tôi bị mất gần 2 tỷ đồng. Hôm trước nhìn hàu chết tôi ngất xỉu trên ghe. Gần 2 năm trời chăm sóc, tốn hàng trăm triệu đồng nhưng giờ trắng tay. Nước sông gì mà mặn chát, mặn đắng, con người còn không sống nổi nữa nói chi con hàu” – bà Nguyễn Thị Trường nghẹn ngào kể.
Người nuôi hàu ở đây xác định, hàu chết hàng loạt là do nước nhiễm mặn quá cao, thời tiết nắng nóng ban ngày và hạ thấp đột ngột ban đêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn La, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Đại cho biết, nguyên nhân ban đầu hàu chết hàng loạt được xác định do nguồn nước có độ mặn quá cao.
Toàn huyện bị nhiễm mặn
Cụ thể, độ mặn tại cửa sông Cống Bế - khu vực người dân nuôi hàu - đo được từ 35-37%0, cao hơn khoảng 10%0 so với những năm trước, trong khi môi trường thích hợp nuôi hàu có độ mặn dưới 25%0.
Vẫn theo ông La, mọi năm vào thời điểm này nguồn nước thượng nguồn đổ về ổn định thì độ mặn ổn định. Năm nay lượng về rất ít nên toàn huyện Bình Đại nhiễm mặn, đặc biệt là vùng cửa sông khiến người nuôi thủy sản lao đao.
Ông Huỳnh Văn Cung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết chi cục đã cử đoàn cán bộ xuống để khảo sát thu thập mẫu nước, hàu chết để về nghiên cứu.
“Hiện vẫn chưa có kết luận chính thức nhưng có khả năng hàu chết vì nước nhiễm mặn quá cao, môi trường sống thay đổi” – ông Cung nói.
Hiện nay, tình hình hàu chết tại huyện Bình Đại thê thảm đến độ người dân không còn nói đến hàu nữa, mà nói đến những phận người sẽ ra sao sau đợt nhiễm mặn kinh hoàng này. Người dân chỉ mong cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân và có phương án hỗ trợ vốn để họ tiếp tục nuôi hàu vào vụ sau.
Chính quyền địa phương cho hay, đang thống kê, xem xét có hỗ trợ được phần nào đỡ phần nấy cho dân, vì hàu không nằm trong danh mục hỗ trợ.
Hàng chục tấn hàu chết vì nước nhiễm mặn.
Người dân cho biết, hàu chết là do nước nhiễm mặn quá cao.
Vietnamnet