Hàng loạt bí ẩn động trời của Tiger Woods được hé lộ trong bộ phim tài liệu mới nhất: "Siêu hổ" làng golf không hoàn hảo như người ta vẫn nghĩ
Tiger Woods luôn muốn công chúng tin rằng anh giống hầu hết mọi người. "Chúng ta đều giống nhau; chúng ta đều là con người", golfer này nói với CNN Sports năm 2006. Thế nhưng, cả anh và mọi người đều biết đó không phải là sự thật.
- 20-01-2021Câu chuyện về nữ triệu phú đầu tiên trong lịch sử: Từ con gái của một nô lệ làm nên sự nghiệp lớn, hiên ngang tiến vào ngôi đền kỷ lục thế giới
- 17-01-2021Những câu chuyện trùng hợp thần kỳ như phép màu, đọc xong chỉ biết cảm thán biên kịch phim cũng không dám viết thế này
- 17-01-2021Nhận hai học bổng toàn phần Singapore, cựu học sinh trường chuyên Hải Phòng kể chuyện "cạnh tranh" kinh hoàng, 4 năm không gặp chị gái
Là golfer hàng đầu thế giới, một trong những biểu tượng thể thao mọi thời đại, Tiger Woods chưa từng cảm thấy thoải mái với sự nổi tiếng và tọc mạch của công chúng. Chính vì vậy, hiển nhiên anh sẽ không thích bộ phim tài liệu mới đây nhất về mình.
Bộ phim tài liệu mới nhất về Tiger Woods do HBO sản xuất gồm 2 phần, kéo dài 190 phút. Được đạo diễn bởi Matthew Heineman và Matthew Hamachek, khán giả sẽ có một cái nhìn sâu hơn về cuộc đời "Siêu hổ", từ khi còn là một cậu bé cho đến khi đã ở đỉnh cao danh vọng.
Bị kỳ vọng quá nhiều từ nhỏ
Bộ phim bắt đầu với Earl Woods - cha của "Siêu hổ" và tập trung vào mối quan hệ phức tạp giữa hai cha con họ. "Earl đã có sẵn định hướng cho con trai của mình", Hamachek nói. "Và nó không chỉ xoay quanh golf".
Tiger Woods vốn nổi tiếng là một thần đồng golf, từng xuất hiện trên chương trình của Michael Douglas khi mới 2 tuổi. Bên cạnh áp lực từ người hâm mộ, truyền thông và giới chơi golf, anh còn gánh trên vai toàn bộ niềm mong mỏi của cha mình.
Năm 1996, tại lễ trao giải Haskins Collegiate, cha ông đã bày tỏ sự kỳ vọng dành cho con trai mình:
"Thằng bé sẽ tiến xa trong môn thể thao này và đem lại cho thế giới một giá trị nhân đạo chưa từng có. Thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn để sống, nhờ sự tồn tại và hiện diện của thằng bé. Nó là báu vật của tôi. Xin hãy chấp nhận và sử dụng nó một cách khôn ngoan".
Cậu bé 6 tuổi Tiger Woods đang tập chơi golf vào năm 1982.
Golf là ưu tiên số 1
Khi còn bé, Tiger Woods chỉ được phép giải trí bằng một thú vui duy nhất: golf. Giáo viên mầm non của anh - Maureen Decker - tiết lộ, "Siêu hổ" rất thích chơi các môn thể thao khác nhưng không được cha cho phép.
"Các giáo viên khác đều cho rằng ông ta rất phiền. Tôi cũng đồng ý với họ", bà nhận xét.
Earl làm tất cả điều này để đảm bảo Tiger sẽ có một sự nghiệp sáng lạn nhất có thể. "Thế giới cần sẵn sàng chào đón một golfer da màu thành công. Tôi đã rèn luyện cho Tiger vì điều này, và thằng bé luôn coi đây là một trách nhiệm nghiêm túc".
Trong suốt những năm tháng sau đó, cha mẹ của Tiger Woods đã biến anh thành một cỗ máy tự động kiểm soát áp lực trên sân golf - một điều tàn nhẫn nhưng cần thiết để thành công trong sự nghiệp.
Chia tay người yêu vì cha mẹ
Phương pháp nuôi dạy khắc nghiệt của cha mẹ cũng phần nào ảnh hưởng đến tính cách sau này của Tiger Woods. Dina Parr - người bạn gái đầu tiên của golfer này - cho biết, cha mẹ anh không thích cô.
"Tôi cảm giác như họ muốn tạo ra một con robot. Anh ấy được chuẩn bị mọi thứ để chơi golf, nhưng chẳng có kỹ năng sống nào cả. Anh ấy chưa sẵn sàng để ra đời. Tôi là người duy nhất giúp anh ấy làm một con người bình thường", Dina chia sẻ.
Cha mẹ của Tiger cho rằng tình yêu làm anh xao nhãng sự nghiệp. Hồi đại học, Tiger từng nói dối bố mẹ để qua đêm tại nhà của Dina.
"Tida (mẹ của Tiger Woods - PV) và Earl rất tức giận", Joe Grohman - một người bạn của Earl - nhớ lại.
Tiger Woods và cha mình - ông Earl Woods.
Ngày hôm sau, Dina nhận được một bức thư từ Tiger, kết thúc mối tình ba năm của họ. Lá thư mở đầu bằng câu: "Dina, lý do anh viết lá thư này là để thông báo cho em biết, bố mẹ và bản thân anh không bao giờ muốn nói chuyện hay nghe tin từ em nữa".
Ở cuối lá thư, Tiger viết: "Anh biết điều này hơi đột ngột và bất ngờ, nhưng anh nghĩ đây là điều tốt nhất. Trân trọng, Tiger".
"Tôi đã đọc đi đọc lại lá thư trong đầu", Dina nói. "Tiger mà tôi biết đã chết rồi. Sự ngọt ngào của anh ấy đã bị đánh cắp".
Nỗ lực mọi lúc mọi nơi
Một trong những người gắn bó khá lâu với Tiger Woods là caddie Steve Williams. Theo ông, Tiger luôn không ngừng nỗ lực để trở thành một golfer giỏi hơn.
Một lần nọ, khi đang đi trên đường, "Siêu hổ" đã buộc xe phải dừng lại ngay giữa cao tốc để anh có thể ra ngoài, thử nghiệm một vài thay đổi về tư thế vừa mới nghĩ ra cho cú vung gậy của mình.
"Tiger Woods đứng vung gậy bên lề đường cao tốc giữa thành phố Toronto… Anh ấy không thể chờ đến ngày hôm sau, hay đến khi quay trở về khách sạn", Steve nhớ lại. "Chẳng ai dám làm điều đó. Không ai cả".
Tiger Woods ăn mừng chiến thắng tại giả Chevron World Challenge 2011
Cuộc chiến tâm lý với Mickelson
Qua bộ phim tài liệu, khán giả cũng được biết nhiều hơn về sự cạnh tranh gay gắt giữa Phil Mickelson và Tiger Woods. Mối "thâm thù" này lớn đến mức bà Kultida Woods gọi Phil là "Hefty", có nghĩa là "to lớn, khủng khiếp", thay vì "Lefty".
Sự cạnh tranh giữa hai đối thủ không đội trời chung này được thể hiện rõ nhất trong vòng cuối cùng của giải Masters 2001. Khi ấy, cả hai nằm trong cùng pairing và Tiger đang cố gắng để giành được trọn bộ 4 danh hiệu major lớn nhất của làng golf.
Phil đã đánh một cú tuyệt đẹp bằng gậy driver, còn Tiger đáp trả bằng một cú đánh dài hơn bằng gậy gỗ số 3.
"Tôi có thể phần nào cảm nhận sự chán nản của Mickelson", Steve nhớ lại. "Anh ấy vừa có cú driver tuyệt vời nhất có thể, và Tiger đã đáp trả hoàn hảo bằng một chiếc gậy gỗ số 3".
"Sau đó Phil đã ra nói chuyện với Tiger: ‘Anh luôn đánh gậy số 3 lâu như thế à?’ Tiger trả lời: ‘Thường thì lâu hơn thế’. Đây là trò chơi tâm lý nho nhỏ của Tiger. Nó khiến cho Phil nản chí và rút lui", ông cho biết.
Mối quan hệ phức tạp với cha
Có thể nói, cha là người đóng vai trò quan trọng nhất trong cuộc đời Tiger Woods. Anh đã học ông cách chơi golf, cho đến tính cách mạnh mẽ và cứng cỏi. Trước đây, Earl từng là lính mũ nồi xanh trong quân đội Mỹ, từng tham chiến tại Việt Nam.
"Bố tôi luôn là người ươm mầm và động viên tôi, nhưng ông cũng nói những điều khiến tôi khó chịu trong một thời gian dài", Tiger nói với USA Today năm 2017.
"Ông ấy có tư duy khác biệt và sâu sắc. Mẹ tôi thì là người hay thúc giục. Cha từng ở trong Lực lượng Đặc nhiệm, nhưng tôi chưa bao giờ thấy sợ ông ấy. Mẹ tôi thì vẫn ở đây, và tôi sợ bà vô cùng. Bà ấy rất cứng rắn và đòi hỏi. Bà ấy chính là chỗ dựa của tôi. Tôi yêu bà ấy rất nhiều, dù bà ấy là một người nghiêm khắc".
Tiger Woods giành chức vô địch Masters lần thứ 5
Những thói quen khác lạ
Theo bộ phim tài liệu, ở tuổi 13, Tiger đã được dạy cách tự thôi miên bản thân để giảm thiểu tiếng ồn xung quanh mình.
Nổi tiếng khi còn quá bé, "Siêu hổ" không có một giây phút nào dành riêng cho bản thân. Anh từng thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông: "Tôi đoán thứ duy nhất mà tôi sẽ nhớ là sự riêng tư".
Để có được sự riêng tư hiếm có khó tìm ấy, Tiger thậm chí đã đi học lặn biển. Khi được hỏi có nơi nào mà người khác không nhận ra anh, "Siêu hổ" trả lời: "Ở dưới nước. Đó là lý do tại sao tôi thích lặn biển".
"Đây là một sở thích lạ lùng", Amber Lauria - một người bạn của Tiger, cháu gái tay golf huyền thoại Mark O’Meara - nhận xét.
"Anh ấy giải thích: ‘Lũ cá không biết tôi là ai ở dưới nước’. Tôi nghĩ lời nói đó có phần nào sự thật, một sự thật đáng buồn. Anh ấy thích sự bình yên và tĩnh lặng chỉ có thể tìm thấy dưới đáy biển", cô cho biết.
(Theo Sportsnet)