Hàng loạt chỉ số chứng khoán lập đỉnh mới, VN-Index vẫn còn rất "xa bờ"
VN-Index tăng 12% trong năm 2023 và lọt top các chỉ số tăng mạnh nhất Châu Á nhưng vẫn còn cách rất xa đỉnh 1.500 điểm.
- 01-01-2024Chứng khoán sẽ mở màn năm 2024 ra sao?
- 01-01-2024Góc nhìn chuyên gia: Dòng tiền hứng khởi, chứng khoán có thể khởi đầu năm 2024 bằng con sóng ngắn
2023 nhìn chung là một năm tương đối “dễ thở” với nhà đầu tư chứng khoán toàn cầu. Hàng loạt thị trường ghi nhận đà tăng ấn tượng trong giai đoạn cuối năm, nhiều chỉ số chứng khoán trên thế giới thậm chí đã lập đỉnh mới.
Tại Mỹ, Dow Jones lập đỉnh cao nhất mọi thời đại, trong khi S&P 500 cũng gần phá kỷ lục. Trong khi đó, Nasdaq Composite chưa vượt đỉnh nhưng đã tăng ấn tượng hơn 44% trong năm 2023 và là một trong những chỉ số tăng mạnh nhất thế giới.
Các thị trường châu Á cũng không chịu kém cạnh, với hàng loạt chỉ số chứng khoán cũng tăng bùng nổ và lập kỷ lục mới. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng hơn 30% lên mức đỉnh 33 năm và nằm trong top tăng mạnh nhất trên thế giới.
Chỉ số Nifty 50 của Ấn Độ cũng tăng gần 19% trong năm 2023 qua đó tiếp tục lập kỷ lục mới. Tại Pakistan, chỉ số KSE-100 bứt phá hơn 60% và đang ở vùng đỉnh lịch sử. Trong khi đó, chỉ số Jakarta Composite của của Indonesia cũng lập đỉnh mới dù chỉ nhích tăng hơn 6% trong năm 2023.
Không nằm ngoài xu hướng chung, chứng khoán Việt Nam cũng hồi phục khá tích cực sau một năm 2022 đầy giông bão. VN-Index tăng 12% trong năm 2023 và lọt top các chỉ số tăng mạnh nhất Châu Á. Dù vậy, mức tăng này chưa đủ để đưa chỉ số về lại đỉnh cũ. Thậm chí, con số cao nhất VN-Index chạm đến trong năm (gần 1.250 điểm) vẫn còn cách rất xa đỉnh 1.500.
Về cơ bản, điểm chung của những con sóng chứng khoán trên toàn cầu thời gian qua là kỳ vọng về chính sách tiền tệ nới lỏng hơn của các NHTW. Thực tế, Việt Nam đã đi trước thế giới khi Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành từ đầu năm 2023 để hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, việc chứng khoán Việt Nam không thật sự bùng nổ có phần khiến nhà đầu tư trong nước thất vọng.
Vì sao “chậm chân”?
Một trong những yếu tố quan trọng kìm chân chứng khoán Việt Nam là sự mất cân bằng về cơ cấu. Theo dữ liệu từ Bloomberg, nhóm cổ phiếu tài chính và bất động sản trên TTCK Việt Nam chiếm tổng tỷ trọng đến hơn 57% vốn hóa. Con số này cao hơn nhiều so với các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc,… Nếu so với các thị trường hàng đầu trên thế giới, tỷ trọng này của Việt Nam thậm chí còn vượt trội hơn.
Với cơ cấu tỷ trọng này, sự phục hồi của chứng khoán Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng hồi phục của nhóm cổ phiếu tài chính và bất động sản. Tuy nhiên, các nhóm ngành này lại đang gặp không ít thách thức và triển vọng phục hồi vẫn còn bỏ ngỏ dù đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ được đưa ra.
Nhìn chung, thị trường bất động sản vẫn tương đối ảm đạm khiến nguồn thu của các doanh nghiệp địa ốc bị ảnh hưởng. Điều này khiến khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng gặp khó trong khi kênh trái phiếu dù đã ổn định hơn nhưng vẫn còn những nút thắt chưa thể giải quyết triệt để.
Thêm nữa, áp lực trả nợ trong năm 2024 vẫn rất lớn đối với nhóm bất động sản khi ước tính sẽ có khoảng 123.000 tỷđồng trái phiếu sẽ đáo hạn. FiinGroup nhận định, bất động sản là ngành chủ chốt và một trong những yếu tố rủi ro chính cho đà phục hồi kinh tế của năm sau nằm ở nhóm này. Thị trường bất động sản được kỳ vọng hồi phục vào giữa năm 2024 nhưng chi tiết thời gian hồi phục hiện tại vẫn chưa có chỉ báo.
Nợ xấu trái phiếu bất động sản vẫn tăng cao và tăng rủi ro cho các ngân hàng, nhất là các ngân hàng nhóm dưới có bộ đệm vốn thấp. Thể hiện ở tỷ lệ vi phạm nghĩa vụ trái phiếu doanh nghiệp ở mức rất cao và tỷ lệ tạo lập nợ xấu đang tăng mạnh. Áp lực nợ xấu cộng với tăng trưởng tín dụng ở mức thấp đang ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng nhóm cổ phiếu “vua” và diễn biến thị trường chứng khoán thời gian tới.
Nhịp Sống Thị Trường