Hàng loạt ''ông lớn'' gửi ''tỷ đô'' vào ngân hàng, nhận lãi khủng năm 2021
Trong năm 2021, lượng tiền gửi của nhiều doanh nghiệp tăng mạnh lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Với số tiền trên, những ''ông lớn'' này đều thu về hàng trăm tỷ lãi tiền gửi.
- 23-01-2022Rút tiền gửi, đầu tư chứng khoán: Một doanh nghiệp BĐS sở hữu hàng trăm tỷ đồng cổ phiếu SHB và TCB, danh mục có cả FLC và VHM
- 18-01-2022Mới tuần trước còn chê lãi tiết kiệm bèo bọt, nhiều nhà đầu tư giờ chỉ ước có tiền gửi không kỳ hạn cũng vui
- 15-01-2022Cận Tết Nguyên đán, gửi tiền kỳ hạn 3 tháng ở ngân hàng nào lãi suất cao nhất?
Báo cáo tài chính quý 4 cho thấy, một loạt tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã tăng mạnh lượng tiền gửi tại ngân hàng lên hàng chục nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021 và thu về hàng trăm tỷ đồng lãi tiền gửi trong năm qua.
Tại thời điểm 31/12/2021, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) có hơn 29.700 tỷ tiền gửi tại ngân hàng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn là 1.004 tỷ đồng, tiền gửi có kỳ hạn không quá 3 tháng là hơn 4.204 tỷ và tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng đến 12 tháng là gần 24.500 tỷ đồng.
So với cuối năm 2020, lượng tiền gửi ngân hàng của PV GAS đã tăng thêm hơn 2.865 tỷ đồng chủ yếu đến từ các khoản tiền gửi có kỳ hạn trên 3 tháng. Trong năm 2021, tập đoàn này ghi nhận khoản lãi tiền gửi và cho vay đạt gần 941 tỷ đồng, giảm 29% so với năm trước.
Tính đến 31/12/2021, lượng tiền gửi ngân hàng của Tập đoàn FPT ở mức 26.132 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ so với cuối năm trước, tương đương tăng hơn 50%. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn từ 3 tháng trở lên là hơn 20.718 tỷ đồng, tăng gần 67%. Năm 2021 cũng là năm đầu tiên, doanh thu từ lãi tiền gửi của FPT vượt 1.000 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2020.
Tương tự, số tiền mà Tập đoàn Masan gửi ngân hàng vào cuối năm 2021 đạt gần 22.200 tỷ, gấp gần 3 lần cùng thời điểm năm 2020. Trong năm qua, Masan thu về khoản lãi tiền gửi và cho vay 624 tỷ đồng, giảm hơn 17%.
Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) ghi nhận khoản tiền gửi ngân hàng lên tới gần 20.600 tỷ đồng, tăng hơn 3.330 tỷ so với cuối năm trước. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 12 tháng là hơn 16.991 tỷ đồng, tăng 17%; còn lại là tiền gửi dưới 3 tháng và không kỳ hạn. Năm qua, Sabeco thu về khoản lãi tiền gửi ngân hàng hơn 848 tỷ, giảm gần 9% so với năm 2020.
CTCP Lọc Hóa Dầu Bình Sơn cũng là một trong những doanh nghiệp trên sàn có lượng tiền gửi lên tới hàng chục nghìn tỷ. Cụ thể, lượng tiền gửi ngân hàng của công ty này vào cuối năm 2021 lên tới 20.535 tỷ đồng, chiếm gần 31% tài sản, tăng 33% sau một quý và tăng 47% so với đầu năm. Riêng tiền gửi dưới 3 tháng là 16.346 tỷ đồng, chiếm hơn 24% tổng tài sản và tăng 28% sau 12 tháng đầu năm
Tập đoàn Hòa Phát cũng thường xuyên nằm trong danh sách doanh nghiệp có lượng tiền gửi lớn nhất sàn chứng khoán. Tính đến cuối tháng 9, lượng tiền gửi ngân hàng của tập đoàn này ở mức 34.800 tỷ đồng, tăng gần 60% so với hồi đầu năm. Trong đó, các khoản tiền gửi từ 3 tháng đến dưới 12 tháng là tăng gần 164% lên xấp xỉ 21.441 tỷ đồng và chiếm 12,3% tổng tài sản.
Với số tiền gửi trên, Hòa Phát nhận về gần 320 tỷ lãi tiền gửi và cho vay trong 9 tháng đầu năm, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm 2020.
Theo số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước cập nhật, tính đến cuối tháng 11/2021, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng tăng 10,57% so với cuối năm 2020, đạt gần 5,404 triệu tỷ đồng. Với mức tăng trưởng trên, tiền gửi của khối doanh nghiệp đã chính thức vượt tiền gửi của dân cư khi nhóm này chỉ tăng 2,63% trong 11 tháng đầu năm 2021.
Theo giới phân tích, xu hướng tăng lượng tiền gửi ngân hàng của các doanh nghiệp trong năm qua là điều dễ hiểu. Nguyên nhân chính là do dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến các hoạt động mở rộng hoạt động sản xuất bị tạm dừng, ngưng trệ.
Bên cạnh đó, việc sở hữu lượng tiền mặt lớn không chỉ giúp giảm rủi ro tài chính, chủ động trang trải các chi phí hoạt động, xử lý những tình huống khẩn cấp, mà còn giúp doanh nghiệp có thể chủ động trong đầu tư khi cơ hội xuất hiện.
Về phía các ngân hàng, tiền gửi của các tập đoàn lớn là nguồn vốn quan trọng đối với nhiều nhà băng. Trên thực tế, để đẩy mạnh huy động nguồn vốn trên, các ngân hàng đều có những chính sách ưu đãi riêng cho các khách lớn như cộng thêm lãi suất, giảm lãi suất cho vay hoặc áp dụng các gói dịch vụ chuyên biệt phục vụ hoạt động kinh doanh.
Như tại SHB, ngân hàng này chia lãi suất theo hai khung tiền gửi khác nhau là dưới 2 tỷ đồng và từ 2 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng. Riêng các khoản tiền trên 500 tỷ đồng, để nắm được thông tin chi tiết về lãi suất và các chương trình ưu đãi kèm theo, khách hàng cần liên hệ trực tiếp với nhân viên ngân hàng.
Hay tại MB, lãi suất tiền gửi áp dụng cho khách hàng gửi từ 200 tỷ trở lên đều cao hơn từ 1,5 – 2% so với các khoản tiền gửi thông thường có cùng kỳ hạn.