Hàng loạt ô tô ở chung cư Artemis bị khóa bánh, chặn xe không cho ra vào
Sáng ngủ dậy, cư dân không thể lái xe đi làm vì bị khóa bánh, chặn không cho điều khiển ra khỏi cửa hầm chung cư Artemis
Khóa bánh, chặn không cho cư dân lái xe ra khỏi hầm chung cư cao cấp Artemis
Sau hàng loạt lùm xùm thời gian qua giữa cư dân và chủ đầu tư (Công ty cổ phần ACC Thăng Long, nay đổi tên là Công ty cổ phần MHL) tòa nhà chung cư cao cấp Artemis (số 3 Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân, Hà Nội), trong ngày 8/11, hàng loạt ô tô của cư dân bị khóa bánh, không cho ra vào tầng hầm nếu không đáp ứng yêu cầu đóng tiền phí gửi xe theo khung giá mới mà chủ đầu tư tự ý quy định.
Ngay từ 7h sáng, ông Hoàng xuống tầng hầm lái ô tô đi làm, bất ngờ phát hiện xe của mình đã bị khóa trái bánh đã vô cùng bức xúc: "Vé tháng xe ô tô của tôi vẫn còn hạn sử dụng theo mức hiện hành, tuy nhiên hiện nay chủ đầu tư đơn phương áp dụng theo mức giá mới, bắt cư dân phải đổi, nếu ai không đổi thì không thể di chuyển ra ngoài đi làm. Tôi làm việc ở Hà Đông, nhưng sáng nay đi làm xe của tôi bị khóa bánh, nên không còn cách nào khác phải ra đón xe ôm đi làm. Việc làm này của chủ đầu tư tòa nhà là vi phạm pháp luật, không thể nào chấp nhận được".
Cùng chung cảnh ngộ, ông Việt bức xúc: “Sáng nay tôi cũng giống như nhiều cư dân khác đã phải nghỉ làm vì lý do xe bị khóa bánh, hoặc không thể lái xe ra khỏi hầm vì bảo vệ ngăn lại. Đến chiều 8/11, lực lượng bảo vệ vẫn khăng khăng không cho cư dân ra vào nếu không đồng ý mua vé lượt như thương mại. Bảo vệ yêu cầu chúng tôi phải đổi vé tháng theo mức giá mới, trong trường hợp cư dân chưa kịp đổi thì phải mua vé lượt như thương mại, nếu không sẽ bị khóa bánh xe, không được ra vào hầm… Đây là điều rất vô lý, trong khi chưa thống nhất được phương án, chủ đầu tư cố tình áp dụng đã khiến cư dân trở tay không kịp”.
Trao đổi với phóng viên, một nhân viên an ninh cho biết: “Chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo là những xe không đổi thẻ mới sẽ không được ra vào tầng hầm”.
Theo ông Việt, ngày 27/10 ban quản lý khu căn hộ, Công ty Cổ phần Đầu tư MHL bất ngờ ra thông báo tăng giá xe từ ngày 1/11. Theo đó, hầm vốn được thiết kế đủ số lượng cho mỗi 1 căn hộ được đỗ 1 ô tô và tổng suất đỗ ô tô trong hầm là 385 (hiện nay đã cải tạo, con số có thể lớn hơn), xe máy là 993. Tuy nhiên, từ 1/11, chủ đầu tư cắt rất nhiều suất đỗ ô tô của cư dân, thành 220 suất ưu đãi áp dụng giá 2,3 triệu đồng/tháng cho cư dân đăng ký sớm áp dụng đến ngày 31/12/2023 (giá cũ là 1,5tr/tháng). Từ ngày 1/1/2024 là 2,5 triệu đồng/tháng. Suất đỗ ô tô của nhiều cư dân khác áp giá mới là 2,9tr/tháng. Trong khi đó, chủ đầu tư đánh tráo khái niệm khi áp dụng giá xe máy mới (không dùng vé tháng) thành (combo gửi 30 ngày) với giá áp dụng của mỗi căn hộ chỉ cho gửi 1 chiếc với giá 120.000 đồng/tháng đến ngày 1/1/2024 là 150.000 đồng/tháng. Từ xe máy thứ 2 là 230.000 đồng/tháng (giá cũ là 60.000 đồng/tháng, giá trần quy định là 120.000 đồng/tháng).
“Ngay từ đầu, trong hợp đồng mua bán giữa chủ đầu tư và cư dân cũng đã có điều khoản ưu tiên chỗ đỗ ô tô cho cư dân trước rồi mới đến phương tiện dành cho thương mại. Đây là điều rất bất cập vì mỗi một căn hộ sẽ có từ 2 phòng ngủ trở lên, mỗi gia đình đều có từ 2 xe máy trở lên. Nếu áp dụng như thế vừa trái quy định của thành phố vừa không phù hợp với thực tế. Như thế này chẳng khác nào đè cư dân ra thu tiền”, ông Việt nói.
Theo cư dân, không dừng lại ở vé tháng, giá vé gửi lượt xe máy mới cũng vượt trần của thành phố, cụ thể, phí gửi xe máy theo lượt ra/vào theo quy định của TP Hà Nội không quá 5.000 đồng/lượt/ban ngày, 8.000 đồng/lượt/ban đêm; 12.000 đồng/lượt/cả ngày đêm. Tuy nhiên hiện nay, chủ đầu tư áp dụng gửi lượt xe máy theo khung giờ: 6.000 đồng/4 giờ (7h30-18h30); 8.000 đồng/4 giờ (18h30-24h); 50.000 đồng/4 giờ (24h-7h30); 50.000 đồng/ngày đêm với xe máy, ô tô là 250.000 đồng/ngày đêm.
“Chúng tôi đề nghị chủ đầu tư tuân thủ nghiêm theo thỏa thuận đã ký 4 bên vào tháng 12/2018. Trong thời gian tới phải thành lập Ban Quản trị, nếu có thay đổi mức giá thì sẽ phù hợp với quy định hiện hành của UBND TP Hà Nội. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng này của chủ đầu tư”, cư dân chung cư Artemis mong muốn.
Bị đình chỉ do vi phạm PCCC nhưng ngang nhiên hoạt động
Theo cư dân tại chung cư Artemis, trong thời gian qua chủ đầu tư và cư dân đã có những bất đồng về nhiều vấn đề, đỉnh điểm là trong ngày 6/11 vừa qua, cư dân đồng loạt xuống đường căng băng rôn phản đối chủ đầu tư là Công ty cổ phần ACC Thăng Long (nay đổi tên là Công ty cổ phần MHL) về hàng loạt bất cập tại tòa nhà.
Theo ông Việt, từ năm 2017, chủ đầu tư bàn giao căn hộ cho cư dân nhưng chưa có Ban Quản trị tòa nhà vì vậy chủ đầu tư vẫn giữ 2% phí bảo trì tòa nhà và phối hợp với ban quản lý căn hộ tạm thời đề quản lý tòa nhà. Đến tháng 12/2018, một cuộc họp 4 bên (cư dân, chủ đầu tư, đơn vị quản lý hầm, đơn vị an ninh) đã diễn ra dưới sự chứng kiến của UBND phường Khương Mai (Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội). Trong đó, cuộc họp quyết định, chủ đầu tư phải giữ nguyên giá vé với ô tô là mức 1,5 triệu đồng/tháng và 60.000 đồng/tháng với xe cho đối với cư dân cho đến khi thành lập được Ban Quản trị tòa nhà.
"Tuy nhiên, từ đó đến nay đã hơn 6 năm trôi qua chưa thành lập được Ban Quản trị tòa nhà, chủ đầu tư chây ì bàn giao quỹ bảo trì hàng chục tỷ đồng cho cư dân. Trong thời gian đó đã có rất nhiều vấn đề phát sinh tại tòa nhà là trách nhiệm của chủ đầu tư như hệ thống PCCC tê liệt vì thường xuyên xảy ra báo cháy giả, không hoạt động... Đỉnh điểm là chính quyền đã ra quyết định đình chỉ hoạt động trung tâm thương mại cho đến khi đáp ứng được tiêu chuẩn PCCC, nhưng thực tế hiện nay chủ đầu tư vẫn cho nhiều ngân hàng, cơ sở kinh doanh. Tiếp đến là theo thiết kế phải có cửa ra của thang máy để thoát hiểm khi xảy ra sự cố, tuy nhiên chủ đầu tư đã cố tình bịt hết khu vực này để tận dụng mặt bằng cho thuê thương mại. Hầm bể phốt bị vỡ từ rất lâu nhưng chủ đầu tư không khắc phục, sửa chữa. Từ năm 2017 đến nay chủ đầu tư không hề công khai quản lý, thu chi, liên quan đến 2% từ chủ đầu tư với cư dân, trong khi các công trình xuống cấp, hư hỏng…lại không được khắc phục, sửa chữa", ông Việt chia sẻ.
Từ năm 2020 đến nay, do không đảm bảo điều kiện PCCC nên trung tâm thương mại của tòa nhà bị UBND quận Thanh Xuân quyết định đình chỉ hoạt động từ tầng 1 đến tầng kỹ thuật lửng trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ Artemis số 3 Lê Trọng Tấn. Thế nhưng, chủ đầu tư vẫn phớt lờ đưa hạng mục công trình vào hoạt động, sử dụng.
Đến tháng 1/2023, UBND TP Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính 105 triệu đồng đối với hành vi đưa hạng mục công trình, công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Không duy trì chế độ hoạt động thường trực của hệ thống báo, chữa cháy đã được trang bị theo quy định.
Ngày 12/7/2023, UBND TP Hà Nội tiếp tục có quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần đầu tư MHL, người đại diện theo pháp luật là ông Võ Đông Tùng, chức danh giám đốc với số tiền 80 triệu đồng do Công ty không chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về PCCC.
Cũng liên quan đến vấn đề PCCC của tòa nhà, ngày 22/9/2023, Đội QLTTXD đô thị quận Thanh Xuân chủ trì, phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC – Công an quận Thanh Xuân, phòng quản lý đô thị làm việc với chủ đầu tư.
Tại thời điểm kiểm tra, hệ thống báo cháy tự động của tòa nhà đang báo lỗi. Đội Cảnh sát PCCC - Công an quận Thanh Xuân yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị vận hành khẩn trương kiểm tra, khắc phục xong trước ngày 15/11/2023.
Ngoài ra, theo hồ sơ thiết kế được duyệt, cửa thang máy trục B-C (5-7) được bịt kín từ tầng 2 đến tầng kỹ thuật lửng (tầng 8). Qua kiểm tra thực tế tại công trình nhận thấy cửa tầng thang máy thuộc tầng M,3,5 (tầng 2,4 và tầng 6 theo hồ sơ thiết kế thẩm duyệt về PCCC) đang mở là chưa phù hợp với hồ sơ thiết kế được thẩm duyệt…
Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, hiện nay chủ đầu tư vẫn cho một số ngân hàng, đơn vị kinh doanh thuê mặt sàn của trung tâm thương mại để hoạt động.
Thông tin với phóng viên, sau khi nhận được thông tin phản ánh, UBND phường Khương Mai đã có thông báo mời chủ đầu tư và đại diện cư dân lên phường để làm việc về nội dung trên. Tuy nhiên, đến sát thời điểm làm việc chủ đầu tư có công văn gửi cho phường xin tạm hoãn cuộc họp với lý do người đại diện chủ đầu tư đang nghỉ phép nên không tham dự được cuộc họp và không thể ủy quyền cho người khác, vì vậy cuộc họp để giải quyết về việc tăng phí gửi xe chưa diễn ra được.
“Sau khi người dân băng rôn phản đối về việc tăng phí trông giữ xe, UBND quận Thanh Xuân có giấy mời gửi chủ đầu tư và cư dân làm việc vào sáng 9/11 tới đây. Phường sẽ phối hợp với phòng quản lý đô thị quận để giải quyết vấn đề này. Mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân về giá trông giữ xe theo quyết định 44 của UBND TP do 2 quan điểm không thống nhất bởi phía chủ đầu tư cho rằng vị trí dự án (số 3 Lê Trọng Tấn – PV) nằm trên đường vành đai 2, trong khi cư dân cho rằng vị trí dự án nằm trên tuyến phố ngoài vành đai 2. UBND phường sẽ báo cáo quận để xin ý kiến sở ngành liên quan về nội dung này. Về việc thành lập ban quản trị tòa nhà, ngày 22/9, UBND quận Thanh Xuân có văn bản giao UBND phường Khương Mai chủ trì, sớm triển khai tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu tại chung cư Artemis”, lãnh đạo UBND phường Khương Mai thông tin.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
VOV