MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhức nhối mỹ phẩm rởm

06-03-2015 - 08:38 AM | Thị trường

Mỹ phẩm rởm ngày càng tràn ngập thị trường, từ Nam chí Bắc, từ thành phố tới miền quê, hủy hoại sức khỏe, làn da người tiêu dùng. Ai chịu trách nhiệm về tình trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” này?

Bài 1: Ma trận bủa vây người dùng

Từ giá rẻ đến giá trên trời, thị trường mỹ phẩm thật giả lẫn lộn đang bủa vây người tiêu dùng Việt Nam như ma trận. Nhan nhản sản phẩm được chào mời là hàng xách tay chính hãng, hàng nhập khẩu giá cao, hàng tự chế theo công thức gia truyền.

Từ hàng xách tay đến mỹ phẩm tự chế

Dạo quanh một vòng các chợ như chợ đêm sinh viên Cầu Giấy, Chợ Xanh chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), chợ Phùng Khoang (quận Thanh Xuân) ở Hà Nội, dễ thấy nhiều quầy mỹ phẩm với hàng trăm loại khác nhau. Từ phấn má, phấn mắt, phấn phủ, son môi đến các loại kem dưỡng đêm, dưỡng thể, sữa rửa mặt, thuốc nhuộm tóc, dầu gội đầu…

Điều đặc biệt là các sản phẩm này có giá rẻ đến bất ngờ. Một thỏi son môi dạng nước có dòng chữ CLIO chủ hàng chào với giá 150 nghìn đồng. Tuy nhiên, khi ngã giá, người tiêu dùng có thể mua với giá 50 nghìn đồng. Ngoài ra, với chì kẻ mắt, phấn má, viền môi… khách hàng có thể mua với giá 10 nghìn - 30 nghìn đồng. Khi được hỏi xuất xứ, chủ hàng luôn giới thiệu sản phẩm chính hãng bị lỗi nên bán giá rẻ hoặc sản phẩm tự chế theo công thức gia truyền.

Theo quan sát của PV tại chợ Xanh,  khách mua hàng khá đông, đa số là người trẻ. Sau khi mua một hộp son dưỡng môi với giá 20 nghìn đồng, Nguyễn Thị Thương Nga (sinh viên Trường ĐH Sư phạm) cho hay: “Chưa có tiền để dùng mỹ phẩm cao cấp nên thi thoảng mình cũng mua một vài sản phẩm về dùng thử, nhưng nói thật là mình không dám dùng các loại như phấn hay kem dưỡng”.

Tương tự, tại các chợ ở TPHCM, mỹ phẩm nhái đủ nhãn hiệu từ bình dân tới cao cấp bán tràn lan nhưng chất lượng thì tù mù. Tan ca, hàng chục công nhân tỏa ra dọc hai bên đường Tây Thạnh, quận Tân Bình, mua mỹ phẩm bán dạo. “Nhiều loại mỹ phẩm nổi tiếng mới nhập về, vào mua đi cưng”, người bán vỉa hè mời. Trên tấm nilon nhàu nhĩ là hàng chục nhãn hiệu mỹ phẩm: White Care, Lancôme, Chanel, Christian Dior, Elizabeth, Kalvin Klein, Hugo, Debon, Shisheido... Tuy nhiên, nhìn kỹ thì chẳng có sản phẩm nào ghi nhãn phụ tiếng Việt của hàng nhập khẩu. Về giá cả của các loại mỹ phẩm “xịn” này, người bán hàng giới thiệu: Lancôme, Chanel, Christian Dior có giá từ 100 - 150 nghìn đồng/hộp, còn đắt hơn là Shisheido có giá 200 nghìn đồng/hộp. Nếu mua nhiều chị sẽ giảm 10%”. Theo tìm hiểu của phóng viên, với sản phẩm chính hãng, giá rẻ nhất cũng từ 500-700 nghìn đồng/hộp.

Tại các sạp mỹ phẩm ở chợ Bình Tây (quận 6), chợ An Đông (quận 5), hàng loạt mỹ phẩm không nhãn mác, thành phần bán tràn lan. Nhiều chủ sạp quảng cáo là hàng hiệu nhưng không có nhãn hiệu và giá chỉ 70-100 nghìn đồng/hộp. Khi được hỏi về nguồn gốc, các chủ hàng nói là kem trộn nhập khẩu đường tiểu ngạch và gia truyền nên không cần nhãn.

Trên facebook, nhan nhản sản phẩm làm đẹp từ son môi, kem dưỡng đến phấn ong, dầu dừa, mỹ phẩm làm trắng cấp tốc… được quảng cáo là sản phẩm tự chế, không phải thuê cửa hàng nên có giá rẻ. Một lọ dầu dừa được chào giá 80 nghìn đồng, 1 thỏi son đủ màu được bán giá 120 nghìn đồng, 1 lọ làm trắng da toàn thân có giá 600 nghìn đồng. Ngoài ra, một dạng mỹ phẩm được bán tràn lan không kém hàng chợ được nhiều chủ fanpage giới thiệu là mỹ phẩm xách tay chính hãng, song giá cả lại rất “mềm”. Một hộp phấn phủ Shiseido chỉ có giá 320.000 đồng/hộp, son có giá 150 nghìn đồng - 400 nghìn đồng/thỏi. Các chủ trang đều rao là hàng chính hãng do các tiếp viên hàng không hoặc người thân gửi về.

Bị thu giữ, tiêu hủy vẫn rao bán

Tháng 10/2014, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) quyết định thu hồi, tiêu hủy 17 sản phẩm mỹ phẩm của Cty TNHH EBC Việt Nam có trụ sở tại TPHCM và xử phạt hơn 105 triệu đồng vì kinh doanh mỹ phẩm không đúng công thức, hồ sơ chưa được phê duyệt. Trong đó có dòng sản phẩm mang thương hiệu White Doctor giá gần 1 triệu đồng/hộp có mặt ở 63 đại lý trên toàn quốc. Sản phẩm làm đẹp này được người tiêu dùng biết đến rộng rãi do các chiêu quảng cáo rầm rộ với công thức làm trắng nhanh, tẩy nám, tàn nhang hiệu quả…

Đặc biệt, trên facebook, một thời gian, nhiều hot girl lần lượt tung ảnh khẳng định mình sử dụng sản phẩm trên nên trắng ra trông thấy. Đến khi lực lượng chức năng thu giữ, tiêu hủy, người tiêu dùng mới ngã ngửa. Tuy nhiên, trên mạng hiện vẫn còn nhan nhản trang rao bán sản phẩm này. Khi liên hệ theo số điện thoại 09481961…và số 09845161… tự xưng nhân viên đại lý White Doctor, các nhân viên này vẫn giới thiệu bán mặt nạ, kem dưỡng trắng da với giá 680.000 đồng/hộp. Chỉ cần đặt hàng, một ngày sau sẽ có nhân viên giao hàng (miễn phí vận chuyển) đến tận tay người mua, khi đó mới thanh toán tiền.

Liên hệ với đại diện của Cty TNHH EBC Việt Nam, nhân viên đơn vị này khẳng định: “Mấy tháng nay Cty đã hết hàng tất cả các sản phẩm dòng White Doctor. Các sản phẩm White Doctor đang được chào bán trên thị trường là hàng giả, đơn vị đã có thông báo trên website của Cty”.

 

Nhiều lò mỹ phẩm rởm

Theo Quản lý Thị trường TPHCM, mới đây xử phạt 3 Cty chuyên sản xuất mỹ phẩm nhái. Ngoài ra, cơ quan chức năng phát hiện lò chuyên sản xuất mỹ phẩm làm trắng da (trên đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh) bằng cách mua nguyên liệu trôi nổi ở chợ Kim Biên về chế mỹ phẩm rởm, đóng vào hộp với giá 70-100 nghìn đồng, bán cho các chợ. Một lò trên đường Bà Hom, quận 6 bị Công an quận 6 phát hiện sản xuất nhiều mỹ phẩm, kem dưỡng da với nguyên liệu trôi nổi từ Trung Quốc.

Các đội quản lý thị trường Hà Nội cũng đã phát hiện nhiều vụ kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Khi bị phát hiện, các chủ kinh doanh khai nhận, tự mua các hỗn hợp bột, vỏ hộp mang sẵn các thương hiệu nổi tiếng về dùng xi lanh bơm vào. Đặc biệt, loại mỹ phẩm đề tên Ecoly (thương hiệu Hàn Quốc), bị Đội Quản lý thị trường số 14 thu giữ, có nhiều hóa chất cấm sử dụng.

>>> Hàng dỏm Trung Quốc ghi xuất xứ Việt Nam

Theo Nguyễn Hà - Lê Nguyễn

PV

Tiền phong

Trở lên trên