Hàng quán ở Hà Nội phục vụ khách tại chỗ: Người hy vọng, kẻ tiếc nuối
Đông khách trở lại là không khí vui chung của nhiều chủ nhà hàng quán ăn, song vẫn có những trường hợp chưa thể trở lại hoặc vì dịch đã phải ngậm ngùi chuyển sang nghề khác.
Theo Công điện số 21 về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Hà Nội trong tình hình mới, cho phép từ 6 giờ ngày 14/10, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi... nhiều nhà hàng, quán ăn, quán cà phê trên địa bàn TP Hà Nội đã mở cửa đón khách từ rất sớm.
Khách “đòi” phở từ sáng sớm
Trên các tuyến “phố ẩm thực” như Huỳnh Thúc Kháng, Ngọc Khánh, Tống Duy Tân, Mã Mây, Hàng Buồm…những ngày trước đây khi thực hiện quy định phòng, chống dịch nơi thì đóng cửa, chỗ chỉ bán hàng mang về nên không khí kinh doanh có phần ảm đạm. Nhưng từ sáng nay, không khí kinh doanh đã sôi động trở lại, đặc biệt các hàng quán phục vụ những món ăn sáng khoái khẩu như phở, bún, miến…tấp nập thực khách.
Chị Bùi Thị Hương, chủ quán phở trên phố Sơn Tây cho biết, sau 1 thời gian phải đóng cửa phòng dịch, nhiều ngày nay vẫn mở bán cho khách mua phở mang về. Tuy nhiên, lượng khách lác đác không tập trung nên doanh thu giảm sút, một phần do nhiều người ngại đi mua về lại phải pha chế lách cách, phần khác ngại tiếp xúc chỗ đông người khi dịch chưa được kiểm soát.
“Bình thường quán chị bán gần 200 bát phở mỗi ngày, nhưng khi bán phở mang về ngày nhiều chỉ được 30 bát. Bán phở mang về sẽ mất thời gian đóng gói, cộng thêm các chi phí vỏ hộp, túi đựng…mà khách lại ít nên lời lãi chẳng là bao. Hôm nay thì khác, khách đến rất đông, có khách “thèm” phở đã xuất hiện từ 6h sáng, có khách ăn hẳn 2 bát cho đỡ “nghiền". Tuy nhiên, thực hiện quy định phòng dịch nên quán phải đề nghị thực khách giữ đúng khoảng cách”, chị Hương chia sẻ.
Anh Tống Viết Thụ, nhà ở Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội đang ăn phở cho biết, dịch giã khiến những người đam mê ẩm thực như anh “thèm đủ thứ”. “Nhiều khi muốn ăn món phở đơn giản mà khó thực hiện được, nhất là trong cao điểm thành phố thực hiện giãn cách. Có hôm bảo vợ nấu phở cho ăn, rồi mua phở về nhà ăn nhưng vẫn thấy thiếu không khí “xì xụp” tại quán. Điều này không phải tôi mà nhiều người có cảm giác như thế!”, anh Thụ nói.
Đang kê xếp bàn ghế trong nhà hàng Pao Quán trên phố Giảng Võ, anh Nguyễn Hải Nam - quản lý nhà hàng cho biết, đóng cửa nghỉ dịch mấy tháng nên việc kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Chi phí thuê mặt bằng, điện nước, nhu yếu phẩm vẫn phải mua sắm trong khi nhân viên phải ở lại vì không về quê được mà làm ăn phải ngừng nghỉ khiến nguồn vốn gần như cạn kiệt.
“Từ lâu rồi nhiều người vẫn bảo mình tranh thủ bán đồ mang về để có thêm chi phí, nhưng mình nghĩ rất khó khi chuẩn bị nguyên liệu cho thực đơn đa dạng, với lại cũng không có lượng khách cố định nên mình không làm. Thấy tình hình dịch đã ổn nên từ 2 tuần nay nhà hàng bắt đầu chuẩn bị cơ sở vật chất để mở cửa đón khách, từ hôm nay nhà hàng đã nhận đặt bàn, hi vọng sẽ dần đông khách trở lại”, anh Nam cho biết.
“Xoay” tiền để mở lại quán
Khác với những chủ quán, nhà hàng đã trở lại hoạt động phục vụ tại chỗ từ ngày hôm nay, nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn đóng cửa im lìm. Trao đổi với một số chủ quán ăn và nhà hàng này được biết, do thời gian ngừng nghỉ kinh doanh đã lâu, một số đã phải trả lại cửa hàng để tính chuyện kinh doanh lĩnh vực khác. Một số khác cho biết, do phải trang trải nhiều thứ trong khi thiếu nguồn thu nên giờ có muốn kinh doanh tiếp lại đang gặp khó vì thiếu vốn, thiếu nhân viên.
Anh Hoàng Anh – Chủ nhà hàng Lộc Trời tại B6, Kim Liên cho biết, thời gian nghỉ giãn cách xã hội cũng là thời điểm anh gặp rất nhiều khó khăn. Hợp đồng thuê địa điểm mở quán tính theo năm nên không rút lại được, trong khi vốn quay vòng kinh doanh lúc đó lại phải chi trả cho các đơn vị cung cấp thực phẩm nên vốn liếng có được chút đến giờ gần như đã hết.
“Mình sẽ tiếp tục cho nhà hàng hoạt động nhưng chắc phải chờ thêm một thời gian ngắn nữa. Hiện giờ mình đang phải đi vay anh em bạn bè để có tiền sửa sang, trang hoàng lại quán. Những mối cung cấp thực phẩm vẫn đồng ý cho lấy hàng chậm trả cũng là yên tâm một phần, nhưng giờ để tuyển được đầu bếp, nhân viên phục vụ cũng là bài toán khó, họ yêu cầu lương cao hơn trước mà vẫn còn chưa thoải mái để đi làm”, anh Hoàng Anh tâm sự.
Sẽ có nhiều người lâm vào hoàn cảnh giống như Hoàng Anh khi dịch Covid-19 đã tàn phá ghê gớm cả về tinh thần lẫn vật chất. Việc phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch với mỗi tổ chức, cá nhân đang phải đối diện với những vấn đề lớn cần giải quyết. Việc tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh bình thường trở lại là điều cần thiết, tuy nhiên vẫn cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa giúp cho quá trình phục hồi được nhanh chóng, để việc kinh doanh của họ đạt hiệu quả, tăng tốc độ phục hồi chuỗi cung ứng kéo theo tăng trưởng của nền kinh tế.
Tất nhiên công tác phòng, chống dịch vẫn không thể lơ là, mất kiểm soát. Nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ không quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn, chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19; yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã QR Code… Các khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú không quá 50% công suất, đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh lưu trú và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định và hướng dẫn của ngành Du lịch là những quy định cần được kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
VOV