MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt sản phẩm Made in China bỗng dưng "bay màu" trên Amazon: Lỗi do nhà bán hàng Trung Quốc?

12-05-2021 - 08:38 AM | Tài chính quốc tế

Hàng loạt sản phẩm Made in China bỗng dưng "bay màu" trên Amazon: Lỗi do nhà bán hàng Trung Quốc?

Những năm gần đây, nhiều công ty của Trung Quốc đã tìm đến sàn thương mại điện tử Amazon để tiếp cận khách hàng quốc tế.

Amazon .com - website thương mại điện tử lớn nhất thế giới - mới đây đã chặn một số nhà bán hàng nổi tiếng của Trung Quốc đại lục vì "hành vi đáng ngờ", theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông).

Trong hơn một tuần qua, hầu hết các sản phẩm của Aukey, một nhà cung cấp thiết bị điện tử lớn có trụ sở tại Thâm Quyến, đã hiển thị ở trạng thái "không có sẵn".

Tương tự, hầu hết các sản phẩm trên tài khoản Mpow, cửa hàng đồ điện tử chính hãng do ByteDance điều hành và được công ty sản phẩm tiêu dùng Patozon do Xiaomi hậu thuẫn, đều ở trạng thái "không có sẵn" trên sàn thương mại điện tử Amazon kể từ cuối tháng 4.

SCMP đã liên hệ với Aukey và Mpow nhưng chưa nhận được câu trả lời. Trong khi đó, một phát ngôn viên của Amazon cho biết công ty không bình luận về các trường hợp riêng lẻ; việc phát hiện các "hành vi đáng ngờ" và thực hiện các hành động kịp thời là do hệ thống của sàn thương mại điện tử này thực hiện.

Cả Aukey và Mpow đều không bị cáo buộc gian lận.

Hàng loạt sản phẩm Made in China bỗng dưng bay màu trên Amazon: Lỗi do nhà bán hàng Trung Quốc? - Ảnh 1.

Các sản phẩm của Aukey ở trạng thái "không có sẵn". Ảnh chụp màn hình ngày 11/5

Những năm gần đây, nhiều công ty của Trung Quốc đã tìm đến sàn thương mại điện tử Amazon để tiếp cận khách hàng quốc tế.

Theo một báo cáo gần đây của công ty tư vấn Marketplace Pulse, các nhà bán hàng đến từ Trung Quốc chiếm 75% trong số các nhà bán hàng mới lên sàn thương mại điện tử Amazon vào tháng 1 năm nay. Thị phần của các nhà bán hàng đến từ Trung Quốc trên trang Amazon của Mỹ đã tăng lên 63% trong năm nay, so với 28% vào năm 2019.

Lợi nhuận từ việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Amazon cũng khá hấp dẫn.

Aukey, công ty đã nộp hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại Thượng Hải vào năm 2019 trước khi rút hồ sơ vào tháng 4 năm ngoái, đã tạo ra hơn 3/4 doanh thu từ Amazon trong quý đầu tiên của năm 2018 và 2019, SCMP trích dẫn báo cáo tài chính của công ty này. Aukey cho biết họ đã đạt doanh thu 5,1 tỷ nhân dân tệ (793 triệu USD) trong năm 2018, tăng từ 3,7 tỷ nhân dân tệ vào năm 2017.

Trong nửa đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu của Mpow tăng 29% - lên 2 tỷ nhân dân tệ, theo một báo cáo tài chính được công bố bởi chủ sở hữu trước đây của công ty.

Hàng loạt sản phẩm Made in China bỗng dưng bay màu trên Amazon: Lỗi do nhà bán hàng Trung Quốc? - Ảnh 2.

Các sản phẩm tai nghe của Mpow ở trong trạng thái "không có sẵn" trên sàn Amazon. Ảnh chụp màn hình ngày 11/5.

Khi các công ty Trung Quốc đổ xô đến Amazon, một số bị cáo buộc có hành vi gian lận như tạo ra các đánh giá giả mạo và thổi phồng số lượng hàng bán ra, theo nhận định của những người trong ngành.

Ông Ivan Platonov, Giám đốc nghiên cứu tại EqualOcean, một công ty nghiên cứu đầu tư tập trung vào Trung Quốc, cho biết hành động gần đây của Amazon có thể là lời cảnh báo đối với các nhà bán hàng rằng sàn thương mại điện tử này sẽ không dung thứ cho các hành vi đó.

Việc hàng loạt sản phẩm đến từ các nhà bán hàng của Trung Quốc biến mất trên Amazon trùng hợp với một báo cáo gần đây từ trang web SafetyDetectives sau khi kiểm tra hồ sơ từ một máy chủ bị vi phạm có chứa khoảng 75.000 liên kết đến các tài khoản Amazon.

Nhóm an ninh mạng của trang web này cho biết họ đã phát hiện ra các tin nhắn từ một số nhà cung cấp của Amazon nhằm thu hút các đánh giá tích cực từ các cá nhân để đổi lấy các sản phẩm miễn phí. Hiện vẫn chưa rõ chủ sở hữu cơ sở dữ liệu bị lộ là ai, nhưng một số thông tin được viết bằng tiếng Trung khiến nhóm này tin rằng máy chủ vi phạm nói trên được đặt ở Trung Quốc.

Việc thao túng đánh giá và lưu lượng truy cập website là vấn đề các trang thương mại điện tử đã phải đối mặt từ lâu. Amazon đã nỗ lực trong nhiều năm qua để giải quyết tình trạng này.

Trong Báo cáo Bảo vệ Thương hiệu năm 2020 vừa được công bố hôm 10/5, Amazon cho biết họ đã chi hơn 700 triệu USD và tuyển dụng hơn 10.000 người để truy quét gian lận và lạm dụng.

Theo báo cáo trên, trong năm 2020, Amazon đã chặn "6 triệu nỗ lực tạo tài khoản bán hàng mới" và "chặn hơn 10 tỷ sản phẩm bị nghi ngờ liên quan đến gian lận"./.

(Theo SCMP)

Theo Bách Tùng

Doanh nghiệp & Tiếp thị

Trở lên trên