MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt đại gia địa ốc Tp.HCM "kêu khổ", hàng nghìn tỷ "ngâm" vào dự án là tiền vay

23-02-2020 - 14:58 PM | Bất động sản

Không chỉ là cuộc gặp mặt để tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp, cho thị trường BĐS, buổi trao đổi giữa Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM với 36 doanh nghiệp địa ốc còn là nơi để các doanh nghiệp “bày tỏ nỗi lòng” bởi thực sự, suốt thời gian qua họ phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thử thách.

Nhiều doanh nghiệp “kêu khổ” bởi đuối sức

Hầu hết các doanh nghiệp trao đổi với lãnh đạo TP trong buổi họp sáng 22/2 đều là những doanh nghiệp đã nhiều lần có mặt tại các cuộc họp trước đó. Họ vẫn tiếp tục “bày tỏ nỗi lòng”, khẩn thiết kiến nghị để được tháo gỡ khó khăn ách tắc để có thể triển khai dự án….

Và, cốt yếu đối với họ cần một giải pháp nhanh, gọn để có thể tiến hành những dự án còn dang dở, những dự án thậm chí họ đã bỏ hàng ngàn tỉ đồng vào đó rồi chờ hết ngày nọ sang tháng kia. Chưa kể, khá nhiều trong số họ, số tiền “ngâm” vào dự án là tiền trong ngân hàng. Tất nhiên vì thế mà họ gồng lưng trả lãi, họ bế tắc nếu dự án vẫn mãi chẳng bán được hàng.

Hàng loạt đại gia địa ốc Tp.HCM kêu khổ, hàng nghìn tỷ ngâm vào dự án là tiền vay - Ảnh 1.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành kêu khổ với lãnh đạo TP về 2 dự an đang bị vướng

Trường hợp một doanh nghiệp làm nhà ở xã hội là Công ty Lê Thành. Có lẽ vị lãnh đạo của doanh nghiệp này đã xuất hiện với tần số rất nhiều tại các cuộc họp giữa doanh nghiệp với lãnh đạo TP. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành đã kể khổ với UBND TP về 2 dự án đang bị vướng.

Dự án nhà ở xã hội (NƠXH) Tân Kiên, quy mô 2.600 căn, chỉ riêng khâu xin chấp thuận dự án (khâu đầu tiên) đã làm 11 tháng vẫn chưa xong, nguyên nhân do tổ công tác liên ngành không dám duyệt, duyệt thì trái với quy hoạch.

Theo ông Nghĩa, khu đất làm dự án có quy hoạch chung là xây dựng nhà cao tầng, tối đa 15 tầng, theo quy định NƠXH thì có thể tăng thêm hệ số sử dụng 50%. Tính toán ra thì tối thiểu hệ số sử dụng đất của khu đất làm dự án phải là 4.5 nhưng theo quy hoạch thì hệ số sử dụng đất 2.0, chỉ vì vướng mắc nhỏ nhỏ này mà gần một năm trôi qua mà mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.

Một dự án khác, theo ông Nghĩa, doanh nghiệp đã thỏa thuận bồi thường xong hết rồi, giữa miếng đất có một con mương nước (diện tích khoảng hơn 1.000m2), khi đi làm thủ tục các cơ quan chức năng yêu cầu phải đấu giá phần đất này theo quy định. Trong khi đó, việc xây dựng nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất…

Hàng loạt đại gia địa ốc Tp.HCM kêu khổ, hàng nghìn tỷ ngâm vào dự án là tiền vay - Ảnh 2.

Nguyễn Thị Như Loan, đại diện Công ty Quốc Cường Gia Lai cũng có 2 dự án đang bị "tắc"

Đại diện Công ty Thiên Phát cho biết, doanh nghiệp có một dự án 21ha trên địa bàn quận 9. Quy hoạch chỉ cho phép 2.500 dân, không hiệu quả doanh nghiệp đề xuất 12.500 dân. Sau khi thống nhất đưa một phần tái định cư vào trong dự án, thỏa thuận dân số được nâng lên 9.500 dân. Khi trình phương án 9.500 dân, thì thấy loãng quá, chính quyền trả về quay lại giải pháp của 3 năm khác là 12.500 dân. Đại diện doanh nghiệp này bày tỏ, cũng vì thế mà mãi chúng tôi cũng không thể triển khai được dự án, đang rất khó khăn.

Một nhân vật mà có lẽ rất nhiều lần xuất hiện trong các cuộc họp để tìm một câu trả lời cho dự án của mình. Thậm chí có lần nữ Chủ tịch này đã phải khóc vì quá bế tắc với chính doanh nghiệp mà mình đang điều hành. Tại cuộc họp sáng 22/2, bà Nguyễn Thị Như Loan, đại diện Công ty Quốc Cường Gia Lai cho biết, sau lần đối thoại trước đã có 6/12 dự án của doanh nghiệp đã được tháo gỡ vướng mắc, hiện nay vẫn có 2 dự án đang bị '”tắc”.

Hàng loạt đại gia địa ốc Tp.HCM kêu khổ, hàng nghìn tỷ ngâm vào dự án là tiền vay - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc SSG cho rằng, doanh nghiệp chỉ mong muốn được đóng tiền sử dụng đất một cách nhanh nhất để có thể triển khai được dự án

Cụ thể, dự án 91ha tại xã Phước Kiển, Nhà Bè đã triển khai được 12 năm, đã giải phóng mặt bằng 95%, tổng giá trị của dự án lên đến 50.000 - 70.000 tỷ đồng, riêng tiền thuế VAT, tiền sử dụng đất, thuế doanh nghiệp của dự án đã lên đến khoảng 10.000 tỷ đồng. Vướng mắc của dự án hiện nay phần đất xây dựng hạ tầng đã đền bù xong 100% xin chấp thuận giao đất làm hạ tầng trước thì không được chấp thuận. 

Trong thời gian chờ đợi thì chấp thuận chủ trương, kế hoạch sử dụng đất đã bị hết hạn. Hiện nay theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, doanh nghiệp quay lại Sở Kế Hoạch đầu tư xin chấp thuận chủ trương và kế hoạch sử dụng đất.

“Đây là bài toán trăn trở của doanh nghiệp, không biết giải quyết thế nào, đây là dự án sống còn của doanh nghiệp, đối tác nước ngoài dọa rút lui, nếu đối tác rút lui thì Quốc Cường Gia Lai không có tiền để trả lại”, bà Loan chia sẻ.

Hàng loạt đại gia địa ốc Tp.HCM kêu khổ, hàng nghìn tỷ ngâm vào dự án là tiền vay - Ảnh 4.

Đại diện Tập đoàn Nam Long cũng bày tỏ những khó khăn vướng mắc với lãnh đạo TP

Ngoài ra, Quốc Cường Gia Lai còn có một dự án 7,4ha tại phường Phú Hữu, quận 9. Dự án chỉ có 7,4ha nhưng gánh 1,7ha đất giáo dục, gánh thêm 2.100m2 đất cây xanh. Vấn đề là doanh nghiệp phải gánh cả phần cây xanh bị thiếu của địa phương. Doanh nghiệp đi lại rất nhiều, phải chấp nhận, 3,2m2 cây xanh, 3,2m đất giáo dục/người dân. Cuối cùng dự án chỉ có 2,7ha đất ở; sử dụng được 1ha thôi (40%).

Trong cuộc họp còn có sự xuất hiện của đại diện Tập đoàn Novaland. Đơn vị này “bày tỏ nỗi lòng” rằng, trong vài năm trở lại đây doanh nghiệp có nhiều dự án gặp vướng mắc pháp lý. Tuy nhiên, được sự tháo gỡ của chính quyền tình hình đang tốt lên, các dự án dần được giải quyết vướng mắc. Riêng đối với dự án 30,2ha trên địa bàn phường Bình Khánh, quận 2 đại diện tập đoàn này đề xuất được tiếp tục triển khai dự án đối với phần đã xây dựng, riêng phần chưa xây dựng thì đồng ý giao lại cho chính quyền để tổ chức đấu giá.

Hay một đơn vị khác là Công ty CP Địa ốc Phú Long cũng đang “kẹt” ở 2 dự án cần được tháo gỡ. Cụ thể, Phú Long trúng đấu giá đất từ năm 2004 bao gồm 14 khu đất có diện tích 44,49 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè để thực hiện dự án Dragon City. Công ty đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá, hoàn tất nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định và đã được UBND Tp.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để triển khai dự án.

