Hàng loạt tài sản, dự án 'khủng' liên quan bà Trương Mỹ Lan sẽ được xử lý ra sao?
Một số tài sản của bà Trương Mỹ Lan được giải tỏa kê biên, số khác tiếp tục bị tạm giữ để đảm bảo thi hành án, số còn lại giao C03 tiếp tục điều tra. Bên cạnh đó, chồng và em rể bà Lan được gỡ bỏ phong tỏa một số tài khoản.
- 18-10-2024Số phận 2 chiếc túi Hermès bạch tạng mà bà Trương Mỹ Lan xin lại nhưng tòa không đồng ý
- 17-10-2024Cháu gái bà Trương Mỹ Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ
- 17-10-2024Lý do chồng bà Trương Mỹ Lan nhận mức án thấp nhất trong 34 bị cáo
Tại bản án sơ thẩm của TAND tuyên chiều 17/10, HĐXX xác định số tiền gần 31.000 tỷ đồng bị chiếm đoạt do bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát ) sử dụng vào mục đích cá nhân nên HĐXX tuyên buộc bà Lan phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại.
HĐXX đã tuyên tiếp tục kê biên các tài sản của bà Lan và gia đình, có liên quan đến hành vi sai phạm, để đảm bảo cho việc thi hành án.
Về xử lý các tài sản đang bị kê biên, phong tỏa của vụ án, tại hồ sơ vụ án, Cơ quan điều tra thu giữ 224 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan; phong tỏa 79 tài khoản của các bị cáo trị giá hơn 92 tỷ đồng và 1,6 triệu USD; ngăn chặn giao dịch 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán TVSI của các bị cáo, người liên quan, các pháp nhân liên quan với tổng số tiền 824 tỷ đồng và gần 262.000 USD.
Ngoài ra, hồ sơ vụ án còn thể hiện, Cơ quan điều tra cũng kê biên, ngăn chặn giao dịch đối với số cổ phần, phần vốn góp liên quan đến bà Lan, các bị cáo khác và các cá nhân được bà Lan nhờ đứng tên khoảng 12.313 tỷ đồng, 9 bất động sản.
Bản án được HĐXX tuyên chiều 17/10 cho rằng: Đối với tòa nhà 29 Liễu Giai, TP Hà Nội, hiện do Công ty CP Twin Peaks sở hữu, tòa nhà đang thế chấp cho 3 ngân hàng nước ngoài. Tại phiên tòa, bà Trương Mỹ Lan đề nghị giải tỏa kê biên để trả tiền cho ngân hàng nước ngoài, phần còn lại dùng khắc phục hậu quả. Ngoài ra, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (đại diện Công ty CP Twin Peaks) cũng trình bày là Công ty Twin Peaks có nộp đơn yêu cầu HĐXX tuyên giải tỏa kê biên.
HĐXX nhận định rằng, quan hệ tín dụng này là hợp pháp, được đăng ký giao dịch bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật. HĐXX tuyên hủy bỏ lệnh kê biên giao cho 3 ngân hàng xử lý thu hồi nợ theo quy định. Phần giá trị tài sản còn lại sau khi trả nợ cho ngân hàng thì dùng khắc phục hậu quả của vụ án.
Đối với giao dịch chuyển nhượng dự án Tân Thành Long An, HĐXX xác định bà Trương Mỹ Lan đã thỏa thuận chuyển nhượng cho bà Võ Thị Kiêm Khoa (thuộc Novaland) với giá 30 nghìn tỷ đồng. Giá trị chuyển nhượng được đảm bảo bởi phía bà Khoa có nghĩa vụ trả nợ các gói trái phiếu trị giá hơn 19.000 tỷ đồng mà Vạn Thịnh Phát đã phát hành trước đó.
Sau khi xảy ra vụ án này, các bên điều chỉnh giá dự án xuống 20.000 tỷ đồng, gây ảnh hưởng đến việc đảm bảo nghĩa vụ đối với các gói trái phiếu phát hành trước đó. HĐXX quyết định chuyển cho Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) tiếp tục kê biên, điều tra hoặc xử lý theo trình tự tố tụng khác, theo yêu cầu của các bên.
Đối với Dự án Bến Thành, tại phiên tòa này Tập đoàn Bitexco xác nhận có nhận của bà Lan và đối tác bà Lan trên 15.000 tỷ đồng. Tập đoàn Bitexco và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thỏa thuận chuyển nhượng dự án này với giá 22.000 tỷ đồng. HĐXX tuyên chuyển cho C03- Bộ Công an làm rõ để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Liên quan ông Chu Lập Cơ (chồng bà Lan), HĐXX tuyên hủy bỏ biện pháp ngăn chặn các tài khoản của ông Cơ vì ông Cơ đã nộp lại toàn bộ số tiền 33 tỷ đồng trong tội danh “Rửa tiền” do tiền bà Lan phạm tội mà có.
Về khoản tiền 100 tỷ đồng trong tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng đứng tên 2 người con ông Cơ và bà Lan là Chu Duyệt Hằng, Chu Duyệt Phấn, do chưa làm rõ nguồn gốc nên HĐXX tuyên đề nghị Bộ Công an tiếp tục điều tra, xử lý.
HĐXX tuyên gỡ bỏ lệnh kê biên đối với 3 tài khoản ngân hàng (khoảng 10 tỷ đồng) của ông Trương Mễ (em trai bà Lan) vì không có cơ sở chứng minh số tiền này liên quan đến vụ án, và bị cáo Ngô Thanh Nhã (vợ ông Mễ) không có nghĩa vụ bồi thường.
HĐXX cũng tuyên tiếp tục kê biên đối với 82% phần vốn góp tại Công ty TNHH bảo hiểm FWD Việt Nam, 77,89% cổ phần Công ty CP dược phẩm Đông Dược 5 là 84,82% phần vốn góp tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông, 13,23% cổ phần tại Công ty CP Đầu tư Sao Thủy…
Đối với 18% phần vốn góp của Công ty Setra, Công ty liên doanh TNHH Vietcombank - Bonday - Bến Thành (Tòa nhà Vietcombank, TP.HCM). Vietcombank đề nghị HĐXX hủy bỏ lệnh kê biên để Vietcombank và Công ty Setra tiếp tục thực hiện chuyển nhượng với giá 920 tỷ đồng. Bà Lan đồng ý chuyển nhượng 18% cổ phần này để khắc phục hậu quả. HĐXX tuyên tiếp tục kê biên số cổ phần này, Vietcombank nộp cho Thi hành án tài liệu, chứng cứ liên quan chứng minh chuyển nhượng đúng giá thị trường.
Ngoài ra, HĐXX cũng tuyên tiếp tục giao C03- Bộ Công an xác minh, làm rõ tài sản của các bị cáo đang bị truy nã và các bị cáo đã chết, nhằm xử lý theo quy định của pháp luật.
4 kiến nghị của Tòa án
Cũng theo bản án, HĐXX kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy Ban chứng khoán Nhà nước tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đảm bảo chặt chẽ về các điều kiện phát hành trái phiếu, có biện pháp kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn huy động và nguồn lực đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho các trái chủ.
HĐXX cũng kiến nghị Công ty Chứng khoán TVSI; Ngân hàng SCB và các Công ty phát hành trái phiếu có phương án thanh toán nợ gốc và lãi cho các nhà đầu tư mua các mã trái phiếu Vạn Trường Phát, Bông Sen, Tân Thành Long An, Quang Thuận (mã QT.H2025), Thiên Phúc (THP.H2025)... Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính, Ủy Ban chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) có biện pháp giám sát, đôn đốc việc thực hiện thanh toán nghĩa vụ các gói trái phiếu trên theo quy định của pháp luật.
HĐXX cũng kiến nghị NHNN, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng và các cơ quan có thẩm quyền tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trong lĩnh vực chuyển tiền quốc tế, đảm bảo chặt chẽ về các điều kiện chuyển tiền, có biện pháp kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng thực hiện nghiệp vụ thanh toán quốc tế.
Ngoài ra, HĐXX kiến nghị Bộ KH&ĐT và các cơ quan có thẩm quyền tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về thành lập doanh nghiệp, đảm bảo chặt chẽ về các điều kiện thành lập doanh nghiệp và biện pháp kiểm soát việc thành lập, quản lý doanh nghiệp, không để thành lập doanh nghiệp tràn lan nhưng không hoạt động thực tế để thực hiện hành vi phạm tội.
Tiền Phong