MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tìm cách gỡ khó cho cà phê

23-02-2016 - 22:19 PM | Thị trường

Trong khi sản lượng và giá trị cà phê mùa vụ 2015 của Việt Nam sụt giảm mạnh thì tại nhiều thị trường tiêu thụ cà phê lớn vẫn có dự báo sản lượng cà phê Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Đây là thông tin gây khó khăn cho giá xuất khẩu cà phê sắp tới.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng rõ rệt, sản xuất nông nghiệp trên thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), so với mùa vụ năm 2014, sản lượng cà phê Việt Nam vụ mùa 2015 giảm 20%, đạt 1,6 triệu tấn; giá giảm 40% khiến kim ngạch xuất khẩu mất gần 1 tỉ USD so với năm 2014.

Bên cạnh đó, tuy sản lượng đứng thứ 2 thế giới, nhưng theo Tổng Thư ký Vicofa Nguyễn Viết Vinh, chúng ta vẫn xuất thô đến 90% nên giá trị thấp. Bên cạnh đó là tiêu dùng cà phê trong nước cũng rất thấp.

Ông Vinh cho biết cà phê là mặt hàng nông sản khá đặc biệt khi có sàn giao dịch lớn tại London. Cũng chính vì vậy giá cà phê có từng ngày từng giờ. Tuy nhiên người sản xuất bị ảnh hưởng bởi phương thức bán trừ lùi, giao xa nên nhiều DN thua lỗ. Điều này khiến chỉ có các thị trường phối hợp thông tin tốt mới có thể có kết quả kinh doanh tốt.

Theo Vicofa, sản lượng cà phê trên thế giới niên vụ 2014-2015 là 141 triệu bao, tương đương 8,5 triệu tấn, so với niên vụ trước giảm 3,5%. Nhưng hiện giá cà phê không còn tuân theo cung cầu nữa mà theo thị trường tài chính.

Số liệu thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2015 đạt 30,13 tỉ USD, giảm 1,4% so với năm 2014, trong đó cà phê - mặt hàng nông sản chủ lực - cũng giảm tới hơn 28% kim ngạch.

Bộ NN&PTNT cho rằng nguyên nhân là do Brazil, Colombia, Indonesia tiếp tục phá giá đồng nội tệ, khiến giá cà phê từ các nước này hấp dẫn hơn đối với các nhà nhập khẩu so với cà phê Việt Nam.

Cụ thể, Mỹ tăng lượng nhập khẩu cà phê từ Colombia và Indonesia lần lượt 10% và 7% trong 8 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm 2014, trong khi Đức cũng tăng lượng cà phê nhập khẩu từ Brazil (1%) và Indonesia (27%).

Trong cuộc gặp gỡ với các tham tán thương mại tại Bộ NN&PTNT ngày 18/2 vừa qua, ông Vinh nêu ý kiến: “Hiện các đơn vị nghiên cứu về giá cả của các Bộ đã khá hoàn chỉnh nhưng chưa có trung tâm dự báo thị trường hiệu quả. Vì vậy cần xây dựng các trung tâm này như là đầu mối để cung cấp thông tin cho các đơn vị sản xuất và các hiệp hội ngành hàng nói chung”.

Cũng trong cuộc gặp gỡ nói trên, ông Vinh đề xuất việc xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại phải khoa học, tránh trùng lặp, gây lãng phí nguồn lực. Việc trao đổi thông tin giữa các tham tán thương mại, các hiệp hội ngành hàng cũng cần hướng đến mục tiêu chung vì thúc đẩy sản xuất nội địa, đồng thời nhanh chóng phối hợp xử lý các vấn đề thương mại phát sinh khi xuất khẩu sang những thị trường khác nhau.

 

Theo Đỗ Hương

Chinhphu.vn

Trở lên trên