Vi phạm dùng chất cấm salbutamol, mang phong bì đi hối lộ
Theo một lãnh đạo Chi cục Thú y TP.HCM, hai vợ chồng thương lái chuyên kinh doanh heo thịt từ Bình Thuận vào lò Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM) giết mổ đã mang phong bì đến nhà riêng của ông.
- 24-01-2016Thu giữ gần 7 tấn thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm
- 20-01-2016Chiêu mới sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
- 19-01-2016Kinh hoàng tồn dư chất cấm trong thịt heo 4.700 lần mức cho phép
- 01-01-2016Chất cấm trong chăn nuôi lại xuất hiện theo kiểu biệt dược dạng lỏng
Ngày 1-2, một lãnh đạo của Chi cục Thú y TP.HCM cho biết trong quá trình kiểm tra, xử lý các sai phạm trong việc sử dụng chất cấm salbutamol (siêu nạc, tăng trọng) tại một số lò giết mổ trên địa bàn TP có thương lái mang phong bì đến tận nhà để xin “khi nào đi kiểm tra chất cấm thông báo cho biết trước để đối phó”.
Theo vị lãnh đạo này, thương lái mang phong bì đến nhà riêng gặp ông là cặp vợ chồng chuyên kinh doanh heo thịt từ Bình Thuận vào lò Phước Kiển (Nhà Bè) giết mổ.
“Khi vừa có kết quả đợt thanh tra tồn dư chất cấm dịp cao điểm tết dương lịch và tết nguyên đán (từ 8 đến 17-1), vợ chồng thương lái này đến nhà tôi mang theo một phong bì khá dày và đặt vấn đề khi nào đi kiểm tra cho em biết trước một ngày để chuẩn bị. Tôi rất bực mình với kiểu làm ăn coi thường sức khỏe người dân nên từ chối không giải quyết và mời họ ra khỏi nhà”, vị này bức xúc.
Lực lượng chi cục Thú y TP.HCM vật lộn trong chuồng heo lấy mẫu nước tiểu xét nghiệm tồn dư chất cấm
- Ảnh: Hoàng Lộc
Theo thống kê của Chi cục Thú y TP, đến nay vợ chồng thương lái này đã vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tổng cộng 5 lần.
Gần nhất đêm 28-1, lô heo 130 con vận chuyển từ Bình Thuận về lò Phước Kiển (Nhà Bè) đợi giết mổ, qua xét nghiệm cho thấy dương tính với chất cấm.
Chi cục Thú y TP đã ra quyết định xử phạt thương lái này 15 triệu đồng, đồng thời tạm giữ để chờ đào thải hết chất cấm.
Tại sao bị xử lý nhiều lần nhưng vẫn tái phạm, vị lãnh đạo chi cục Thú y TP lý giải: “Do lợi nhuận từ việc kinh doanh mặt hàng này là rất lớn. Một con heo khoảng 100kg, khi “lọt” qua sự kiểm soát của cán bộ thú y ra chợ bán thương lái có thể lãi đến 1 triệu đồng/con, chưa kể tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với heo sạch của các thương lái làm ăn đàng hoàng”.
Theo vị này, ngoài hiện tượng nêu trên, một vài thương lái gọi điện đăng ký gặp riêng để “nói chuyện” nhưng ông từ chối vì “tất cả quy trình xử lý tôi đã cho công khai, minh bạch nên không thể tác động vào khâu nào cả, có xin gặp cũng vậy thôi”.
Công khai số điện thoại 0903. 667. 735 phản ánh chất cấm
Ngày 1-2, ông Huỳnh Tấn Phát - phó chi cục trưởng chi cục Thú y TP.HCM cho biết trước tình hình diễn biến phức tạp của việc kinh doanh heo “ăn” chất cấm ông đã dùng số điện thoại di động cá nhân (0903. 667. 735) để thiết lập đường dây nóng. Số điện thoại này do ông quản lý, trực tiếp nhận tin báo của người dân về các vấn đề liên quan đến sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM.
Tuổi Trẻ