Hàng ngàn ha mía ở Trà Vinh “đói” vốn đầu tư tái vụ
Trong khi nhà máy mía đường ở Trà Vinh đầu tư nâng công suất thì hàng ngàn hộ trồng mía ở đây không còn vốn đầu tư trồng mới do thua lỗ nặng trước đó.
- 06-08-2018Nông dân trồng mía lỗ nặng
- 17-07-2018Ngành mía đường Đăk Lăk sẽ về đâu?
- 12-07-2018Xót lòng nhìn mía chết khô
Hiện nay, hàng ngàn hộ trồng mía ở tỉnh Trà Vinh không còn vốn đầu tư trồng mới, chuyển sang sản xuất cây con giống khác, trong khi nhà máy mía đường đóng trên địa bàn tỉnh lại đầu tư nâng công suất. Công ty mía đường Trà Vinh có nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất trong thời gian tới.
Do bị lỗ nặng nên nông dân trồng mía ở Trà Vinh phần lớn không còn vốn tái đầu tư, mà phải lưu gốc dù đã bước sang vụ thứ ba, thứ tư. Tình trạng này đã xảy ra từ nhiều năm nay, trong khi giá phân bón, công chăm sóc, công thu hoạch cứ tăng lên hàng năm. Do vậy đã khiến nhiều nông dân trồng mía trên địa bàn chọn giải pháp bỏ cây mía để chuyển sang sản xuất cây, con giống khác. Trong số này không ít hộ đã từng ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu mía cho Công ty mía đường Trà Vinh.
Tình trạng đào ao nuôi thủy sản trên đất mía tiếp tục diễn ra.
Ông Nguyễn Văn Thế, ở xã Tân Hùng, huyện Tiểu đã có hơn 20 năm gắn bó với cây mía. Ông Thế cho biết: Dân ở đây sống nhờ mía nhưng bây giờ giá cả bấp bênh quá nên bỏ dần. Trong khi nhân công cũng rất khó kiếm, đều lên thành phố làm. Còn làm ruộng có lợi cao (một năm thu tới 3 vụ), dễ xoay sở hơn.
Tại Trà Cú, huyện có diện tích mía nhiều nhất tỉnh Trà Vinh. Đến nay đã có hàng trăm ha mía được chuyển sang nuôi thủy sản, trồng lúa và cây màu. Các huyện khác như Tiểu Cần, Duyên Hải nông dân cũng đã phá bỏ cây mía để trồng loại cây khác. Theo Phòng NN&PTNT huyện Trà Cú, diện tích mía năm nay chỉ còn hơn 3.300 ha, giảm gần 30% so với vụ mía trước.
Thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp, nhằm giảm khấu hao, tăng lợi nhuận, Công ty CP máy mía đường Trà Vinh đầu tư thay dây chuyền sản mới, nâng công suất từ 2.500 tấn/ngày lên 3.200 tấn/ngày với kinh phí gần 200 tỷ đồng.
Ao nuôi cá lóc, tôm sú xuất hiện ngày càng nhiều trên đất mía. |
Ông Nguyễn Đức Cương, cán bộ Công ty cổ phần mía đường Trà Vinh cho biết, nếu diện tích mía tiếp tục giảm thì năm tới công ty sẽ thiếu nguyên liệu nghiêm trọng.
"Vụ mía 2017-2018 ngành mía đường nói chung gặp nhiều khó khăn nên công ty sản xuất phải chịu lỗ để tiêu thụ mía cho bà con. Chúng tôi đầu tư nâng cấp nhà máy với một số tiền không nhỏ mà bây giờ diện tích mía trong vùng nguyên liệu của Trà Vinh không đủ cung cấp cho sản xuất, thời gian khấu hao của máy móc chế biến sẽ dài ra gây khó khăn cho nhà máy”, ông Nguyễn Đức Cương cho hay.
Tình trạng “trồng chặt, chặt trồng” đã diễn ra ở nhiều địa phương khác, không chỉ riêng cây mía ở Trà Vinh. Điều này đã và đang gây thiệt hại nhiều cho cả nông dân và doanh nghiệp thu mua. Để hạn chế tình trạng này các cấp chính quyền và nông dân các địa phương phải thực hiện tốt việc sản xuất theo quy hoạch; người bán và người mua cũng phải thực hiện tốt hợp đồng mua bán. Có như vậy, việc nuôi trồng, thu mua chế biến xuất khẩu các sản phẩm nông sản Việt Nam nói chung mới có thể phát triển ổn định./.