Nông sản sạch “đố” biết nguồn gốc ở đâu
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, ở Nhật Bản, người nông dân bán rau dọc đường sẵn sàng dán mã số nhà của họ lên mớ rau mùi bán ra thị trường, còn ở Việt Nam rau Vân Nội là của ai trồng, ai là vận chuyển thì không biết.
- 20-02-2016Làng rau sạch phấn khởi vì giá kỷ lục
- 15-01-2016"Hô biến" rau bẩn thành rau sạch: Biết tin vào ai?
- 15-01-2016Phù phép rau chợ đầu mối thành rau sạch tuồn vào trường học
- 06-12-2015Bùng nổ rau sạch
Hiện nhiều nhà đầu tư vào sản xuất sạch. Theo ông, cần làm gì để tiêu thụ nhiều sản phẩm sạch trong bối cảnh chúng ta hội nhập sâu rộng như hiện nay?
Tôi cho đó là xu hướng tiến bộ của thời đại cũng như Việt Nam. Người dân Việt Nam sợ thực phẩm mất an toàn vệ sinh nhưng làm thế nào để người dân tin đó là sản phẩm sạch và có giá cả hợp lý lại là vấn đề.
Ở Nhật Bản, người ta sản xuất xà lách lên tới 1,2 triệu đồng/kg, nếu tiêu thụ ở Việt Nam thì không thể chấp nhận được. Bởi lẽ Nhật Bản thu nhập người dân lên tới mấy chục nghìn USD/người còn ở Việt Nam mới dừng ở mấy nghìn USD/người. Do vậy, để có sản phẩm sạch với giá cả hợp lý là bài toán khó theo điều kiện ở Việt Nam, chẳng khác nào lên vũ trụ bằng dép lốp.
Vậy theo ông, trong câu chuyện kinh doanh nông sản sạch vấn đề nằm ở việc thiếu vốn, không có công nghệ hay phụ thuộc vào vấn đề lòng tin?
Làm nông nghiệp rất rủi ro, trong khi chính sách cho nông nghiệp ít. Hơn nữa, cách làm ăn của chúng ta còn manh mún, tiểu nông. Đơn cử như một nhà trồng rau vừa có loại để bán ra thị trường, vừa có loại để cho nhà ăn. Cách làm này phải xóa bỏ!
Ở Nhật Bản, người nông dân bán rau dọc đường sẵn sàng dán mã số nhà của họ lên mớ rau mùi bán ra thị trường, dám khẳng định là hàng của họ, còn ở Việt Nam rau Vân Nội là của ai trồng, ai vận chuyển thì không biết.
Như vậy là sản xuất không minh bạch, kỷ cương kém. Câu chuyện rau Ba Chữ đưa hàng kém chất lượng vào siêu thị Big C lẽ ra phải chịu trách nhiệm kỷ luật nhưng rồi lại rơi vào quên lãng. Kỷ cương, phép nước, thói làm ăn phải rèn theo cách làm công nghiệp thì mới tiến lên được.
Nói đến câu chuyện nông sản vào siêu thị, ông đã từng nói rằng, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam còn nhiều điểm yếu như sản xuất manh mún, thiếu liên kết… Những điểm yếu cố hữu này sẽ tác động như thế nào đến doanh nghiệp, nhất là khi các đại gia nước ngoài đang “chạy đua” đầu tư vào Việt Nam?
Tôi còn nhớ câu chuyện một bà bán hàng ở chợ Đồng Xuân mua 20 đôi giày hàng Việt nhưng nhà sản xuất bắt phải mua 100 đôi nếu không thì không liên kết. Như vậy là hỏng! Chúng ta tự hại chúng ta chứ không phải Thái Lan hay Trung Quốc hại.
Điều đặc biệt quan trọng vẫn là vấn đề liên kết. Doanh nghiệp Việt là những “con thuyền nan nhỏ” nhưng tính liên kết kém bền vững. Làm ăn chộp giật phải loại bỏ trên thương trường hội nhập.
Mặt khác, các nhà sản xuất Việt Nam đang phải cạnh tranh với hàng Thái về chất lượng, cạnh tranh với hàng Trung Quốc về giá rẻ. Đây là hai áp lực rất mạnh của thị trường Việt Nam. Cách duy nhất là phải học họ, đổi mới công nghệ, tiếp thị, logistics…để có thể giảm giá thành và nâng cao chất lượng hàng hóa.
Hiện hàng Thái chỉ chênh nhau với hàng Việt 5-10% về giá nhưng chất lượng thì hơn hẳn. Trong 10 năm qua, người Thái ăn nhập vào thị trường Việt Nam bằng nhiều con đường như du lịch, hội chợ, thị trường bán lẻ… và đến nay gia đình Việt nhà nào cũng có hàng Thái.
Nếu còn giữ phương thức làm ăn chộp giật, hàng năm không cải tiến mẫu mã, không giá thành, liên kết sản xuất- phân phối kém thì không thể cạnh tranh.
Xin cảm ơn ông!
Báo Hải Quan