MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sao phải mua xe buýt Trung Quốc?

28-12-2015 - 07:07 AM | Thị trường

Một doanh nghiệp lớn tại tỉnh Đồng Nai đề xuất mua 555 xe buýt chạy khí CNG của Trung Quốc để thay thế xe buýt chạy dầu diesel, trong khi trong nước có thể đáp ứng

Gần đây, Công ty CP Vận tải Sonadezi (Công ty Vận tải Sonadezi - Đồng Nai) đề xuất mua 555 xe buýt sử dụng khí CNG (khí thiên nhiên, thành phần chủ yếu là methane (CH4)- được xử lý và nén ở áp suất cao) của Trung Quốc để thay thế xe buýt chạy dầu diesel nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây là đề án được triển khai từ 5 năm nay cùng với các địa bàn lân cận như TP HCM, Bình Dương.

Sẽ bàn bạc thêm

Dự án này có tổng vốn 633 tỉ đồng, được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 mua 162 xe và xây 2 trạm nạp nhiên liệu, giai đoạn 2 (từ năm 2016 đến 2020) mua 393 xe và xây 5 trạm nhiên liệu. Trung bình, giá 1 chiếc xe buýt Trung Quốc khoảng 1 tỉ đồng.

Tại các cuộc họp giữa những bên liên quan gồm Công ty Vận tải Sonadezi, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) với sự chủ trì của lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, Công ty Vận tải Sonadezi cho rằng việc sử dụng xe buýt chạy bằng nhiên liệu CNG là giải pháp tối ưu thân thiện với môi trường vì động cơ vận hành êm, khí độc giảm từ 50% đến trên 60%, không có bụi khói đen và tiết kiệm khoảng từ 30%-40% nhiên liệu so với dùng dầu diesel như hiện tại. Bên cạnh đó, nguồn khí CNG cung cấp cho xe buýt cũng có nhiều thuận lợi do có nhiều nhà máy sản xuất loại khí này, đồng thời nguồn nguyên liệu khá dồi dào ở thềm lục địa Việt Nam.

Để thực hiện dự án, Công ty Vận tải Soandezi đề xuất UBND tỉnh Đồng Nai hỗ trợ quỹ đất để xây dựng các trạm tiếp nhiên liệu CNG và xây dựng các bến bãi phục vụ trung chuyển; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ miễn thuế nhập khẩu các phương tiện, linh kiện phụ tùng và áp dụng việc trợ giá để bảo đảm thu hồi vốn.

“Hiện đề án vẫn đang trong dạng đề xuất, được UBND tỉnh tổ chức họp bàn nhiều lần, đồng thời phối hợp học hỏi triển khai cùng với các khu vực khác như TP HCM, Bình Dương chứ chưa được thông qua. Các phương án sẽ còn được bàn thảo nhiều và có thể thay đổi…” - đại diện Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết.

“Lợi trước mắt là giá rẻ”

Hiện tại, trong các địa phương thực hiện đề án thử nghiệm “xe buýt xanh” có TP HCM và Bình Dương. Các nơi này đều sử dụng xe buýt nhập từ Hàn Quốc hoặc lắp ráp tại Việt Nam.

Lý giải việc chọn mua xe từ Trung Quốc, Công ty Vận tải Sonadezi cho rằng Việt Nam hiện chỉ có 2 đơn vị lắp ráp xe buýt là Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) và Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (Samco). Tuy nhiên, do sản phẩm xe buýt của Thaco chưa thật phù hợp, chưa đáp ứng nhu cầu công ty; còn Samco đang lo hàng cho TP HCM nên khó bảo đảm đơn hàng cho Đồng Nai. Theo Công ty Vận tải Sonadezi, xe buýt từ Trung Quốc giá rẻ, chất lượng cũng đáp ứng về cơ bản.

Trong khi đó, UBND tỉnh Đồng Nai nhận định trong tương lai gần, chủ trương ưu tiên hệ thống xe buýt là cần thiết, đặc biệt trên địa bàn có nhiều khu công nghiệp. Do vậy, việc đầu tư xe buýt sử dụng khí CNG là phù hợp, cần sự hỗ trợ từ Chính phủ. Tuy nhiên, việc sử dụng dòng xe nào còn phải xem xét. “Việc thay đổi xe buýt cũ, sử dụng xe buýt mới hiện đại, thân thiện môi trường là cần thiết. Riêng với xe Trung Quốc, lợi trước mắt là giá rẻ nhưng chất lượng, tuổi thọ thì chưa rõ nên càng cần phải xem xét kỹ” - ông Trần Văn Quan, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Phước Anh, Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Sonadezi, cho biết hiện việc triển khai đề án vẫn đang ở mức đề xuất bàn thảo thực hiện chủ trương chứ chưa có các phương án cụ thể. “Đây chỉ là một trong nhiều phương án. Đề án vạch ra còn nhiều việc phải bàn trong một quá trình dài hơi. Việc mua của ai, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Ấn Độ, để đem lại hiệu quả thì còn nhiều việc phải bàn lắm” - ông Anh thông tin.

Đừng ham rẻ

Ông Mai Phước Nghê, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh xe thương mại của Thaco, cho rằng việc mua xe buýt Trung Quốc là bất hợp lý bởi các doanh nghiệp trong nước như Thaco hoàn toàn có khả năng sản xuất được loại xe này. Ông Nghê cảnh báo nhà đầu tư không nên ham giá rẻ vì “tiền nào của đó”. Hơn nữa, nếu nhập xe Trung Quốc thì việc sửa chữa, bảo hành chắc chắn sẽ gặp khó khăn so với xe sản xuất trong nước. “Thaco là một trong những đơn vị sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam, có khả năng cung cấp đầy đủ các loại xe cho các đối tác” - ông Nghê khẳng định. Tr.Thường

Theo Xuân Hoàng

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên