Hàng không xoay xở vì thiếu máy bay
(NLĐO)- Ngày 7-7, chiếc Airbus A320 mang số hiệu VN-A513 đã hạ cánh tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), là chiếc máy bay mới hiếm hoi của hàng không VIệt Nam trong bối cảnh đội máy bay trong nước thiếu hụt từ đầu năm đến nay
Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết hiện số lượng đội máy bay trong nước chỉ còn 160 chiếc so với hơn 230 chiếc trước dịch COVID-19. Theo Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng, 6 tháng đầu năm nay, do thiếu hụt đội máy bay nên các hãng hàng không Việt Nam phải điều chỉnh giảm cung ứng trên các đường bay nội địa và đây là nguyên nhân khiến thị trường nội địa giảm so cùng kỳ 2023 và 2019. Tính chung 6 tháng đầu năm có 17 triệu khách bay nội địa, giảm 19,4% so với cùng kỳ 2023.
Nguyên nhân, theo nhà chức trách hàng không, do việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt & Whitney, đồng thời do đứt gãy chuỗi cung ứng khiến thời gian bảo dưỡng, sửa chữa động cơ kéo dài.
Tổng Giám đốc Bamboo Airways Lương Hoài Nam nêu thêm một nguyên nhân là do bay nội địa hiện nay "càng bay nhiều càng lỗ nhiều" do mặt bằng chi phí hiện nay đã tăng cao mà bay nội địa vẫn bị áp cơ chế giá trần duy trì từ thời bao cấp. Do bay nội địa không có lãi nên các hãng hàng không cũng không có động lực đổ tiền ra thuê thêm nhiều máy bay. Đó là một trong các nguyên nhân khiến thị trường nội địa sụt giảm, trong khi bay quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ. 6 tháng đầu năm, khách quốc tế đạt 21,1 triệu khách, tăng 44,3% so với cùng kỳ 2023 và tăng 3% so cùng kỳ 2019.
Trong bối cảnh thiếu hụt đội máy bay, các hãng hàng không đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng được năng suất sử dụng máy bay, tăng tải cung ứng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết hãng đang phải tạm dừng 12 máy bay A321NEO dưới mặt đất do ảnh hưởng bởi triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt & Whitney và 2 máy bay A350 cũng bị ảnh hưởng của động cơ RollRoyce. Cuối năm nay, 17 chiếc máy bay A321NEO và 3-5 chiếc A350 cũng sẽ ảnh hưởng bởi lệnh triệu hồi động cơ của nhà sản xuất. Quá trình đưa động cơ vào bảo dưỡng kéo dài đến 300 ngày, gần gấp ba trước kia. Do đó, tình huống thiếu máy bay sẽ còn tiếp diễn đến nửa đầu năm 2025.
Trong điều kiện nguồn lực máy bay bị sụt giảm 15%, hãng đã thực hiện các giải pháp điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh, thay đổi đường bay, điều kiện khai thác, vận hành, thời gian quay đầu máy bay tại các sân bay nên đã tăng được năng suất sử dụng máy bay lên 26% so với năm 2023 trong khi tổng giờ bay khai thác trong 6 tháng đầu năm tương tự cùng kỳ năm 2019.
Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết dù lượng máy bay giảm tới 40-45 máy bay so với cùng kỳ năm 2023, nhưng các hãng hàng không vẫn duy trì mạng đường bay nội địa với 50 đường bay kết nối Hà Nội, TP HCM và 20 cảng hàng không. Vietnam Airlines là hãng chiếm thị phần lớn nhất với 42% và tiếp đó là Vietjet Air với 40%, hệ số sử dụng ghế trung bình đạt 84%.
Đây là hệ số sử dụng ghế "đáng mơ ước" với ngành hàng không. Bay quốc tế trong 6 tháng đầu năm của các hãng hàng không Việt Nam có hệ số sử dụng ghế trung bình trên 77%. Như vậy, có thể thấy số chuyến bay có giảm song "năng suất" của từng chuyến bay lại cao hơn và lợi nhuận cũng cao hơn so với cùng kỳ.
"Sáu tháng đầu năm, số chuyến bay của Vietnam Airlines tăng gần 9% so với cùng kỳ, giờ khai thác tăng hơn 11%, số khách vận chuyển trên toàn mạng tăng 10% so với cùng kỳ. Doanh thu vận tải hàng không đạt 40.000 tỉ đồng, tăng hơn 24% so với cùng kỳ, tiến tới cân đối được thu chi, kinh doanh có lãi"- Tổng Giám đốc Vietnam Airlines tiết lộ.
Ngoài ra, Vietnam Airlines làm việc với nhà sản xuất để thúc đẩy quá trình giao nhận máy bay, thuê ướt 4 máy bay phục vụ cao điểm bay nội địa, khai thác chuyến bay đêm để có cơ hội giảm giá vé; tiếp tục mở rộng mạng đường bay quốc tế…
Trong tháng 7 này, ngoài chiếc Airbus A320 vừa nhận, Vietnam Airlines chuẩn bị nhận thêm máy bay thân rộng Boeing 787-10 để tăng tải cung ứng trên các đường bay nội địa, quốc tế và có chính sách ưu đãi giá vé trên đường bay nội địa.
Bay đêm đã "khởi sắc"
Hiện nay, tỉ lệ lấp đầy các chuyến bay trong khung giờ từ sau 21 giờ tối đến trước 5 giờ sáng vào tháng 5, 6 tới các điểm du lịch trọng điểm như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Quy Nhơn, Phú Quốc… đã cao hơn, đạt từ 75% đến 94%. Để có kết quả này, các hãng hàng không đã tăng cường phối hợp với địa phương và doanh nghiệp du lịch để có những chương trình giảm giá khách sạn, giảm giá tour cho khách bay đêm nhằm kích cầu du lịch trong nước.
Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết trong giai đoạn tiếp theo, Cục sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp để đáp ứng nhu cầu của thị trường; chỉ đạo các hãng hàng không thực hiện các giải pháp để phấn đấu có nguồn cung không thấp hơn so 2023, như giảm thời gian quay đầu, tối ưu hóa thời gian khai thác máy bay trong ngày, tăng cường các chuyến bay sau 22 giờ...
Người Lao động