MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thay vì 80 thị trường, cá tra năm nay chỉ đủ phục vụ xuất khẩu 3 thị trường chính

03-03-2016 - 08:11 AM | Thị trường

Những ngày qua, thông tin nguyên liệu cá tra thiếu hụt nghiêm trọng đang gây nên cơn sốt giá cá tại các tỉnh ĐBSCL. Dự báo với tình hình này, thay vì xuất khẩu vào 80 thị trường, cá tra năm nay chỉ đủ nguyên liệu phục vụ cho 3 thị trường chính là Mỹ, EU và Trung Quốc.

Không chỉ tăng giá, sản lượng cá tra sụt giảm còn được dự báo sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch xuất khẩu 1,7 tỷ USD năm 2016 của ngành cá tra cũng như công ăn việc làm của hàng chục ngàn lao động. Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep).

Ông Minh nói: Tình hình thiếu hụt cá tra như thông tin báo chí phản ánh mấy ngày nay là hoàn toàn chính xác. Sau khi kiểm tra, chúng tôi nhận thấy nguyên liệu năm 2016 so với 2015 giảm trên 40%. Thời điểm giảm mạnh nhất sẽ rơi vào tháng 5/2016 đến quý 1/2017 và dự kiến các tháng này nhà máy sẽ hụt ít nhất 50% nguyên liệu.

Việc thiếu hụt nguyên liệu xuất phát từ nguyên nhân năm 2015 người dân không tiêu thụ được cá, giá cá lại giảm xuống dưới chi phí sản xuất. Do dân không bán được cá tra nên từ tháng 7/2015 đến nay họ không đầu tư nuôi vụ mới, có số bỏ ao trống, số khác thì chuyển sang nuôi các loài cá khác để tiêu thụ nội địa có giá cao hơn.

PV: Từ nhiều năm nay, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã tự bỏ tiền đầu tư nuôi cá. Vasep cũng từng đưa ra báo cáo các doanh nghiệp chủ động được 60-70% nguyên liệu nhờ nuôi cá nhà, vậy tại sao đến năm nay lại xảy ra tình trạng thiếu hụt nhiều đến như vậy thưa ông?

Ông Dương Ngọc Minh: Theo tính toán, nhu cầu các nhà máy hiện nay chạy mỗi ngày 3.500 tấn cá nguyên liệu. Sản lượng này được dựa trên ba cơ sở là của doanh nghiệp tự nuôi, liên danh liên kết với nông dân và của người dân tự nuôi. Nhưng trên thực tế, nếu cộng cả ba hình thức nuôi trên thì sản lượng cũng chỉ đáp ứng được 70% và dự báo các tháng tới còn tiếp tục giảm sâu thêm. Còn nếu nhìn xa hơn, giai đoạn từ tháng 6/2016 đến quý 1/2017, nhiều khả năng lượng cá nguyên liệu chỉ có thể đáp ứng được 50% nhu cầu, tức là chỉ còn khoảng 1.700 tấn mỗi ngày.

Như tôi đã đề cập, sở dĩ xảy ra tình trạng hụt nguyên liệu là bởi trong suốt cả năm 2015, doanh nghiệp giảm nuôi trên 50% vì thực tế không có vốn, trong năm này ngân hàng không mặn mà đầu tư cho doanh nghiệp còn với nông dân thì họ lại có quá nhiều nổi lo như nuôi cá không biết bán cho ai, nhất là số người nuôi nhỏ lẽ không có kênh hợp tác tiêu thụ.

Ngay cả Công ty Hùng Vương của ông được biết đến là doanh nghiệp có chiến lược đầu tư khép kín cũng bị ảnh hưởng?

Kế hoạch xuất khẩu cá tra của Hùng Vương 2016 là 300 triệu USD, tương ứng với 250.000 tấn cá nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Qua kiểm tra đối chiếu, ngoài cá tự nuôi năm nay chúng tôi cần phải mua vào 100.000 tấn cá, tuy nhiên, con số này cũng mới chỉ đảm bảo 80% công suất nhà máy nên buộc lòng phải nhập thêm cá alasca để chế biến nhằm đảm bảo việc làm 12.000 lao động. Dự kiến, từ tháng 3/2016 đến tháng 3/2017, Hùng Vương phải mua thêm mỗi tháng 8.000 tấn cá nguyên liệu. Do đặc điểm năm nay cá giống không có như mọi năm nên phải đợi vụ mới đến tháng 6/2016 mới có giống mới.

Như vậy, nếu tình hình cá giống có lại như dự kiến thì nguyên liệu mới có thể ổn định vào quý 1/2017 cho các doanh nghiệp chế biến cá tra.

Việc thiếu nguyên liệu sẽ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu cũng như kế hoạch doanh số năm nay của ngành cá tra như thế nào thưa ông?

Con cá tra của Việt Nam đang bán vào hơn 80 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, với tình hình nguyên liệu như vậy, tôi cho rằng, năm nay sản lượng cá tra của Việt Nam chỉ có thể đủ để xuất khẩu vào 3 thị trường chính là Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Các thị trường khác sẽ không có cá để bán. Tới đây, một số doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính, không có thị trường xuất khẩu mạnh phải sản xuất cầm chừng. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội, việc làm của hàng chục ngàn lao động trong ngành. Do đó, kế hoạch xuất khẩu cá tra 2016 là 1,7 tỷ USD, tôi cho rằng mục tiêu này chắc chắn không đạt do không đủ nguyên liệu xuất khẩu.

Theo ông tình hình xuất khẩu cá tra năm 2016 sẽ đi theo hướng nào?

Trái ngược với tín hiệu thiếu hụt nguyên liệu, thị trường xuất khẩu lại đang có dấu hiệu phục hồi và tăng xuất khẩu ngay từ đầu năm 2016. Cụ thể, diễn biến qua 1 tuần gần đây cho thấy, nhà nhập khẩu đã đẩy mạnh mua hàng ngay trong thời điểm các doanh nghiệp còn bán giá rẻ. Rõ ràng, khách hàng cũng đã nhận ra tình hình nguyên liệu thiếu hụt nên họ tranh thủ mua vào lúc giá còn thấp. Nếu doanh nghiệp không tỉnh táo, người nuôi bán vội vàng sẽ đẩy nguyên liệu thiếu hụt nhanh hơn và những hợp đồng ký giá rẻ cũng khó thực hiện được do giá nguyên liệu trong nước đang tăng từng ngày.

Theo dự đoán, giá cá tra không dừng ở mức 20.500 đồng/kg như hiện nay mà thời gian tới còn cao hơn nữa khi thị trường xảy ra cung không đủ cầu, điều này buộc các doanh nghiệp phải tính đến việc tăng giá xuất khẩu đồng thời phải có kế hoạch làm thêm các mặt hàng phụ để duy trì lao động. Với đà này, tôi cho rằng, tới đây các doanh nghiệp và người nuôi sẽ nắm bắt được cơ hội tăng giá bán và tăng giá xuất khẩu.

Liệu rằng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu cho năm 2017 có được cải thiện không thưa ông?

Tôi cho rằng tình hình nguyên liệu năm 2017 vẫn còn căng vì để phục hồi lại sản lượng 1,2-1,4 triệu tấn cá như trước đây cũng không phải dễ.

Hiện nay, người nông dân không được hỗ trợ về tài chính cũng như các doanh nghiệp không được vay vốn đầu tư vùng nuôi, điều này dự báo sẽ tiếp tục thiếu hụt nguyên liệu. Nếu chúng ta không có chính sách cụ thể cho ngành nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra thì việc phục hồi sẽ rất khó, và đánh mất thị trường vào tay một số loài cá khác như rô phi, cá alaska là điều không thể tránh khỏi. Do đó, để có đủ nguyên liệu, bên cạnh việc cần có chính sách tín dụng, cũng phải cũng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm ngay từ bây giờ và cần có sự hợp tác giữa người dân và doanh nghiệp nhằm đảo bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2017.

Xin cảm ơn ông!

Phương Thảo (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên