MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt dự án giao thông nghìn tỷ giúp Long An gần hơn với TP.HCM

29-03-2018 - 08:37 AM | Bất động sản

Theo nhận định của người dân cũng như các nhà đầu tư đóng trên địa bàn tỉnh, chưa bao giờ hạ tầng giao thông của Long An được đầu tư mạnh mẽ như hiện nay. Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, tạo diện mạo ngày càng khang trang.

Hiện nay, dân số của TP.HCM đã tăng lên hơn 10 triệu người, lượng người nhập cư tăng liên tục, tỷ lệ tăng dân số cơ học rất cao so với tỷ lệ tăng dân số tự nhiên. Chính điều này đã gây nên tình trạng quá tải, tạo áp lực rất lớn lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội, minh chứng rõ ràng nhất là hiện tượng kẹt xe trầm trọng tại các trục đường giao thông chính dẫn vào trung tâm thành phố.

Quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM định hướng sẽ phát triển các đô thị vệ tinh quanh trung tâm thành phố, mở rộng phát triển các khu công nghiệp mới tại vùng ven và các huyện lân cận như Bến Lức, Cần Giuộc của tỉnh Long An, từ đó chuyển dịch hướng phát triển ra vùng ven, giảm tải áp lực dân số tại trung tâm và thúc đẩy sự phát triển kinh tế nơi đây.

Với quy hoạch đó, những hạng mục hạ tầng giao thông quan trọng như hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không trong vùng song song với hệ thống đường vành đai và các tuyến cao tốc kết nối từ trung tâm thành phố tới các tuyến quốc lộ và các tỉnh, thành sẽ dần được hình thành.

Được biết, từ năm 2016 tỉnh Long An đã và đang thực hiện Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm. Đây là tiền đề cũng như động lực để tỉnh xúc tiến đầu tư, vươn lên trở thành một trong những đầu tàu kinh tế của khu vực phía Nam.

Chương trình có 14 danh mục công trình giao thông, đến nay, có 3 công trình hoàn thành, 7 công trình đang thi công, 4 công trình đang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ để triển khai thi công trong thời gian tới.

Trước đây, trên địa bàn huyện Đức Hòa, đoạn từ Đường tỉnh (ĐT) 830 đến Quốc lộ (QL) N2 là nỗi ám ảnh của người dân lẫn doanh nghiệp (DN) khi lưu thông, chuyên chở hàng hóa. Thì nay, đoạn đường này trở thành điểm nhấn khá đẹp, đường được trải nhựa, cầu Sông Tra được xây mới rộng rãi, thông thoáng. Đoạn đường này có chiều dài hơn 500m, mặt rộng 11m, nền rộng 9m cùng cầu Sông Tra tải trọng HL93, khổ cầu 12m. Tổng mức đầu tư 84 tỉ đồng.

Tiếp nối ĐT830 đến QLN2 là ĐT823 (đoạn từ Trà Cú đến ngã tư Hậu Nghĩa), rồi đến ĐT825 (đoạn từ nút giao QLN2 đến ngã tư Hậu Nghĩa) đều trải dài màu nhựa mới. Tổng chiều dài của 2 tuyến đường này trên 9,1km với kinh phí xây dựng trên 102 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Bên cạnh những công trình giao thông được thực hiện bằng nguồn ngân sách, nhiều dự án hạ tầng giao thông đang trong quá trình triển khai, có không ít nhà đầu tư, DN quan tâm. Điển hình như ĐT833B (đoạn từ QL1 đến sông Vàm Cỏ Đông), ở dự án thành phần 2, ĐT830B đoạn từ ĐT833B đến Hương lộ 17 dự kiến thay thế dự án ĐT833B (đoạn từ ĐT830B đến sông Vàm Cỏ Đông, chưa thi công).

Theo dự kiến, đường có điểm đầu giáp ngã ba giao giữa ĐT833B và ĐT830B, điểm cuối giao với Hương lộ 17, chiều dài 1,917km. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 và chi phí giải phóng mặt bằng cho cả 2 giai đoạn dự kiến 116,5 tỉ đồng. Theo thống nhất giữa UBND tỉnh và DN, nguồn vốn đầu tư đoạn đường này từ ngân sách tỉnh và DN. Trong đó, ngân sách tỉnh 25,5 tỉ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng đường của 200m đầu tuyến; phần còn lại do DN hỗ trợ.

Nằm trong quy hoạch thành vùng đô thị trung tâm TP.HCM, nhiều tuyến dự án đường cao tốc lớn kết nối Long An với nhiều tỉnh, thành khác đã được phê duyệt hoặc hoàn tất mang đến những cơ hội lớn về phát triển kinh tế cho địa phương và khiến giá bất động sản tăng mạnh trong thời gian qua.

Cuối năm 2014, tuyến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành – dự án trọng điểm Quốc gia đi qua địa bàn các huyện Bến Lức, Cần Giuộc của tỉnh Long An, huyện Bình Chánh, Cần Giờ của TP.HCM và huyện Nhơn Trạch, Long Thành của Đồng Nai.TP HCM, Long An và Đồng Nai đã chính thức được khởi công.

Dự kiến sau khi hoàn thành vào cuối năm 2018, tuyến cao tốc này sẽ giúp giao thông liên vùng miền Tây và vùng Đông Nam Bộ không cần quá cảnh qua TP.HCM, kết nối trực tiếp với mạng lưới cao tốc – quốc lộ, hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải, Sao Mai Bến Đình và với sân bay quốc tế Long Thành, rút ngắn thời gian đi từ tỉnh Long An đến TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Song song đó, Long An cũng thừa hưởng giá trị của các dự án hạ tầng lớn kết nối với lõi đô thị TP.HCM. Có thể kể đến như dự án mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Tạo thành đường 6 làn xe thông với Khu Công nghiệp Long Hậu, tuyến Metro số 4 nối quận 12, Tân Bình, Phú Nhuận, quận 1, quận 4, quận 7 và Khu Đô thị cảng Hiệp Phước. 

Thêm vào đó, tuyến đường Lê Văn Lương sẽ được mở rộng 30m trong thời gian sắp tới để nối quận 7 và Cần Giuộc - Long An, nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 22, nâng cấp và mở rộng Tỉnh lộ 824, Tỉnh lộ 9... đi qua các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc. Tuyến đường Vành đai 4 đoạn Bến Lức- Hiệp Phước đang chuẩn bị khởi công xây dựng. Chiều dài toàn tuyến khoảng 35,8km, đi qua các địa phương gồm tỉnh Long An dài 32km (huyện Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc), TP.HCM dài 3,8km đi qua huyện Nhà Bè.

Mới đây nhất, UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa việc xây dựng một làm đường song hành với quốc lộ 50 bổ sung vào quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Theo quy hoạch, điểm đầu của tuyến đường mới sẽ kết nối với dự án nối đường Phạm Hùng hiện hữu với cầu Kênh Cây Khô (đoạn tuyến dài khoảng 800m), tại xã Phước Lộc - huyện Nhà Bè (TP.HCM), điểm cuối sẽ kết nối với Quốc lộ 50 tại lý trình Km12+600 (ngã tư Tân Kim, xã Tân Kim - huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An).

Tuyến đường sẽ có tổng chiều dài tuyến khoảng 8,6km với vận tốc thiết kế đạt 80km/h, quy mô mặt cắt ngang tuyến dự án được thiết kế với 6 làn xe; bề rộng mặt cắt ngang cầu được bố trí phù hợp với quy mô phần tuyến. Kỳ vọng đây là tuyến đường có thể xem là trục động lực, khi hoàn thành khơi dậy tiềm năng của vùng hạ Long An gồm các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành. 

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nhìn vào một mạng lưới hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư một cách mạnh mẽ như trên, sẽ là động lực để thị trường bất động sản của tỉnh này tăng trưởng trong tương lai gần. Vì vậy, so với khu vực TP.HCM, thị trường đất nền, nhà phố tỉnh Long An không xảy ra tình trạng "sốt" hay tăng giá đột biến nhưng vẫn đang thu hút nhiều nhà đầu tư.

Nguyên Minh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên