MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng không “nóng” về tăng trưởng và bay Mỹ

13-12-2019 - 17:30 PM | Doanh nghiệp

Nhiều vấn đề nóng của thị trường hàng không được các chuyên gia, đại diện hãng hàng không và cơ quan quản lý phân tích.

Tốc độ tăng trưởng có bất thường?

Sáng 11/12, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức Tọa đàm "Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức".

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, trong khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng liên tục đạt mức 2 con số, trung bình đạt 15,8 %/năm. Một điều đáng ghi nhận là mặc dù duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhưng hàng không Việt Nam không để xảy ra tai nạn gây tổn thất về người.

Hàng không “nóng” về tăng trưởng và bay Mỹ - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cũng cho biết sang năm 2020, hàng không Việt Nam đã bước sang 24 năm đảm bảo tuyệt đối an toàn máy bay, không có sự thiệt hại về người, không xảy ra có vụ việc, tai nạn nào nghiêm trọng.

"Tốc độ tăng trưởng nhanh vừa qua không có gì ngạc nhiên vì xuất phát điểm thấp và GDP của cả nước liên tục tăng. Thị trường hàng không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của QLNN. Tạo ra một thị trường lành mạnh, có sự cạnh tranh, mang lại nhiều lợi ích cho hành khách cả về cơ hội đi lại, giá vé, chất lượng dịch vụ", ông Thắng nói.

Theo số liệu của Cục Hàng không, về thị trường, giai đoạn 2008 - 2019 tăng trưởng 17,1% về hành khách, 13,8% về hàng hoá. Như vậy, sản lượng vận chuyển tăng 4,86 lần về hành khách và 3,66 lần về hàng hoá.

Về vận chuyển của hãng hàng không Việt Nam, so với năm 2008, tăng 5,2 lần về hành khách và 3,2 lần về hàng hoá. Đội tàu bay so với năm 2008 tăng 3,5 lần. Mạng đường bay, so với 2008, đường bay nội địa tăng 2,4 lần, đường bay quốc tế tăng 2,44 lần.

Ở góc độ của doanh nghiệp, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết Vietnam Airlines coi tăng trưởng vận chuyển hành khách là cơ hội lớn để phát triển hàng không.

"Vấn đề chúng ta cần có môi trường quản lý để phát triển nhanh, đồng bộ nhưng vẫn phải đảm bảo hiệu quả bền vững, chất lượng an toàn. Có như vậy cả hãng hàng không và khách hàng mới nhận được lợi ích dịch vụ ngày càng tốt và bền vững hơn".

Bay thẳng tới Mỹ: Không phải nói là bay được ngay

Theo ông Đinh Việt Thắng thị trường Mỹ là thị trường hàng không lớn bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, để bay thẳng đến Mỹ cần phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu.

Ngoài đòi hỏi về năng lực giám sát của nhà chức trách hàng không, về an ninh hàng không, phía Mỹ yêu cầu hãng hàng không phải đủ năng lực khai thác.

Hiện nay, với quy định tối thiểu ETOPS 180 phút (ETOPS là điều luật của ICAO cho phép máy bay thương mại 2 động cơ được bay kéo dài thêm một khoảng thời gian bay nữa trong trường hợp một động cơ bị hỏng), trong 5 hãng hàng không Việt Nam mới chỉ có Vietnam Airlines đáp ứng tiêu chuẩn này.

Còn những hãng hàng không khác như Bamboo có mong muốn muốn đạt tiêu chuẩn 180 phút thì điều kiện đầu tiên phải tích luỹ kinh nghiệm, hoàn thiện kinh nghiệm quản lý 18 tháng nữa mới có thể bay được", ông Đinh Việt Thắng giải thích.

Hàng không “nóng” về tăng trưởng và bay Mỹ - Ảnh 2.

Ông Dương Trí Thành – Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết hãng đã lên kế hoạch bay Mỹ từ năm 2008, coi đây là nhiệm vụ chính trị, cầu nối tạo cầu nối giao thương của hãng hàng không quốc gia. Vietnam Airlines đã mở văn phòng ở San Francisco từ 2001 nhưng việc bay đến Mỹ rất phức tạp không phải cứ nói là bay được ngay. Nhiều hãng hàng không Mỹ đã mở đường bay thẳng nhưng không hiệu quả, đã dừng khai thác.

Về hiệu quả kinh tế của đường bay này, Vietnam Airlines đang cân nhắc và khả năng sẽ mở đường bay thẳng tới Mỹ trong 1-2 năm tới, ông Thành nói.

Tại tọa đàm, đại diện Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và giáo sư Nawal Taneja (chuyên gia hàng không quốc tế) đã chia sẻ nhiều thông tin về cơ hội mở đường bay thẳng đến Mỹ.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên