Hàng loạt chợ sỉ ế ẩm, tiểu thương bỏ sạp vì lỗ
Nhiều người đã quen dần với việc mua sắm online trên các sàn thương mại điện tử do có nhiều ưu đãi, được giao hàng tận nhà, mà không phải chợ sỉ, chợ truyền thống nào cũng làm được.
Những khu chợ nổi tiếng như An Đông, Bình Tây, Tân Bình (TP HCM) vốn là đầu mối cung cấp các mặt hàng quần áo, giày dép, bánh mứt, hàng thủ công… đến các địa phương trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trải qua các đợt dịch bệnh bùng phát, buôn bán tại các chợ này sa sút dần, nhiều tiểu thương phải bỏ hoặc nhượng sạp vì lỗ.
Rất nhiều quầy sạp ở chợ An Đông phải đóng cửa hoặc sang nhượng vì ế ẩm, thua lỗ.
Chợ An Đông (quận 5) được coi là một trong những chợ sỉ lẻ hàng hóa lớn nhất TP HCM. Sau đợt bùng dịch và giãn cách xã hội, nhiều tiểu thương kỳ vọng hoạt động buôn bán sẽ trở lại sầm uất như xưa. Nhưng đến nay, các hoạt động mua bán tại chợ vẫn hết sức ảm đạm, người mua còn ít hơn người bán, số sạp đóng cửa hoặc chờ sang nhượng chiếm tỉ lệ lớn.
Chợ "đói" khách, tiểu thương chỉ biết than ngắn thở dài. Phải đến hơn 10 giờ sáng, chị Thủy (kinh doanh áo dài) mới sắp xếp, dọn hàng ra bán. Chị Thủy cho biết khi xưa, chợ có nhiều khách mối lấy sỉ từ các tỉnh miền Tây và miền Trung, thêm cả khách vãng lai nên việc làm ăn rất thuận lợi. Nhưng mấy năm nay, mối lái mất dần, người đi chợ cũng thưa thớt nên mới ra cảnh đìu hiu này. Chợ ế, sức mua kém, hàng hóa tồn đọng, chị không biết có thể cầm cự được bao lâu.
"Chợ buồn và vắng khách quá làm ai cũng não nề, mấy hôm nay tôi dọn hàng ra chờ cả buổi mà chẳng thấy ai tới hỏi han gì. Mong sao cho dịch bệnh mau chóng qua đi để chị em tiểu thương được buôn bán xôm tụ như xưa" - chị Thủy bày tỏ.
Tiểu thương chợ An Đông rầu rĩ vì ngồi cả ngày mà không có khách hỏi mua hàng
Không chỉ những tiểu thương như chị Thủy chịu cảnh buôn bán chán chường, mà những người làm nghề bốc vác, chạy xe ôm trước chợ cũng không thoát khỏi cảnh lao đao. Ông Sáu (86 tuổi, ngụ quận 11, TP HCM) hằng ngày vẫn ngồi ở những bậc thềm trước cửa chợ với ly trà tắc trên tay, chờ đợi những cuốc xe của khách vãng lai. Liên tục mời gọi người qua đường nhưng đáp lại đều là những cái lắc đầu từ chối, đã mấy ngày nay ông Sáu và những người chạy xe nơi đây không nhận được cuốc xe nào. Tình cảnh chợ vắng khách đã ảnh hưởng đều hầu hết các hoạt động của những người lao động nơi đây như ông Sáu. .
Cách chợ An Đông vài cây số, chợ Bình Tây (quận 6) cũng không khá khẩm hơn là bao. Chợ chuyên cung cấp mặt hàng bánh mứt, ngũ cốc, mũ nón, quần áo các loại này cũng "ế lên ế xuống". Chị Kiều (kinh doanh tàu hũ ky và gia vị các loại) than thở cả tuần nay không bán được hàng. Sáng chị dọn hàng ra rồi tối dọn về, hôm nào may mắn lắm cũng chỉ được 2-3 khách. Chị Kiều buồn rầu vì nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, chị khó có thể bám chợ.
Tình trạng ế ẩm, đóng cửa sạp cũng khá phổ biến ở chợ Bình Tây, một trong những chợ sỉ lớn nhất ở khu Chợ Lớn.
Chợ vắng khách mua, các tiểu thương chỉ biết bầu bạn với chiếc điện thoại từ sáng tới tối. Sạp nào may mắn, giữ được mối thì còn bán chút đỉnh, sạp ế thì chỉ biết ngậm ngùi chờ khách.
Kinh doanh ế ẩm nhưng hằng tháng, tiểu thương vẫn phải gánh nhiều loại thuế và các chi phí khác như tiền thuê sạp, kho bãi, nhân công… Những người không cầm cự được buộc phải tạm nghỉ, cho thuê hoặc sang nhượng sạp để tránh thua lỗ.
Theo các tiểu thương, thời gian giãn cách, nghỉ dịch kéo dài, người tiêu dùng hình thành tâm lý sợ dịch và ngại ra ngoài, nhất là nhiều người đã quen dần với việc mua sắm online trên các sàn thương mại điện tử do có nhiều ưu đãi, được giao hàng tận nhà, mà không chợ truyền thống nào cũng làm được.
Tiểu thương chợ Bình Tây ngồi rầu rĩ bên đống hàng hóa
Chị Trương Thanh Mai (ngụ quận 6) so sánh: "Việc mua sắm online tiện hơn rất nhiều, tôi chủ động được thời gian và món hàng mình cần mua, giá cả lại phải chăng. Khi mua sắm ở chợ truyền thống, tôi rất sợ bị thách giá trên trời, mua bị hớ. Dịch bệnh phức tạp nên nhiều người có tâm lý ngại ra chợ truyền thống là điều hiển nhiên".
Theo chị Mai, bản thân chị vẫn thích đi chợ truyền thống. Bởi lẽ, chính tay, tận mắt quan sát tình trạng hàng hóa là một trải nghiệm mà mua sắm online không thể có được nhưng chị chủ yếu mua thức ăn, đồ uống.
Người lao động