Hàng không qua thời hoàng kim, phi công lao đao tìm việc sau đại dịch
Covid-19 khiến ngành hàng không quốc tế đã trải qua một năm 2020 tồi tệ nhất lịch sử với khoản lỗ hơn 510 tỷ USD. Hơn 1 triệu nhân lực hàng không đã bị cắt giảm, và con số này chưa thể dừng lại trong năm 2021. Từ nghề được khao khát bậc nhất, phi công và tiếp viên hàng không rơi vào cảnh lao đao, chật vật tìm cách sống sót.
Phi công chạy xe ôm, mở tiệm cắt tóc để tồn tại trong đại dịch
Kosit Rattanasopon là tiếp viên trưởng của hãng Orient Thai Airlines (Thái Lan), công việc được nhiều người mơ ước, với mức lương cao chót vót, cuộc sống đầy đủ vật chất. Nhưng khi Covid-19 tàn phá khắp thế giới, các chuyến bay cắt giảm, Kosit Rattanasopon bị mất việc, và phải chật vật tìm cơ hội mới. Tiếp viên trưởng của hãng của hãng hàng không Thái Lan chọn công việc giao hàng nhanh, lái xe máy đi khắp Bangkok giao đồ ăn để tìm cơ hội quay lại với nghề, dù anh cũng không chắc khi nào ngành hàng không mới quay lại được như trước.
"Tôi biết mọi thứ sẽ không quay trở về được như cũ, ít nhất 1 năm tới. Vì vậy, tôi cần tiếp tục làm công việc này. Nghề giao hàng không hấp dẫn như tiếp viên, nhưng nó vẫn mang lại thu nhập trong thời điểm khó khăn này", anh nói.
Kosit Rattanasopon làm tài xế Grab khi ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19.
Năm 2020, số lượng các chuyến bay tại Thái Lan đã giảm 55%, xuống còn 464.944 chuyến so với mức 1,04 triệu chuyến trong năm 2019. Hàng vạn lao động trong ngành hàng không như Kosit Rattanasopon rơi vào cảnh mất việc.
Tương tự, Thanun Khantatatbumroong là phi công của hãng Thai Lion Airways (Thái Lan) cũng đã chuyển từ "bầu trời" xuống "mặt đất" khi quyết định trở thành lái xe Grab và giao đồ ăn cho khách quanh Bangkok. Trong khi đó, nữ tiếp viên 37 tuổi Thawanan Thawornphatworakul đã sửa ngôi nhà mình thành cửa hiệu cắt tóc. Mỗi ngày cô kiếm được khoảng 450 baht (hơn 300.000 đồng), chỉ đủ trang trải các hóa đơn. Cô nhớ bầu trời, những bữa ăn sang trọng, nghỉ tại những khách sạn hạng nhất, đi lại khắp nơi trên thế giới. Nhưng rồi khi những giấc mơ đẹp qua đi, Covid-19 mang lại những ác mộng.
Không chỉ riêng Thái Lan, cắt giảm việc làm đang là xu hướng của ngành hàng không trên toàn thế giới. Theo số liệu từ Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã khiến doanh số ngành hàng không lỗ khoảng 510 tỷ USD, khiến hơn 1 triệu người làm việc trong ngành hàng không mất việc.
Tại Việt Nam, dù vẫn duy trì các chuyến bay nội địa nhưng các hãng hàng không đều không thể thoát khỏi tình trạng "lỗ nặng nề", theo các chuyên gia thị trường đánh giá là khó xác định được thời điểm phục hồi. Điển hình là trường hợp hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, ông Đặng Ngọc Hoà - Chủ tịch Vietnam Airlines cho biết, đến cuối tháng 12/2020, ước tính công ty mẹ lỗ hơn 12.000 tỷ đồng dù hãng bay đã chủ động điều chỉnh nguồn lực như: Tạm hoãn các hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, cắt giảm lương và thưởng của người lao động trong suốt năm 2020.
Trong đó, vị trí phi công từ tình trạng thiếu hụt chuyển sang dư thừa khoảng 47% nguồn lực. Buộc hãng phải cắt giảm lượng lớn các phi công là người nước ngoài lái các dòng máy bay thân rộng, ngưng sử dụng phi công trên 60 tuổi, số nhân sự khác buộc phải nghỉ không lương hoặc giảm hơn 52% thu nhập so với năm ngoái. Điều này đã khiến phần lớn phi công Việt Nam rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn vì đột ngột thất nghiệp và khó duy trì chi phí cuộc sống.
Đối với những người phi công như Mark, 34 tuổi, đã từ bỏ công việc lập kế hoạch thị trấn ở London (Anh) vào năm ngoái, đầu tư 136.000 USD (hơn 3 tỷ đồng) để học nghề phi công. Nhưng rồi Covid-19 đến, anh mất việc làm hứa hẹn. "Nó giống như tất cả sự nghiệp sụp đổ dưới chân tôi vậy", anh nói với phóng viên tờ Reuters.
Hay Roman Savin (23 tuổi, người Nga) đã học hành chăm chỉ để trở thành phi công khi tuổi còn rất trẻ. Anh bắt đầu học bay từ năm 17 tuổi, hoàn thành khóa đào tạo vào năm 19 tuổi và bay lên bầu trời với tư cách phi công năm 20 tuổi. Tuy nhiên, Covid-19 đến và phá đi tất cả. Để tồn tại, Savin đang phải đi giao đồ ăn để tìm cách quay lại với nghề phi công.
Sự đảo chiều khó tin
Theo CNN, khoảng 20 hãng hàng không đã ngừng hoạt động hoặc tuyên bố phá sản trong năm qua. Hơn cả vụ khủng bố 11/9 hay cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, Covid-19 đang làm rung chuyển ngành hàng không về cốt lõi.
"Nhiều hãng bay sẽ biến mất vĩnh viễn. Ngành hàng không khó có khả năng phục hồi về mức trước Covid sớm nhất là cho đến nửa cuối năm 2022 - và thậm chí sau đó, ngành hàng không sẽ chỉ dành cho du lịch nội địa", CNN phân tích.
Aeromexico - một trong những hãng hàng không lớn nhất Mexico đã thông báo nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
Để hỗ trợ các hãng hàng không, chính phủ các nước đã chi tới 173 tỷ USD nhằm ngăn chặn một thảm họa vỡ nợ hàng loạt trên toàn ngành. Dẫu vậy IATA cho biết rất nhiều hãng hàng không đã phải đảo nợ, bán mình hoặc sáp nhập để có thể tồn tại qua mùa dịch.
Các dự đoán cho thấy sớm nhất đến năm 2024, số lượng hành khách sử dụng dịch vụ hàng không vẫn sẽ chưa thể trở lại mức của năm 2019. Ngay cả với khoản hỗ trợ 173 tỷ USD của chính phủ các nước thì bình quân các hãng bay chỉ có đủ tài chính để sống sót trong vòng 8,5 tháng tới.
Vì thế, hàng triệu nhân viên hàng không còn phải đối mặt với viễn cảnh tồi tệ hơn trong thời gian tới khi các gói cứu trợ của chính phủ cạn kiệt.
Như tại Mỹ, các hãng hàng không có thể sẽ sa thải 225.000 lao động, điều mà trước đây họ không thể làm, để đổi lấy việc nhận viện trợ liên bang. Số người mất việc chiếm khoảng 30% tổng lực lượng lao động hàng không của Mỹ, bao gồm sa thải, nghỉ việc có lương và không lương cũng như nghỉ hưu sớm.
Ông Andre Allard, Chủ tịch cơ quan tuyển dụng hàng không AeroPersonnel có trụ sở tại Montreal (Canada), cho biết cuộc khủng hoảng đánh dấu sự đảo ngược mạnh mẽ. Những năm gần đây, nhiều hãng hàng không phải trả tiền thưởng từ 25.000 đến 30.000 USD để thu hút phi công mới, giờ ngược lại.
"Chúng tôi từng chạy theo các ứng cử viên", ông nói. "Bây giờ họ đang chạy theo chúng tôi".
Theo IATA, quá trình phục hồi của ngành hàng không thế giới sẽ rất lâu dài và khó khăn. Sự bất ổn về dịch bệnh tại các thị trường trọng điểm sẽ còn tác động mạnh đến toàn ngành và lực lượng lao động của ngành sẽ còn chật vật trong nhiều năm tới.