Tuy nhiên đến nay, tại phân khu số 15 của dự án Dragon City, vẫn còn tồn tại 1 căn nhà trên khu đất và một số hộ dân không chịu di dời dẫn đến hơn 16 năm nay khiến Phú Long không thể triển khai dù đã nhiều lần gửi văn bản lên cấp có thẩm quyền. Doanh nghiệp này đề nghị UBND TP chỉ đạo các Sở, ngành và UBND huyện Nhà Bè khẩn trương thực hiện dứt điểm việc giải quyết bồi thường giải phóng mặt bằng cho hai dự án nói trên để công ty được giao đất đầy đủ để triển khai dự án.

Bên cạnh đó, còn có khá nhiều doanh nghiệp BĐS như Đại Phúc, Him Lam, Công ty Xây dựng địa ốc Xanh, Vietcomreal, Hưng Lộc Phát...cùng nỗi lòng khi còn khá nhiều những vướng mắc mà doanh nghiệp cần được lắng nghe và tháo gỡ kịp thời.

Cần “mạnh tay” tháo gỡ bởi thị trường đã đáng lo ngại!

Thực tế, không phải ngẫu nhiên mà doanh nghiệp “kêu cứu”, cũng không phải ngẫu nhiên mà UBND TP tổ chức buổi trao đổi gặp mặt để lắng nghe doanh nghiệp giãi bày. Thậm chí, Chủ tich UBND TP Nguyễn Thành Phong còn cho biết, từ nay, cứ 3 tháng lãnh đạo TP sẽ ngồi lại với doanh nghiệp để tìm giải pháp gỡ khó dần dần.

Khó khăn của doanh nghiệp BĐS nói riêng, cả thị trường BĐS nói chung đã thể hiện rõ ràng trên các con số. Trong năm 2019, toàn TP chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án so với cùng kỳ; 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án; trong đó chỉ có 7 dự án được chấp thuận đầu tư mới. 

Ngoài ra, chỉ có 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn, giảm 30 dự án. Lãnh đạo TP lý giải, nguyên nhân dẫn đến tình hình trên là do các quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Cùng với đó, nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra.

Hàng loạt đại gia địa ốc Tp.HCM kêu khổ, hàng nghìn tỷ ngâm vào dự án là tiền vay - Ảnh 5.

Theo cách của các lãnh đạo TP trao đổi, sẽ quyết tâm để tháo gỡ những khó khăn cho DN BĐS trong thẩm quyền. Nếu những vướng mắc không thuộc thẩm quyền thì có thể kiến nghị lên Chính Phủ.

Cuộc họp kết thúc vào sáng cùng ngày. Đã có những nỗi lòng của doanh nghiệp được bày tỏ. Bản thân Chủ tịch và Phó Chủ tịch TP cũng khẳng định, sẽ quyết tâm để chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong thủ tục hành chính, trong quy trình thực hiện dự án… nằm trong thẩm quyền của UBND TP. Bởi khó khăn của doanh nghiệp cũng chính là khó khăn của thành phố. Thế nhưng, Chủ tịch TP cũng khẳng định rằng, có những vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải không thuộc thẩm quyền của UBND mà phụ thuộc vào kết luận thanh tra chính phủ. Vì thế, TP cũng như doanh nghiệp phải đợi kết quả thanh tra….

Theo các doanh nghiệp, điều họ mong mỏi nhất hiện nay là được giải quyết các thủ tục, các khâu trong quy trình thực hiện dự án một cách nhanh nhất, gọn nhất. Họ không muốn chỉ vì một khâu trong quy trình mà mất đi một vài năm để rồi tiền của họ chôn lại, còn thị trường thì đói cung. Khó khăn trăm bề cho tất cả. Họ không muốn rằng, rời mỗi cuộc họp lại phải đợi chờ thêm. Theo họ, nếu càng đợi lâu thì doanh nghiệp càng lún sâu vào khó khăn và rõ ràng càng gây những bất ổn về nguồn cung trên thị trường.

Một số chuyên gia trong ngành cho rằng, khó khăn của thị trường hiện nay, riêng về nguồn cung là lo ngại rồi chứ không phải đáng lo ngại nữa. Và khó khăn hiện nay không còn nằm ở phạm vi các doanh nghiệp nữa mà đó còn là vấn đề an sinh xã hội, vấn đề nhà ở cho người dân, đặc biệt ở các đô thị lớn khi mà nhu cầu về nhà ở vẫn tăng lên hàng ngày.

Bài và ảnh: Hạ Vy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên