Hàng loạt NHTW châu Á mạnh tay cắt giảm lãi suất, Việt Nam nên làm gì lúc này?
Trong 2 ngày 7-8/8, đã có 4 nước châu Á là Ấn Độ, Thái Lan, New Zealand và Philippines cắt giảm lãi suất. Chu kỳ giảm lãi suất toàn cầu đang nóng dần, và Việt Nam nên như thế nào trong bối cảnh này?
- 09-08-2019Đến lượt Philippines giảm lãi suất để ứng phó với thương chiến Mỹ-Trung
- 08-08-2019Các nước châu Á bắt đầu đua hạ lãi suất để cứu tăng trưởng kinh tế
- 06-08-2019Thế giới ồ ạt cắt giảm lãi suất, vì sao Việt Nam vẫn phải thận trọng?
Ngày 7/8, thêm ba Ngân hàng Trung ương (NHTW) trong khu vực Châu Á cắt giảm lãi suất một cách khá bất ngờ, gồm Ấn Độ, Thái Lan và New Zealand. Và cập nhật mới nhất, ngày 8/8, thêm Philiipines cũng đã cắt giảm lãi suất cho vay qua đêm 0,25 điểm phần trăm, còn 4,25%.
"Mức cắt giảm mạnh tay và đột ngột thực sự làm chúng tôi cũng như các dự báo bất ngờ. Điều này đến từ triển vọng tăng trưởng kinh tế u ám do tác động lan truyền từ chiến tranh thương mại", Chứng khoán VDSC nhấn mạnh trong một báo cáo phát hành mới đây.
Tương tự FED, NHTW trên thế giới vẫn tin vào cụm từ "Lần này sẽ khác" và chủ động đi trước để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dự báo tăng trưởng của các quốc gia đều bị điều chỉnh giảm mạnh trên diện rộng.
Tại Ấn Độ, nhà điều hành nước này đã mạnh tay "rút lại" toàn bộ mức tăng lãi suất của năm trước. Tính đến nay, lãi suất điều hành chỉ ở mức 5,75%/năm, thấp hơn so với giai đoạn trước khi chiến tranh thương mại nổ ra. Trong khi đó, NHTW New Zealand quyết định cắt giảm tới 50 bps thay cho mức 25 bps như thường thấy. Đây đã là lần cắt giảm lãi suất thứ hai của nhà băng này trong 8 tháng đầu năm.
Nhóm phân tích của VDSC cho rằng, Thái Lan là trường hợp đáng suy ngẫm và học hỏi cho Việt Nam khi NHTW nước này đã làm bất ngờ giới chuyên gia kinh tế cũng như nhà đầu tư với việc cắt giảm lãi suất điều hành 25 bps trong bối cảnh rủi ro lạm phát thấp.
Điều này có thể là sự khởi đầu cho sự đảo ngược chính sách sau lần tăng lãi suất vào cuối năm 2018. Tại thời điểm đó, việc đầu cơ trên thị trường nhà đất khiến nền kinh tế dễ chịu thương tổn trước các cú sốc tài chính. Yêu cầu tạo khoảng trống cho điều hành chính sách tiền tệ cũng thúc đẩy nhà điều hành tăng lãi suất.
Tuy nhiên, hiện nay, khả năng tăng trưởng kinh tế giảm mạnh là rủi ro lớn nhất đang thúc đẩy nhà băng này cắt giảm lãi suất. Theo AMRO, dự báo tăng trưởng GDP Thái Lan được điều chỉnh xuống mức 3,3%/năm trong 2019-2020, thấp hơn mức 3,7-3,8%/năm trong dự báo trước đó.
Tại Malaysia và Philippines, NHTW tại cả hai quốc gia này được dự báo sẽ sớm cắt giảm lãi suất. Theo khảo sát, NHTW Malaysia có thể giảm lãi suất trong 3-6 tháng tiếp theo trong khi những người đồng cấp tại Philippines dường như sẵn sàng cho kịch bản giảm lãi suất điều hành 50 bps trong phần còn lại của năm 2019.
Vậy điều gì sẽ xảy ra tại Việt Nam khi chu kỳ giảm lãi suất toàn cầu đang nóng dần? Theo VDSC, sẽ chưa có biến chuyển gì đến hết năm 2019. NHTW Việt Nam sẽ hoàn tất quá trình nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng và duy trì thanh khoản ngắn hạn dồi dào nhằm hạ chi phí vay mượn ngắn hạn, thay cho việc mạnh tay giảm lãi suất điều hành dài hạn do rủi ro tăng giá tài sản vẫn còn.
Tuy nhiên, VDSC cho rằng, năm 2020 có thể là câu chuyện khác khi tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi tác động từ cuộc chiến thương mại, đặc biệt sau khi Mỹ áp thuế lên 500 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tăng trưởng GDP sẽ bị tác động mạnh nhất trong 2020-2021 với mức giảm 0,5-0,6%.