MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng loạt thủy điện vi phạm hoạt động

Tổng cộng có đến 6 thủy điện của 5 doanh nghiệp tại Lâm Đồng bị phạt vì lỗi hoạt động trong nhiều năm dù... chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu.

Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có công văn trả lời không thống nhất với đề xuất của Sở Công Thương tỉnh này về việc không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với vi phạm của Công ty CP Thủy điện Trung Nam - Krông Nô (Công ty Trung Nam - Krông Nô); đồng thời yêu cầu thực hiện đúng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt theo quy định.

Vi phạm đã nhiều năm

Trước đó, cuối năm 2022, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành 4 quyết định xử phạt hành chính với mức 180 triệu đồng/trường hợp đối với 4 chủ đầu tư nhà máy thủy điện trên địa bàn do hành vi "Đưa hạng mục công trình hoặc công trình điện lực vào vận hành, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định". Các doanh nghiệp này gồm: Công ty CP thủy điện Bồng Lai - chủ đầu tư thủy điện Đa Cho Mo 2 (đã khai thác tháng 10-2019); Công ty CP Thủy điện Đạ Dâng 3 - chủ đầu tư thủy điện Đạ Dâng 3 (khai thác tháng 2-2018); Công ty CP Đầu tư phát triển Đam B’ri - chủ đầu tư thủy điện Đam B’ri 1 (khai thác tháng 8-2019) và Công ty CP Cao Nguyên Sông Đà 7 - chủ đầu tư thủy điện Yan Tann Sien (khai thác tháng 4-2014).

Hàng loạt thủy điện vi phạm hoạt động - Ảnh 1.

Đập thủy điện của Nhà máy Thủy điện Krông Nô 2. Ảnh: TRUNGNAM GROUP

Ngoài việc phạt hành chính, các doanh nghiệp trên chỉ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: "Buộc phải kiểm định chất lượng công trình đối với phần công trình hoặc toàn bộ công trình đã kết thúc thi công hoặc đã nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng đối với hành vi vi phạm theo quy định".

Riêng Công ty Trung Nam - Krông Nô có thể bị áp dụng thêm biện pháp "Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính là khoản lợi đối tượng vi phạm có được từ hoạt động phát điện để sung vào ngân sách nhà nước".

Sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng có công văn trả lời về vi phạm của Công ty Trung Nam - Krông Nô, ngày 18-5, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cũng đã yêu cầu công ty này cung cấp kết quả hoạt động kinh doanh làm cơ sở tiếp tục xử lý vi phạm tại thủy điện Krông Nô 2 và Krông Nô 3. Hai thủy điện này đã vận hành vào năm 2016, có vi phạm tương tự các thủy điện nêu trên.

"Khoản lợi bất hợp pháp" sẽ rất lớn

Theo văn bản xin ý kiến UBND tỉnh Lâm Đồng vào tháng 9-2022 của Sở Công Thương liên quan việc buộc nộp lại khoản lợi bất hợp pháp có được khi vi phạm trong hoạt động phát điện thì có một số vướng mắc. Trong đó, theo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, các dự án thủy điện có vi phạm đều đã vận hành khai thác từ năm 2014 đến 2019. Nếu áp dụng biện pháp "buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp…" thì các doanh nghiệp sẽ phải nộp số tiền rất lớn, trong khi một số thủy điện đang phải trả nợ vay đầu tư dự án tại các tổ chức tín dụng nên sẽ rất khó khăn.

Ngoài ra, để áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả "buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp…" thì phải căn cứ các quy định hướng dẫn phương pháp tính cụ thể. Tuy nhiên, hiện có hướng dẫn chung về xác định số lợi bất hợp pháp một số ngành nghề nhưng không có quy định cụ thể trong hoạt động thủy điện.

Mặt khác, theo Sở Công Thương, cụm từ "số lợi bất hợp pháp" được hiểu là lợi dụng chính sách, sơ hở của nhà nước để hoạt động sản xuất - kinh doanh gây thiệt hại đối với xã hội, nhà nước. Trong khi đó, các thủy điện bị xử phạt đều minh bạch trong các khoản thu có được từ phát điện và mua bán điện, được Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương cấp giấy phép hoạt động điện lực trước khi đưa vào vận hành.

Các chủ đầu tư có ký kết hợp đồng mua bán điện, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và được kiểm toán đầy đủ. Do đó, Sở Công Thương băn khoăn về tính hợp lý khi xác định hoạt động phát điện và mua bán điện là "khoản lợi bất hợp pháp". 

Sớm có văn bản chấp thuận nghiệm thu

Theo ông Đỗ Văn Kiên, Giám đốc Công ty Trung Nam - Krông Nô, thủy điện Krông Nô 2 và Krông Nô 3 có giấy phép hoạt động điện lực, đáp ứng điều kiện theo các điều khoản hợp đồng ký với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Các dự án đều được Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương cấp giấy phép hoạt động điện lực trước khi đưa vào vận hành. Phía Công ty Trung Nam - Krông Nô ghi nhận việc thiếu sót văn bản nghiệm thu nhưng cho rằng đây cũng là tình trạng nhiều dự án năng lượng khác gặp phải.

Ông Kiên cho biết hiện đã mời Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo bố trí nhân sự, sắp xếp thời gian kiểm tra hồ sơ và hiện trường để sớm có văn bản chấp thuận nghiệm thu công trình thủy điện Krông Nô 2 và 3 trong tháng 6-2023.

Theo Trường Nguyên

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên