Hàng loạt công ty địa ốc nợ thuế hơn 100 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Tân An Huy, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Sản xuất Dịch vụ Đông Mê Kông, Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn... là những doanh nghiệp địa ốc vừa bị Cục thuế TPHCM nêu tên nợ thuế hơn 100 tỷ đồng.
- 27-12-2019TP.HCM: Chủ đầu tư các dự án BĐS bị ngưng trệ nợ thuế “khủng”
- 27-12-2019Trong danh sách đợt cuối năm, nhiều doanh nghiệp BĐS Tp.HCM nợ thuế lên đến hàng nghìn tỉ đồng
- 06-12-2019'Ông lớn' chuyên xây nhà ở xã hội dẫn đầu nợ thuế ở TP.HCM
Ngày 3/4, Cục thuế TPHCM cho biết, đã công bố danh sách 535 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền nợ là 3.186 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong đó có nhiều doanh nghiệp bất động sản nợ thuế trên 100 tỷ đồng.
Đứng đầu danh sách nợ thuế của các công ty bất động sản hơn 100 tỷ đồng là Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Tân An Huy nợ hơn 173 tỷ đồng. Công ty Tân An Huy là chủ đầu tư dự án Khu dân cư Tân An Huy rộng 20,8ha ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Dự án hình thành từ hơn chục năm trước nhưng đến năm 2017, mặc dù đã thanh toán tiền hợp đồng và thậm chí nộp thuế, nhiều người vẫn không được bàn giao đất để xây nhà, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, phải đóng cửa nên phải nợ thuế.
Đứng ở vị trí thứ 2 là Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Sản xuất Dịch vụ Đông Mê Kông nợ thuế hơn 114 tỷ đồng. Công ty Đông Mê Kông là chủ đầu tư dự án Khu căn hộ cao cấp Park Vista ở huyện Nhà Bè. Năm 2016, các khách hàng ký hợp đồng với Công ty Đông Mê Kông mua căn hộ dự án. Theo hợp đồng, chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà cho khách hàng vào quý II/2018, chậm nhất quý I/2019. Tuy nhiên đến nay đã trễ hẹn bàn giao nhà gần 1 năm nhưng dự án mới xây tới tầng 10 rồi “đứng hình”.
Đứng ở vị trí thứ 3 là Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn nợ thuế 106,8 tỷ đồng. Vị trí thứ 4 là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Mỹ, nợ thuế 105 tỷ đồng. Vị trí thứ 5 là Công ty Cổ phần Sài Gòn One Tower nợ thuế 80,5 tỷ đồng. Sài Gòn One Tower là chủ đầu tư dự án Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C (số 34 Tôn Đức Thắng, quận 1), dự án khởi công từ năm 2007 đã hoàn thiện xong phần thô và tạm ngưng đến nay.
Ngoài ra còn có Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Địa ốc Trường Thịnh Phát nợ thuế 55,6 tỷ đồng, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Phát triển nhà Hoàng Phúc nợ thuế 54,5 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Công trình (Tranimexco) nợ thuế 10 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Free Land nợ thuế 25,11 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Địa ốc Khang Việt nợ thuế 17,8 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Bất động sản LinkGroup nợ thuế 5,9 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Khang Thông nợ thuế 5,9 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Địa ốc Thăng Long nợ thuế 4,4, tỷ đồng, Công ty TNHH Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn nợ thuế 3,1 tỷ đồng…
Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Lê Minh Hoàng nói rằng, nhiều doanh nghiệp bất động sản nợ thuế là do công ty địa ốc lúc nào cũng trong tình trạng thiếu vốn nên nợ thuế là điều dễ hiểu. Lãi suất vay tiền ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp đã lên đến hơn 11%/năm. Còn nợ thuế thì không phải thế chấp, doanh nghiệp có thể sử dụng số tiền nợ thuế để kinh doanh, sản xuất. Theo quy định, mức phạt đối với việc chậm nộp thuế hiện nay là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, tương đương khoảng 0,9%/tháng, thấp hơn mức lãi vay đầu tư. Mức phạt này đã không đủ sức răn đe các doanh nghiệp chưa chấp hành việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách Nhà nước.
“Hơn nữa, từ 2019 đến nay nhiều doanh nghiệp bất động sản không ra được dự án do vướng pháp lý, bây giờ còn chịu tác động nặng nề từ dịch COVID-19 nên dòng tiền kinh doanh bị âm, lâm vào cảnh khó khăn nên nợ thuế nhiều là điều dễ hiểu”, ông Hoàng nói.
Tiền phong