MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tranh cãi "hàng giả" chưa xong, đã tiêu thụ hết

17-07-2015 - 12:13 PM | Thị trường

Trong lúc doanh nghiệp và cơ quan hữu quan vẫn đang tranh cãi xung quanh quy định “hàng giả”, toàn bộ lô hàng bị nghi ngờ là giả đã được tiêu thụ hết.

Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bến Tre cho rằng một mẫu phân bón do Công ty B ở tỉnh Long An sản xuất và được bán tại đại lý VL (xã Sơn Đông, TP Bến Tre) là hàng giả nên chuyển sang cơ quan điều tra. Thế nhưng công ty này phản đối, cho rằng QLTT hiểu sai quy định “hàng giả”.

Người bảo hàng giả, kẻ nói không

Ngày 17-12-2014, một số hộ nông dân xã Sơn Đông, TP Bến Tre gửi đơn đến Đội QLTT số 4 thuộc Chi cục QLTT tỉnh Bến Tre phản ảnh nghi ngờ hai loại vật tư nông nghiệp đang sử dụng có biểu hiện kém chất lượng gồm: thuốc trừ sâu Vibasu của Công ty thuốc sát trùng V và phân bón NPK 20-20-15 + TE loại bao 50kg của Công ty B.

Trong đơn, người dân cho biết qua theo dõi thấy “sự phát triển của cây trồng trong vườn không tiến triển hơn so với trước thời điểm chưa sử dụng sản phẩm này”, đồng thời đề nghị Đội QLTT số 4 kiểm tra sản phẩm xem có phải là hàng giả hay không.

Sau khi nhận được đơn, ngày 18-12-2014 ông Đoàn Văn Minh - đội trưởng Đội QLTT số 4 - ra quyết định kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp VL (địa chỉ bán sản phẩm) và lấy hai mẫu sản phẩm thuốc trừ sâu Vibasu và phân bón NPK 20-20-15 + TE. Kết quả cho thấy thuốc trừ sâu Vibasu đạt chất lượng như nhà sản xuất công bố.

Riêng mẫu phân bón, phân tích tại hai cơ quan khác nhau là Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 TP.HCM và Trung tâm Dịch vụ phân tích, thí nghiệm TP.HCM đều cho kết quả thành phần chất K2O trong sản phẩm này đạt dưới 70% so với công bố của nhà sản xuất.

Theo QLTT, kết quả này cho biết đó là hàng giả. Do giá trị lô hàng trên 30 triệu đồng, Đội QLTT số 4 đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan CSĐT Công an TP Bến Tre để điều tra, xử lý. Tuy nhiên, khi có kết quả thử nghiệm mẫu, toàn bộ số phân bón NPK 20-20-15 + TE của Công ty B tại cửa hàng vật tư nông nghiệp VL đã được bán hết cho nông dân.

Ngay sau khi nhận được thông báo của Đội QLTT số 4 về việc chuyển hồ sơ vụ phân bón giả sang cơ quan điều tra, ngày 2-4 -2015 Công ty B đã có văn bản khiếu nại gửi Sở Công thương tỉnh Bến Tre và Công an TP Bến Tre, trong đó cho rằng Đội QLTT số 4 không khách quan vì khi lấy mẫu không có mặt đại diện công ty, cũng không thông báo cho công ty biết để cùng tham gia gửi mẫu kiểm nghiệm lần hai. Công ty cũng đặt câu hỏi vì sao QLTT tích cực chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra mà không ban hành quyết định nhắc nhở, cảnh cáo, xử lý hành chính nếu có vi phạm?

Ngoài ra, theo Công ty B, “nguyên lý sản xuất phân bón NPK, ba chất N (đạm) - P (lân) - K (kali) không bao giờ đồng đều nhau. Khi đưa qua máy vận hành sẽ có hạt nhỏ, hạt to. Hạt nhỏ xuống trước hạt to.

Vì thế chắc chắn sẽ có chênh lệch nhất định, nên khi xác định chất lượng NPK, cơ quan kiểm nghiệm thường đánh giá chất lượng tổng thể cả ba chất. Công ty B cũng trích dẫn điểm b, khoản 8, điều 3 nghị định 185/2013/NĐ-CP: “... tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống...” để chứng minh quan điểm của mình.

Đúng quy trình?

Ông La Văn Bé, chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bến Tre, cho rằng quy định về hàng giả được nêu tại điểm b, khoản 8, điều 3, nghị định 185 đúng như Công ty B viện dẫn. Thế nhưng nội dung đầy đủ phải là: “Hàng hóa có hàm lượng định lượng chất chính hoặc tổng các chất dinh dưỡng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản khác chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa”.

Do đó, theo ông Bé, Công ty B cố tình phớt lờ nội dung rất quan trọng nói rằng chỉ cần một chất chính trong sản phẩm phân bón NPK có hàm lượng dưới 70% so với công bố thì bị coi là hàng giả! Ông Bé cũng khẳng định không có quy định nào bắt buộc QLTT phải thông báo cho nhà sản xuất hàng hóa bị nghi ngờ kém chất lượng đến chứng kiến việc lấy mẫu.

Quá trình lấy mẫu phân bón NPK của Công ty B tại cửa hàng vật tư nông nghiệp VL cũng được thực hiện đúng quy định của pháp luật, có sự chứng kiến của chủ cửa hàng và người này xác nhận số phân bón nói trên của Công ty B sản xuất.

“Yêu cầu của Công ty B về việc được tham gia đi gửi mẫu kiểm nghiệm lần hai càng không có căn cứ. Tất cả mẫu gửi đi kiểm nghiệm đều có niêm phong, có đầy đủ chữ ký, con dấu của các bên có liên quan và được mã hóa để tránh bị lộ thông tin, tránh tiêu cực có thể xảy ra”, ông Bé nói.

Do vậy, ông Bé cho rằng không thể có chuyện QLTT dẫn nhà sản xuất cùng đi gửi mẫu kiểm nghiệm theo yêu cầu của họ. Còn việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra là đúng quy định của pháp luật bởi giá trị hàng hóa vi phạm trên 30 triệu đồng.

Luật sư Cao Minh Triết (Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang) cũng cho rằng QLTT đã làm đúng quy định của pháp luật trong việc kiểm tra đại lý vật tư nông nghiệp và lấy mẫu phân bón bị người dân tố giác nghi ngờ là hàng hóa kém chất lượng.

Theo ông Triết, đây là hình thức kiểm tra bất thường, không cần phải thông báo cho nhà sản xuất biết để chứng kiến. “Vật chứng cần thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản.

Đối với vật chứng cần được niêm phong thì phải niêm phong ngay sau khi thu thập, có lập biên bản niêm phong trước mặt chủ đồ vật, hàng hóa hoặc đại diện gia đình, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến, sau đó phải được bảo quản nguyên vẹn”- ông Triết nói.

Do đó, theo ông Triết, việc lấy mẫu niêm phong phân bón bị nghi ngờ kém chất lượng chỉ cần có sự chứng kiến của chủ đại lý phân phối sản phẩm đó là đủ, không cần thiết phải có mặt nhà sản xuất.

Việc Đội QLTT số 4 gửi mẫu kiểm nghiệm mà không cho nhà sản xuất đi theo cũng đúng quy định, không thể có chuyện cơ quan chức năng cho nhà sản xuất biết mình gửi kiểm nghiệm ở đâu. "Nếu cho biết, đó mới là điều bất thường" - ông Triết nói.

Ông Phạm Văn Dư (phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT):

Không nên ham sản phẩm giá rẻ

Tình trạng phân bón kém chất lượng và giả trên thị trường trước giờ rất nhức nhối, các địa phương cũng nhiều lần phản ảnh với Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương.

Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý không phải là giải pháp hay nhất vì khi đã đưa ra thị trường thì không thể kiểm tra xuể. Để tránh tình trạng có kết quả kiểm tra thì phân bón đã tiêu thụ hết, cần có biện pháp test nhanh để kịp thời niêm phong lô hàng nếu có dấu hiệu kém chất lượng hoặc hàng giả. Sau đó tiếp tục gửi mẫu phân tích kỹ hơn làm căn cứ xử lý.

Quan trọng nhất là hiểu biết và sự lựa chọn của nông dân. Không nên ham sản phẩm giá rẻ hoặc sản phẩm lạ mà nên sử dụng sản phẩm có thương hiệu, uy tín, có đắt một chút mà yên tâm.

 

 

Theo VÂN TRƯỜNG

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên