MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng nghìn tỷ đổ vào chứng khoán Việt Nam qua các quỹ ETF

Hàng nghìn tỷ đổ vào chứng khoán Việt Nam qua kênh ETF

Hàng nghìn tỷ đổ vào chứng khoán Việt Nam qua kênh ETF

Dòng vốn qua ETF đang dẫn đầu xu hướng trở lại của khối ngoại trong khi các quỹ chủ động vẫn đang bị vướng bởi giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài dù vẫn đánh giá cao sức hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu tích cực trở lại sau giai đoạn sóng gió. VN-Index đảo chiều đi lên từ vùng đáy hồi giữa tháng 5 cùng với sự trở lại kịp thời của khối ngoại.

Thống kê cho thấy, trong tháng 5, khối ngoại đã có tháng thứ 2 liên tiếp mua ròng trên HoSE với giá trị giao dịch gần 3.200 tỷ đồng. Trước đó, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 4.000 tỷ đồng trong tháng 4, qua đó chấm dứt chuỗi 8 tháng bán ròng liên tiếp.

Hàng nghìn tỷ đổ vào chứng khoán Việt Nam qua các quỹ ETF - Ảnh 1.

Khối ngoại đang trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam

Động lực kéo vốn ngoại trở lại thị trường chủ yếu đến từ các quỹ ETF. Trong tháng 5 vừa qua, riêng 4 quỹ gồm DCVFM VNDiamond ETF, Fubon FTSE Vietnam ETF, DCVFM VN30 ETF và SSIAM VNFinlead ETF đã hút ròng tổng cộng 5.100 tỷ đồng. Diamond ETF là điểm sáng nổi bật với dòng tiền vào lên đến hơn 3.000 tỷ, trong đó riêng ngày cuối cùng của tháng 5 quỹ ETF này đã hút ròng hơn 1.200 tỷ đồng.

Từ đầu năm, Diamond ETF cũng là cái tên giữ phong độ tốt nhất khi dòng tiền vào liên tục tăng qua từng tháng sau khi bị rút ròng nhẹ trong tháng 1/2022. Lũy kế 5 tháng, quỹ ETF này hút ròng lên đến 4.700 tỷ đồng, theo sau là Fubon ETF với giá trị hơn 4.200 tỷ đồng. Ngược lại, DCVFM VN30 ETF và SSIAM VNFinlead ETF vẫn bị rút ròng từ đầu năm tuy nhiên giá trị không lớn.

Hàng nghìn tỷ đổ vào chứng khoán Việt Nam qua các quỹ ETF - Ảnh 2.

Dòng vốn qua ETF đang dẫn dắt khối ngoại

Rõ ràng, dòng vốn qua ETF đang dẫn đầu xu hướng trở lại của khối ngoại trên thị trường Việt Nam bởi thực tế các quỹ chủ động vẫn đang bán ròng khá mạnh thời gian qua. Giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài là một phần rào cản khiến các quỹ ngoại khó tiếp cận các cổ phiếu hết room chất lượng dẫn đến tình trạng "bí" giải ngân dù tiền mặt dồi dào. Tiêu biểu có thể kể đến Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) – quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý đã nâng mức tiền mặt lên ngưỡng 8,71% (~184,6 triệu USD), cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Tuy nhiên, về cơ bản, nhiều quỹ ngoại chủ động như Dragon Capital, PYN Elite Fun,... vẫn đánh giá cao thị trường chứng khoán Việt Nam nhờ yếu tố vĩ mô ổn định, tăng trưởng doanh nghiệp tiếp tục được dự báo ở mức 20-25% so với năm 2022 là động lực cho thị trường tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Thêm nữa, câu chuyện nâng hạng thị trường cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự trở lại của khối ngoại trên thị trường Việt Nam. Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm TGĐ FiinGroup cho rằng, nâng hạng thị trường sẽ là tiến trình tất yếu trong sự phát triển và hội nhập của thị trường chứng khoán về dài hạn. Hiện, quy mô vốn mà các quỹ có thể phân bổ cho các thị trường cận biên chỉ khoảng 95 tỷ USD, còn quy mô vốn dành cho các thị trường mới nổi đang vào khoảng 6.800 tỷ USD. Nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Markets), Việt Nam cũng có thể đón nhận tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD đổ vào thị trường.

Ngày 26/5 vừa qua, S&P Global Ratings ("S&P") đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng Ổn định. Trong bối cảnh triển vọng không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới sau Covid-19 và ảnh hưởng của xung đột Nga-Ucraina, việc Việt Nam được một tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín hàng đầu thế giới nâng hạng cho thấy góc nhìn tích cực đối với Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế. Lần đánh giá này là một bước tiến quan trọng đối với nền kinh tế và thị trường vốn Việt Nam bởi nhiều lý do.

Thứ nhất, nâng hạng tín nhiệm quốc gia trong thời điểm kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn cho thấy sự công nhận về vị thế của kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế và trong khu vực. Sau đại dịch Covid-19, Việt Nam là nước duy nhất trong 8 nước khối ASEAN được nâng hạng năm 2022, trong khi phần lớn các nước giữ nguyên, riêng Malaysia và Lào được Fitch Ratings hạ 1 bậc xuống lần lượt là BBB+ và CCC.

Thứ hai, mức điểm BB+ đã tiệm cận với nhóm điểm mức Đầu tư của S&P, tức là nếu lên đến điểm BBB-, Việt Nam sẽ lọt vào tiêu chí đầu tư của nhiều định chế tài chính trên thế giới.

Đối với thị trường chứng khoán, việc Việt Nam triển vọng ổn định cũng sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với dòng vốn ngoại, do đó, kỳ vọng dòng vốn này vào thị trường Việt Nam sẽ tích cực hơn trong thời gian tới.

https://cafef.vn/hang-nghin-ty-do-vao-chung-khoan-viet-nam-qua-cac-quy-etf-20220601141801133.chn

Hà Linh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên