MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng mới, làn gió mới

Với thương hiệu hàng không Vietjet in đậm vào người dân vài năm gần đây, nên việc lên sàn đã được nhiều NĐT săn lùng.

2017 được kỳ vọng là năm hưng thịnh của TTCK với sự xuất hiện của hàng loạt doanh nghiệp được NĐT đánh giá cao. Những doanh nghiệp này được kỳ vọng sẽ mang lại làn gió mới trên TTCK trong thời gian tới.

Hàng hiếm VJC

Sở Giao dịch CK TPHCM (HOSE) vừa công bố quyết định chấp thuận đăng ký niêm yết 300 triệu CP của CTCP Hàng không Vietjet với mã VJC. Đây là một trong những thông tin nóng nhất trên TTCK bởi VJC được cho là hàng hiếm mà NĐT lớn tích cực săn lùng trên thị trường OTC. Trước đó, VJC đã bán 44,8 triệu CP của cổ đông hiện hữu cho NĐT tổ chức với giá 84.600 đồng và 3,5 triệu CP cho NĐT cá nhân với giá 86.500 đồng/CP.

Theo ước tính, với khoảng 25 doanh nghiệp lớn đã và dự kiến niêm yết trên TTCK từ cuối năm 2016 đến hết năm 2017, như Sabeco, Vinatex, Novaland, Thaco, Vietjet, Techcombank… vốn hóa của TTCK sẽ vượt mốc 100 tỷ USD.

Có khoảng 30 tổ chức quốc tế đã tham gia đặt mua VJC, trong đó có nhiều quỹ đầu tư lớn như GIC, Morgan Stanley, Mirae Asset, Dragon Capital, VinaCapital. Theo báo cáo cập nhật mới nhất của quỹ VEIL do Dragon Capital quản lý, tính đến ngày 19-1, quỹ đầu tư này sở hữu lượng CP VJC trị giá 43 triệu USD (tương đương 980 tỷ đồng). Một NĐT tài chính khác của VJC cũng vừa lộ diện là CTCK TPHCM (HSC), đã chi tới 134,5 tỷ đồng để mua khoảng 1,6 triệu CP VJC.

Mới đây, ĐHCĐ của VJC đã thông qua phương án phát hành 22.388.060 cổ phần riêng lẻ (tương đương 7,46% số cổ phần đang lưu hành) cho Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny với giá 84.600 đồng/CP. Tổng số tiền dự kiến thu được sau khi phát hành hơn 1.894 tỷ đồng. Toàn bộ số lượng cổ phần này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn tất phát hành.

Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2017 sau khi được ĐHCĐ thông qua và UBCKNN chấp nhận. Như vậy, VJC hiện có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng với 664 cổ đông theo danh sách chốt đến ngày 12-1. Trong đó có 3 cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn điều lệ là Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (23,24%), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (9,42%) và Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore (5,48%).

Một trong những lý do khiến NĐT tổ chức trả giá cao để sở hữu VJC là từ kết quả kinh doanh ấn tượng. Năm 2016, VJC đạt doanh thu thuần hơn 27.500 tỷ đồng (tăng 39%); trong đó 15.500 tỷ đồng thu từ hoạt động vận chuyển hành khách và dịch vụ liên quan, 11.700 tỷ đồng thu từ nghiệp vụ chuyển giao sở hữu và thuê lại máy bay.

Lợi nhuận trước thuế của VJC đạt xấp xỉ 2.400 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 2.292 tỷ đồng, tương ứng EPS đạt 8.726 đồng.

Theo VJC, kế hoạch kinh doanh năm 2017 với lợi nhuận ước đạt 3.395 tỷ đồng. Với dự báo này, VJC tiếp tục duy trì mức chi trả cổ tức đạt 50%, trong đó ít nhất 30% bằng tiền mặt từ nay đến 2019. Theo bản cáo bạch của VJC, giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên dự kiến 90.000 đồng/CP.

Kỳ vọng TCB

Cuối năm 2016, Trung tâm Lưu ký CK (VSD) đã thông báo việc cấp giấy chứng nhận đăng ký CK và cấp mã TCB cho Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Có thể nói, việc niêm yết sẽ giúp tăng thanh khoản cho TCB, đáp ứng sự kỳ vọng của giới đầu tư đối với một trong những ngân hàng nằm trong top 10. Tính đến thời điểm cuối quý III-2016, tổng tài sản của TCB đạt 222.770 tỷ đồng (tăng 16,03% so với thời điểm cuối năm 2015), đứng thứ 9 trong khối NHTM cả nước.

TCB còn có tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) luôn duy trì ở mức cao so với bình quân ngành ngân hàng. Cụ thể, tại thời điểm cuối quý III-2106, NIM của TCB đạt 4,21% so với 4,26% cùng kỳ năm 2015 và giảm 19 điểm cơ bản so với quý II-2016, nhưng vẫn ở mức khá cao so với trung bình của ngành từ 2,7-2,8%. Tài sản sinh lãi tăng 20,2% so với thời điểm cuối năm 2015 (đạt 205.510 tỷ đồng).

Đáng chú ý 9 tháng năm 2016, dù chi phí vốn có xu hướng gia tăng khi TCB tăng mặt bằng lãi suất huy động ở hầu hết kỳ hạn 0,2-0,7%, nhưng với việc cơ cấu sang các tài sản sinh lãi cao hơn (chuyển từ tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác, cho vay liên ngân hàng sang cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với mức lãi suất cao hơn), đã giúp TCB ổn định được NIM.

Với tốc độ gia tăng tài sản sinh lãi này (dự phóng mức tăng trưởng kép giai đoạn 2016-2020 đạt 11%) cũng góp phần đem lại mức tăng trưởng thu nhập lãi ròng tương đối đáng kể cho TCB (khoảng gần 1.000 tỷ đồng/năm).

TCB là một trong những ngân hàng có thu nhập ngoài lãi cao, chiếm 23% tổng thu nhập 2015. Tăng trưởng thu nhập từ phí dịch vụ và hoa hồng vẫn ở mức 1,5%, nhưng thu nhập khác tăng 4,8 lần, chủ yếu nhờ thu hồi 443 tỷ đồng nợ xấu, so với 55 tỷ đồng năm 2014.

Nếu không tính nợ xấu thu hồi, thu nhập ngoài lãi vẫn chiếm đến 18% tổng thu nhập năm 2015. Trong 9 tháng năm 2016, thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 1.292,4 tỷ đồng (tăng 14,1%), trong đó thu nhập từ dịch vụ thanh toán và tiền mặt tăng hơn 116 tỷ đồng.

Với hệ thống linh hoạt, TCB đã đưa ra nhiều sản phẩm đa dạng, phù hợp với những nhu cầu đặc biệt của các khách hàng khác nhau giúp họ gắn bó lâu dài hơn, tạo nguồn thu nhập ổn định cho ngân hàng. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh khác cũng có sự bứt phá khi đạt 1.501,5 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2016 (tăng 25,7%). Trong đó, thu nhập từ nghiệp vụ bảo lãnh phát hành CK tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước (đạt 291,4 tỷ đồng).


Với thương hiệu hàng không Vietjet in đậm vào người dân

Với thương hiệu hàng không Vietjet in đậm vào người dân

FOX “con ngon hơn mẹ”

Ngày 13-1, CTCP Viễn thông FPT (FOX) đã chính thức niêm yết 137 triệu CP trên sàn UPCoM với mức giá tham chiếu 54.000 đồng/CP. Mức giá chào sàn của FOX cao hơn công ty mẹ, CTCP Tập đoàn FPT (FPT), thời điểm đó là 45.950 đồng/CP.

Chưa dừng lại ở mức này, FOX đã có chuỗi tăng giá mạnh sau khi niêm yết và có thời điểm mã CP này vượt mốc 100.000 đồng/CP. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, FOX chốt ở mức giá 95.500 đồng/CP, cao hơn gấp đôi so với FPT là 44.450 đồng/CP.

Không khó để lý giải về nguyên nhân đẩy giá FOX lên mức cao chót vót như hiện nay. Lý do đầu tiên là FOX đang hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực có tiềm năng rất lớn là viễn thông. Trong lĩnh vực này, FOX hiện là 1 trong số 3 nhà cung cấp dịch vụ fixed line internet hàng đầu tại Việt Nam.

Cụ thể, FOX chiếm 20% thị phần về thuê bao, đứng thứ 3 sau Viettel (23-24%) và VNPT (phần còn lại). Trong giai đoạn 2010-2015, doanh thu thuần của FOX tăng từ mức 2.457 tỷ đồng lên 5.568 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp trung bình đạt 46,2%, biên lợi nhuận thuần trung bình 17,65%.

Ước tính, lợi nhuận trước thuế năm 2016 của FOX đạt khoảng 1.123 tỷ đồng (tăng 8%), lợi nhuận sau thuế 944 tỷ đồng, EPS 2016 đạt 5.706 đồng/CP. Dự kiến, năm 2017 khi chi phí phân bổ quang hóa giảm, biên lợi nhuận tăng lên, lợi nhuận trước thuế của FOX sẽ tăng trưởng trên 2 con số, một con số trong mơ đối với các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực.

Theo Hải Hồ

Sài Gòn đầu tư

Trở lên trên