Hàng loạt khách hàng gặp trục trặc trong ngày đầu áp dụng xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền
Ngày đầu tiên (1-7) áp dụng quy định bắt buộc xác thực sinh trắc học cho một số giao dịch trực tuyến của ngân hàng, nhiều người cho biết phải ra quầy hoặc gặp trục trặc không thể chuyển tiền…
- 01-07-2024Không quét được CCCD để xác thực sinh trắc học, phải làm thế nào?
- 30-06-2024Cách đăng ký thông tin sinh trắc học đơn giản trên Ngân hàng số Digimi
- 30-06-2024"Khách hàng chỉ cần cập nhật thông tin sinh trắc học một lần tại ngân hàng"
Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động trong sáng 1-7, nhiều người cho biết phải ra tận quầy giao dịch của ngân hàng sau khi không thể cập nhật trên ứng dụng (app) ngân hàng.
Tại BIDV chi nhánh TP HCM, nhân viên ngân hàng cho biết sáng giờ rất nhiều người tới liên hệ để cập nhật dữ liệu sinh trắc học. Trục trặc chủ yếu là một số dòng điện thoại đời cũ không đọc được thông tin chip CCCD qua NFC (kết nối không dây); thông tin của khách hàng trên hệ thống tại thời điểm mở tài khoản khác với thông tin trên CCCD gắn chip ở hiện tai.
Tại quầy giao dịch NH này, phóng viên ghi nhận không chỉ khách hàng người Việt mà khách hàng người nước ngoài cũng đang chờ cập nhật dữ liệu sinh trắc học. Nhân viên BIDV chi nhánh TP HCM nói khách hàng người nước ngoài thì phải ra quầy để được hỗ trợ trực tiếp.
Tương tự, tại một phòng giao dịch của Sacombank trên đường Nguyễn Công Trứ (quận 1), chị Ngọc Thanh (ngụ TP Thủ Đức) đang chờ cập nhật sinh trắc học cho app Sacombank Pay. Theo chị Thanh, do thông tin đăng ký mở thẻ tín dụng khác với thông tin trên CCCD gắn chip nên hệ thống ngân hàng không xử lý được.
"Tôi phải ra quầy, nhưng thủ tục cập nhật khoảng vài phút" - chị Thanh nói.
Nhân viên Sacombank ở phòng giao dịch này cho biết từ sáng tới trưa đã hỗ trợ hơn chục khách hàng đồng bộ dữ liệu sinh trắc học, trong đó các lỗi chủ yếu là điện thoại đời cũ không cập nhật được. Chỉ những điện thoại xài hệ điều hành Android từ 8.0 trở lên và Iphone hệ điều hành iOS từ 13.0 trở lên (tương đương từ Iphone 6s) mới được cập nhật sinh trắc học qua ứng dụng.
Trong khi đó, nhiều khách hàng của Vietcombank, VIB, VPBank… phản ánh họ gặp phiền phức khi hệ thống quá tải không cho cập nhật; quét được khuôn mặt thì hệ thống báo lỗi. Một số khách hàng của các ngân hàng khác cũng phàn nàn ứng dụng ngân hàng chậm, ảnh hưởng tới khâu thanh toán, trải nghiệm.
Anh Trịnh Nguyễn, chủ tài khoản VPBank, cho biết anh đã ra tận quầy giao dịch để cập nhật sinh trắc học, nhưng hệ thống vẫn báo lỗi. Hệ thống liên tục báo lỗi khuôn mặt của anh không khớp với cơ sở dữ liệu đã lưu của ngân hàng.
Một số khách hàng của Eximbank than phiền dù đã ra quầy cập nhật dữ liệu sinh trắc học nhưng sáng nay chuyển tiền hơn 10 triệu đồng vẫn không thành công. Nhân viên ngân hàng này giải thích do hệ thống chưa sửa được lỗi, nên khuyến nghị khách hàng có thể tạm thời chuyển khoản trên website của ngân hàng, trong lúc chờ Eximbank "vá lỗi".
Không chỉ tại quầy, tổng đài 24/7 của các ngân hàng cũng hoạt động hết công suất trong những ngày qua khi khách hàng liên tục yêu cầu hỗ trợ. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết trong vài tiếng buổi sáng 1-7, tổng đài ngân hàng đã nhận cả ngàn cuộc gọi từ khách hàng nhờ hỗ trợ cập nhật dữ liệu sinh trắc học.
"Ngân hàng đã phải tăng cường nhân sự, đầu tư cho hệ thống để hỗ trợ tối đa khách hàng. Có thể thời gian đầu còn trục trặc nhưng xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng và tổng giá trị giao dịch trên 20 triệu đồng/ngày là cần thiết để hạn chế tối đa tình trạng tài khoản không chính chủ, lừa đảo, gian lận" - phó tổng giám đốc ngân hàng này nói.
Đến 18 giờ cùng ngày, VPBank cho biết hệ thống đã hoạt động tốt trở lại, đáp ứng nhu cầu giao dịch trực tuyến của khách hàng.
Tránh bị lừa đảo khi cập nhật sinh trắc học
Theo các ngân hàng, khách hàng chỉ thực hiện cập nhật thông tin sinh trắc học qua ứng dụng ngân hàng hoặc trực tiếp tại các điểm giao dịch, tuyệt đối không cập nhật qua bất kỳ trang web hay ứng dụng nào khác để tránh rủi ro giả mạo, lừa đảo.
Bà Nguyễn Thúy Hằng, ngụ tại TP HCM cho biết 1 tuần trước, do loay hoay gần 2 tiếng đồng hồ để xác thực sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng nhưng không được, bà đã lên mạng xã hội tìm những bài viết hướng dẫn để tiết kiệm thời gian và không phải di chuyển ra ngoài.
"Tôi thả dấu "." trong các bài đăng chỉ cách xác thực trên Facebook, một lát sau có người tự xưng là nhân viên tín dụng gọi đến yêu cầu cung cấp CCCD, mã pin để hỗ trợ xác thực sinh trắc học, thời gian chỉ mất 5 phút. Tôi nghi ngờ lừa đảo nên đã từ chối. Sau đó, tôi đành phải chạy ra quầy để xác thực. Có thể do tôi công khai số điện thoại trên mạng nên người lạ biết thông tin gọi đến"- bà Hằng nói.
Người lao động