Nguy cơ thiếu năng lượng sẽ đến sớm hơn dự kiến
Nhiều năm gần đây, hễ nhắc đến điện, xăng dầu, than... ồn ào trên báo chí hầu hết đều liên quan đến giá. Nhưng một câu chuyện khác có tầm quan trọng hơn nhiều lại ít được để ý, chính là việc Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu năng lượng trong một tương lai không xa, khi các nguồn năng lượng truyền thống đang dần dần cạn kiệt.
- 05-02-2015Giá xăng E5 giảm 320 đồng/lít, giá các loại xăng dầu khác giữ nguyên
- 22-09-2014Xuất khẩu than đá sang Lào tăng trên 60%
Vào năm 2025, Việt Nam từ một nước xuất khẩu sẽ phải nhập khẩu than với con số khổng lồ 125 triệu tấn, bằng 1/10 giao dịch than toàn cầu, trong khi hiện vẫn chưa biết nhập của ai, với giá bao nhiêu.
Tại cuộc gặp mặt báo chí mới đây nhất, ông Đặng Hoàng An – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chia sẻ nỗi lo lắng về tương lai ngành năng lượng khi Việt Nam vẫn tiếp tục sử dụng điện rất lãng phí.
Trong 10 năm qua, tăng trưởng điện trung bình mỗi năm là 13,2%, rất cao so với tăng trưởng GDP chỉ xung quanh mức 6%.
Ông Phạm Lê Thanh – Tổng Giám đốc EVN cũng thừa nhận: EVN đang đứng trước một số thách thức lớn. Đầu tiên chính là việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Tại QĐ 1028, Thủ tướng đã phê duyệt tới năm 2015 thì 1,5% điện tăng trưởng sẽ ra 1% GDP nhưng tới nay vẫn là 2% điện mới ra 1% GDP.
“Chúng ta mới tiết kiệm được trong dân cư, còn trong sản xuất công nghiệp vẫn chưa đạt dù năm nào cũng hô hào tiết kiệm. Như ở Tổng Công ty Điện lực miền Nam, tới 63% sản lượng điện vào đi vào công nghiệp, xây dựng, nhưng hiệu quả GDP làm ra thấp”.
Thách thức 2 là Thủ tướng yêu cầu năm 2015 tổn thất điện năng về 8% nhưng tới nay vẫn là 8,6%. EVN thừa nhận giải bài toán tổn thất này không hề dễ.
Trong khi sử dụng lãng phí như vậy, thì tương lai Việt Nam sẽ rất nhanh chóng thành nước nhập khẩu năng lượng.
Theo ông Đặng Hoàng An, từ một nước xuất khẩu nhiều năm, vào năm 2025, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu 125 triệu tấn than.
Để chuẩn bị cho tương lai này, Bộ Công Thương đã ký biên bản ghi nhớ với Indonesia và Australia, nhưng sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và một số quốc gia Đông Nam Á khác.
Dù sự cạnh tranh sẽ là khốc liệt, nhưng điều đáng lo hơn còn nằm ở đầu tư hạ tầng như cảng nước sâu, hệ thống đường giao thông để đưa than vào các nhà máy đáp ứng yêu cầu tăng nhập khẩu từ mức 2,1 triệu tấn vào năm 2013 lên 38 triệu tấn vào năm 2020. Sẽ lại là những khoản đầu tư khổng lồ khác mà chúng ta chưa biết nhìn vào đâu để thực hiện.
Tại cuộc họp tổng kết hoạt động của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vào giữa tháng 1 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã chia sẻ nỗi lo lắng thiếu năng lượng.
Theo Quy hoạch 60, đến năm 2030, sản lượng khai thác than sẽ đạt 70 triệu tấn, nhưng nay mức này không thể nào đạt được, sẽ phải giảm 20 triệu tấn.
Nguy cơ thiếu than đến sớm hơn dự kiến, mà hiệu suất sử dụng năng lượng lại thấp hơn dự kiến, khiến việc bảo đảm nguồn than trở thành nhiệm vụ hết sức trọng yếu trong thời gian tới.
“Con đường đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển còn rất dài, nhưng quay đi quay lại, các nguồn năng lượng sơ cấp đã thấy hết”.
Theo đánh giá, khí của chúng ta chỉ có 70 năm, Uranium cũng chỉ 73 năm, than ước tính là 200 năm, nhưng đến nay đã không còn chính xác nữa do tỷ lệ than trong cơ cấu năng lượng ngày càng tăng.
Nhập khẩu rất khó, do thiếu năng lượng là nguy cơ toàn cầu; đầu tư trong nước có hạn và rất nhiều dự án gặp khó khăn, chậm tiến độ như điện hạt nhân, nhiều nhà máy nhiệt điện than, các dự án điện tái tạo...
Cùng lúc đó, chính sách năng lượng của Việt Nam bị kẹt cứng ở giá.
Suốt nhiều năm qua, tranh cãi xung quanh vấn đề năng lượng của Việt Nam chủ yếu là câu chuyện giá và năng lực của EVN – dù đến nay ngoài những cáo buộc chung chung như “quản trị kém” (không rõ ở khâu nào), chưa ai chỉ ra được “căn bệnh” thực sự của tập đoàn này.
Về điều hành, Bộ Công Thương tỏ ra không nhất quán, và như nhiều nhà đầu tư nhận định là còn thiếu rõ ràng trong thông điệp.
Cụ thể, liên tiếp trong tháng 12 năm ngoái và cả đầu tháng 1 năm nay, đại diện Bộ Công Thương và EVN đều nhận định rủi ro thiếu điện ở miền Nam trong năm 2015 là rất cao, cần bổ sung thêm 36.000 MW vào năm 2020 để bảo đảm an ninh năng lượng cho khu vực này.
Tuy nhiên, cũng vào tháng 1/2015, EVN lại cam kết đáp ứng nhu cầu điện, với tổng công suất các nguồn điện trên toàn hệ thống đạt 34.000MW, với 30% dự phòng.
Nếu tiếp tục điều hành kém để dư luận nghi ngờ và ác cảm với những lần tăng giá, tiếp tục cảnh “giật gấu vá vai” kéo dài như những năm vừa qua, nguy cơ đó sẽ càng hiển hiện hơn nữa.
Giữ giá thấp và “tắt đèn” trong dài hạn, hay xác định được mức giá hợp lý để có tích lũy cho tương lai. Nếu đem câu hỏi đó đi trưng cầu ý kiến, câu trả lời chắc hẳn sẽ thiên về tương lai.
Tuy nhiên, để chọn được đáp án đó, mấu chốt lại nằm ở mức giá thế nào là “hợp lý”.
Câu hỏi này đang đợi được Bộ Công Thương trả lời, đặc biệt khi tháng 3 tới sẽ là thời điểm Bộ phải báo cáo Chính phủ về phương án giá mới do EVN đề xuất.
Theo Nam Phương
Công an nhân dân