Hàng loạt dự án điện sạch đứng trước nguy cơ mất ưu đãi
Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về việc vướng mắc triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý ngành theo Luật Quy hoạch số 21, mới có hiệu lực từ 1-1-2019.
Theo Bộ Công Thương, trung bình hằng năm, Bộ này tiếp nhận đề nghị bổ sung điều chỉnh quy hoạch với khoảng 100 dự án nguồn và lưới điện. Cụ thể, có khoảng 40% dự án lưới điện 220kV, 110kV; 45% dự án nguồn điện sạch bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và 15% dự án nguồn điện đề nghị bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Tuy nhiên, con số từ vài tháng cuối 2018 đến nay tăng đột biến. Theo thống kê, hiện Bộ Công Thương đã và đang nhận được nhiều đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nhưng chưa có căn cứ để triển khai thực hiện. Cụ thể, về nguồn điện, hiện số dự án nhà máy điện khí LNG xin bổ sung quy hoạch là 5 dự án. Dự án điện chất thải rắn đề nghị bổ sung là 3 dự án. Khoảng 59 dự án điện gió. Trong số này có 26 dự án có công suất trên 50MW và 33 dự án có công suất từ 50MW trở xuống. Và nhiều nhất là các dự án điện mặt trời.
Theo đó, có tổng cộng khoảng 210 dự án đang xin bổ sung quy hoạch, gồm 25 dự án có công suất trên 50MW trở lên và 185 dự án có công suất từ 50MW trở xuống. Tương tự, về lưới điện đang chờ điều chỉnh quy hoạch cũng có tới 91 dự án, gồm 4 dự án lưới điện 500kV, 64 dự án lưới điện 220kV cùng 23 dự án lưới điện 110kV.
Theo Bộ Công Thương, đến nay có 19 dự án điện mặt trời được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch theo Quyết định số 11/2017/QĐ-ttg ngày 11-4-2017 tại các văn bản số 12599/VPCP-CN ngày 27-12-2018 và 12603/VPCP-CN ngày 27-12-2018 nhưng Bộ Công Thương chưa có cơ sở để thẩm định bổ sung quy hoạch hoặc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch.
Các dự án năng lượng tái tạo có nguy cơ sẽ lỡ tiến độ để hưởng giá tốt (ảnh minh hoạ Internet).
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, riêng công suất đăng kí của các dự án điện gió và điện mặt trời đang chờ “xếp chỗ” lên đến trên 20.000MW. Theo quy định của Luật Điện lực, để triển khai các dự án điện phải theo quy hoạch, cụ thể trước ngày 1-1-2018 thì ngành điện lực có các quy hoạch quy hoạch năng lượng quốc gia nói chung, có quy hoạch điện lực quốc gia, quy hoạch điện lực tỉnh, vùng và quy hoạch cho năng lượng tái tạo.
“Nhưng theo Luật Quy hoạch mới thì ngành điện chỉ còn quy hoạch điện quốc gia và phần điện lực được tích hợp trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tức quy hoạch tỉnh. Mà cả 2 loại này đều do Thủ tướng phê duyệt. Cho nên, hiện nay liệu các dự án nói trên có cần bổ sung vào quy hoạch hay không cũng chưa rõ, và nếu cần bổ sung thì phải để Thủ tướng phê duyệt hay phân cấp cho bộ, hay là để địa phương… thì Bộ Công Thương đánh phải chờ nghị định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch”, ông Vượng nói.
Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch chưa quy định cụ thể thẩm quyền Bộ quản lý ngành trong việc lập, điều chỉnh, bổ sung các dự án lưới điện được tích hợp trong quy hoạch tỉnh (UBND tỉnh là cơ quan trình và Bộ KH&ĐT là cơ quan thẩm định).
Bộ Công Thương cho rằng, việc thực hiện như trước đây sẽ giúp đáp ứng kịp thời tiến độ đầu tư công trình điện để đáp ứng nhu cầu cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, việc phê duyệt bổ sung quy hoạch các nguồn điện năng lượng tái tạo giúp thực hiện chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam, các cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió, điện mặt trời đáp ứng tiến độ được hưởng giá ưu đãi như đối với điện mặt trời là 30-6-2019 tại Quyết định 11 và điện gió là 1-11-2021 (tại Quyết định 39 năm 2017). Nếu không, các dự án này nguy cơ sẽ lỡ tiến độ để hưởng giá tốt.
“Do chưa có các hướng dẫn để thực hiện Luật Quy hoạch nên việc bổ sung các dự án năng lượng tái tạo vào quy hoạch phát triển điện lực bị kéo dài và đình trệ, dẫn đến khả năng đáp ứng tiến độ vận hành để các dự án điện sạch cán mốc thời gian được hưởng cơ chế giá ưu đãi khó mà thực hiện”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Ngành điện là ngành hạ tầng kỹ thuật, trong khi phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sử dụng điện luôn thay đổi dẫn tới việc điều chỉnh quy mô công suất các trạm biến áp 100kV (ví dụ từ quy mô 40MVA lên 60MVA), hoặc bổ sung trạm biến áp 100kV vào Quy hoạch cần đáp ứng nhanh để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bên cạnh đó, quy trình thực hiện các dự án bổ sung quy hoạch được thực hiện phức tạp, kéo dài qua nhiều bước theo quy định tại Luật Quy hoạch, gây khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu xây dựng các dự án điện nguồn và lưới điện, cũng như triển khai cơ chế khuyến khích năng lượng sáng tạo.
Do vậy, trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương kiến nghị, trước khi Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Quy hoạch tỉnh giai đoạn mới được phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Công Thương thực hiện bổ sung quy hoạch như quy định trước đây, cụ thể: Bộ Công thương tiếp tục thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt các dự án nguồn điện có công suất trên 50MW, các dự án lưới điện có cấp điện áp từ 220kV trở lên. Đối với các dự án nguồn điện từ 50MW trở xuống, và các dự án lưới điện có cấp điện áp từ 110kV Bộ Công Thương thẩm định và phê duyệt bổ sung quy hoạch.
“Trong giai đoạn chuyển tiếp, khi chưa có hướng dẫn cụ thể phạm vi, thẩm quyền, trình tự thủ tục thực hiện cụ thể theo Luật Quy hoạch, đề nghị Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép Bộ Công Thương có đủ thẩm quyền để tiếp tục thẩm định điều chỉnh bổ sung các dự án nguồn và lưới điện vào quy hoạch phát triển điện lực đã được phê duyệt theo các quy định chuyện ngành như hiện nay đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội”, báo cáo kiến nghị của Bộ Công Thương nêu rõ.
Công an nhân dân