MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành ximăng Việt Nam: Thách thức trước bài toán tăng trưởng "nóng"

23-04-2015 - 17:37 PM | Thị trường

Từ một nước nhập khẩu, chỉ trong vòng 4 năm (từ 2010-2014), Việt Nam đã vươn đứng thứ 5 trên thế giới về sản xuất và tiêu thụ ximăng.

Tuy nhiên, việc ngành sản xuất này tăng trưởng "nóng" cũng đặt ra nhiều thách thức như: Hoạt động sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ, xuất khẩu chưa mang tính dài hạn, sự liên kết còn thiếu chặt chẽ và hạ tầng logistic (kho vận) chưa phù hợp...

Đây cũng là một trong những vấn đề nóng được đặt ra tại Hội thảo "Xuất khẩu ximăng hướng tới tăng trưởng bền vững" do Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng tổ chức sáng 23/4, tại Hà Nội.

Chông chênh khi cung vượt xa cầu

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2014, tổng tiêu thụ đạt 71 triệu tấn sản phẩm, trong đó nội địa là 50,6 triệu tấn và xuất khẩu là 20,4 triệu tấn. Hiện công suất toàn ngành ximăng đang vượt nhu cầu sử dụng trong nước từ 20-25%.

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, tới năm 2014) Việt Nam chỉ đứng sau 4 nước có sản lượng ximăng lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Mỹ.

Mặc dù vươn lên, nhưng việc xuất khẩu xi măng của nước ta lại tiềm ẩn nhiều thách thức. Phân tích thực tế, ông Lê Văn Tới đánh giá, doanh nghiệp xuất khẩu ximăng còn phân tán nhỏ lẻ, quy mô và mức độ tập trung thấp, cho nên việc khai thác tận gốc thị trường xuất khẩu chưa đạt được mà phải bán hàng qua khâu trung gian.

Mặt khác, việc vận chuyển ximăng xuất khẩu còn khó khăn do chúng ta chưa có cảng nước sâu chuyên dụng để xuất trực tiếp xi măng mà vẫn phải trung chuyển từ tàu bé ra tàu lớn ngoài khơi.

Quan trọng hơn, theo ông Tới, ngay cả trong quản lý nhà nước nhiều lúc cũng chỉ xem việc xuất khẩu chỉ là giải pháp tình thế, cho nên ngành ximăng phát triển thiếu bền vững cũng như không có hiệu quả lâu dài.

Bổ sung thêm ý kiến trên, ông Nguyễn Anh Quân, Trưởng phòng phát triển, Tổng công ty Ximăng Việt Nam chỉ ra rằng, ngoài diễn biến cung-cầu thì ngành ximăng còn mang tính thời vụ rất lớn, cụ thể nếu vào mùa xây dựng thì tiêu thụ tốt nhưng ngược lại sẽ rất ảm đạm.

Đáng lưu ý, xuất khẩu quá phụ thuộc một thị trường nên thường bị các đối tác ép giá.

"Tất cả sự yếu kém đều là do lỗi của các doanh nghiệp trong nước, chủ yếu do liên kết kém, thậm chí là hạ giá thành để chèn ép nhau," ông Quân nói.

Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)

Xuất khẩu là lựa chọn tối ưu?

Theo quan điểm của thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, ngành ximăng Việt Nam đang có nhiều thuận lợi do nguồn tài nguyên để sản xuất ximăng trong nước rất dồi dào.

Ước tính của lãnh đạo Bộ Xây dựng, trữ lượng đá vôi để sản xuất ra ximăng có thể dùng trong vòng 100 năm tới và là điều kiện tốt để vươn lên chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. Với tiềm năng như vậy, dự báo đến năm 2020 công suất của ngành này có thể đạt 100 triệu tấn ximăng/năm.

Từ nhận định đó, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, "Quan điểm của tôi là ủng hộ xuất khẩu vì tiềm năng trong nước còn rất lớn." Tuy nhiên, vị thứ trưởng này cũng nêu rõ, do công suất lớn như vậy nên ngành xi măng cũng cần giải quyết bài toán tăng trưởng bền vững, cũng như ít tác động đến môi trường.

Đại diện Tổng Công ty Ximăng Việt Nam cũng ủng hộ quan điểm này khi cho rằng, mặc dù tiêu thụ trong nước năm 2015 vẫn tăng nhưng Việt Nam việc xuất khẩu sẽ giúp cân bằng lượng dư thừa khoảng 10 triệu tấn (sau khi đã trừ đi lượng ximăng tiêu thụ trong nước khoảng 52 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 72 triệu tấn).

"Cần tính toán xuất khẩu là bài toán cả lâu dài và trước mắt," ông Nguyễn Anh Quân kiến nghị.

Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đại diện Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, về chính sách cần đảm bảo hài hòa giữa tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, đặc biệt là phải liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và xuất khẩu để tránh bị ép giá, cũng như tìm đối tác có thể ký được hợp đồng dài hạn nhằm hạn chế rủi ro khi xuất khẩu.

Theo Vụ Vật liệu Xây dựng Bộ Xây dựng, sản phẩm ximăng tiêu thụ trong quý 1 ước đạt 13,65 triệu tấn bằng 91% so cùng kỳ năm 2014 và đạt 19% kế hoạch.

Cụ thể, sản phẩm ximăng tiêu thụ tháng 3/2015 đạt 4,71 triệu tấn tăng 80% so với tháng liền kề trước đó. Tuy nhiên, con số này cũng chỉ đạt 76% so với cùng kỳ năm 2014.

Đáng chú ý là sản lượng xuất khẩu sản phẩm ximăng trong tháng 3/2015 chỉ ước đạt 0,80 triệu tấn, bằng 94% so với tháng 2/2015 và chỉ bằng 65% so với tháng 3/2014.

Do tính bấp bênh của thị trường, các chuyên gia cho rằng, cần phải có một chiến lược mang tính dài hạn để đưa ximăng thành một sản phẩm xuất khẩu có quy mô lớn, có giá trị cao, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước./.

Theo Đức Duy

PV

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên