Rời Trung Quốc, DN Mỹ quan tâm tới da giày Việt Nam
Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày đang đứng thứ 3 về đóng góp giá trị vào xuất khẩu của cả nước. Nhiều doanh nghiệp Mỹ đang chuyển dần những đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam bởi những lợi thế nổi trội, trong đó có trình độ tay nghề.
Theo Hiệp hội Da giày-túi xách Việt Nam (Lefaso), tính đến hết tháng 10/2014, ngành da giày đã xuất khẩu 8,3 tỷ USD, đạt 85,1% kế hoạch đề ra. Với tốc độ tăng trưởng này, mục tiêu năm 2014 đạt kim ngạch 9,75 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2013 đang trong “tầm tay”.
Trong một hội thảo gần đây, ông Matt Priest, đại diện Hiệp hội bán lẻ Giày Hoa Kỳ (FDRA) cho biết, Việt Nam đang nổi lên là một trong những nhà cung ứng giày dép lớn cho thị trường Hoa Kỳ. Trong 13 năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng liên tục.
Vị đại diện FDRA cho biết Hoa Kỳ đã nhập khẩu khoảng 2,3 tỉ đôi giày trong năm 2013. Trong đó 81% được cung cấp bởi Trung Quốc còn 10% tới từ Việt Nam. Dù cung ứng một lượng hàng rất lớn cho thị trường Hoa Kỳ, thị phần của Trung Quốc đang có dấu hiệu giảm dần. Từ đầu năm tới nay, lượng hàng từ Việt Nam tăng 16,5% trong khi lượng cung ứng của Trung Quốc giảm khoảng 4,4%.
Cụ thể, một tập đoàn của Mỹ là Wolverine Worldwide thay vì tập trung hầu hết vào Trung Quốc sẽ gia tăng mua hàng ở Việt Nam từ nay đến năm 2020. Hiện nay, các mặt hàng da giày của Việt Nam chiếm 14,7% nhu cầu mua hàng của Wolverine Worldwide.
Theo Phó Chủ tịch Lefaso Diệp Thành Kiệt, cùng với nhu cầu gia tăng về giày dép của thị trường thế giới, Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp các doanh nghiệp (DN) ngành giày dép Việt Nam có thêm nhiều cơ hội tại thị trường các nước.
Việt Nam đang được các nhà đầu tư quan tâm với lợi thế về nguồn lao động dồi dào, tay nghề tương đối có chất lượng và giá nhân công thấp. Hơn nữa, Việt Nam được đánh giá là một nước có tốc độ tăng trưởng cao với một nền chính trị ổn định, dân số trẻ, tỷ giá ổn định.
Ông Matt Priest cho rằng Việt Nam đang có những lợi thế tương đối vượt trội so với nhiều nước trong khu vực ASEAN. Ví dụ như ở Campuchia cần đào tạo lại nguồn nhân lực, Myanmar tiềm ẩn nhiều bất ổn và còn khó khăn về nguồn cung điện. Là một nước có bề dày trong ngành sản xuất da giày, Việt Nam sẽ là một quốc gia “hút” các nhà đầu tư. Ông Matt Priest nhận định “đây chính là cơ hội vàng để ngành da giày Việt Nam tăng tốc”.
Nhưng không quên phát triển chiều sâu
Tuy nhiên, như nhiều ngành sản xuất trong nước khác thì ngành da giày mới chỉ phát triển theo bề rộng mà chưa thực sự phát triển theo chiều sâu. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng lên, thị trường được mở rộng nhưng tỷ suất lợi nhuận của ngành còn thấp.
Ông Diệp Thành Kiệt cho biết, nguyên nhân cơ bản dẫn đến giá trị các sản phẩm da giày xuất khẩu còn chưa cao là bởi tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu còn thấp.
Theo Lefaso, tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may-da giày trong 9 tháng đầu năm lên đến 3,64 tỷ USD, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn lớn nhất với tỷ lệ chiếm tới 33% tổng kim ngạch.
Tỷ lệ nội địa hóa ở những nguyên liệu chủ chốt còn thấp: Da tổng hợp là 30%, vải 70% còn đế giày 60%. Hơn nữa, tỷ lệ nhập khẩu một số nguyên liệu (giả da, da thuộc, các loại vải dệt và phụ kiện sản xuất túi xách) trong sản xuất sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao lại chiếm tới 80% giá trị xuất khẩu.
Vì vậy, tăng tỷ lệ nội địa hóa ngoài việc giảm tối đa chi phí phát sinh, gia tăng giá trị xuất khẩu còn là điều kiện tiên quyết để phát triển ngành da giày, túi xách bền vững.
Bên cạnh đó, để tăng giá trị cho những mặt hàng xuất khẩu thì việc liên kết với những thương hiệu nổi tiếng để đa dạng hóa các sản phẩm là một hướng đi mới mà các DN trong nước cần nắm bắt.
Kinh nghiệm từ Tập đoàn Thái Bình (Thái Bình Shoes) cho thấy, sau khi liên kết với một thương hiệu nổi tiếng tại Mỹ về túi xách là Tập đoàn Coach thì giá trị gia công đã cao hơn từ 2-3 lần và doanh thu tăng hơn 40-50% so với trước đây.
Nắm bắt được cơ hội này, Thái Bình Shoes đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy mới trị giá 10 triệu USD với 3.000 công nhân và công nghệ hiện đại để đáp ứng yêu cầu khắt khe về chất lượng và nhu cầu ngày càng tăng về số lượng của Coach.
Bên cạnh đó, việc tăng cường hoạt động phát triển mẫu (R&D) sẽ giúp nâng cao giá trị của sản phẩm. Từ chỗ gia công sản xuất giày xuất khẩu cho các hãng như DC, Skechers, Decathlon, Thái Bình Shoes đã chủ động phát triển mẫu để khách hàng lựa chọn thay vì sản xuất theo toàn bộ mẫu mã được cung cấp.
Cụ thể, hiện nay Skechers đã lựa chọn 2 mẫu giày của Thái Bình Shoes để sản xuất với số lượng 2,2 triệu đôi/năm và chiếm 40% sản lượng của Skechers tại Việt Nam.
Do đó, ông Kiệt cho rằng, nếu chỉ chạy theo tốc độ tăng trưởng hằng năm sẽ dẫn đến tình trạng các dòng sản phẩm “thấp cấp” chảy về Việt Nam. Vì vậy, cần phát triển ngành cả theo chiều rộng và chiều sâu.
Để có được những sản phẩm có giá trị cao các DN phải xây dựng chiến lược phát triển theo hướng nâng cấp quy mô, đầu tư trang bị máy móc, thiết bị và nhân sự để sản xuất các dòng sản phẩm cao cấp, từ đó góp phần nâng cao giá trị xuất khẩu.
>>>Xuất khẩu da giầy, túi xách Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD
Theo Thanh Thủy