Hạng rủi ro tín dụng khác với nhóm nợ xấu
Theo tiêu chí chấm điểm tín dụng của CIC, mức độ rủi ro 6/11 là mức rủi ro trung bình trong tổng số 11 hạng rủi ro (từ hạng 9 đến 11 là mức rủi ro cao).
- 12-10-2020Gỡ "nút thắt" thị trường mua bán nợ xấu
- 01-10-2020Chạy đà “phá bom” nợ xấu
- 30-09-2020Các nhà đầu tư đang mua nợ xấu để làm gì?
Trên cổng thông tin điện tử chính phủ, ông Lại Văn Thùy có gửi đến câu hỏi liên quan đến lịch sử tín dụng của ông để cơ quan có thẩm quyền trả lời.
Cụ thể, ông Thuỳ có tra cứu lịch sử tín dụng của ông trên Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) thì thấy hiển thị ở mức độ 6. Ông hỏi, như vậy có phải là nợ xấu không? Hiện ông Thùy chỉ có khoản vay duy nhất tại công ty tài chính Fe Credit và chưa trả nợ quá hạn lần nào.
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời như sau:
Hạng rủi ro trong báo cáo tín dụng của CIC hoàn toàn khác với nhóm nợ xấu tại tổ chức tín dụng.
Hạng rủi ro của khách hàng do CIC xếp loại dựa trên điểm tín dụng của khách hàng (có 11 hạng) để hỗ trợ khách hàng vay (và tổ chức tín dụng) đánh giá khả năng tiếp cận tín dụng của bản thân (khách hàng). Theo tiêu chí chấm điểm tín dụng của CIC, mức độ rủi ro 6/11 là mức rủi ro trung bình trong tổng số 11 hạng rủi ro (từ hạng 9 đến 11 là mức rủi ro cao).
Nhóm nợ của khách hàng (có 5 nhóm nợ) do tổ chức tín dụng nơi khách hàng đang quan hệ tín dụng thực hiện theo quy định tại Điều 10 Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/1/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
NHNN đề nghị ông Thuỳ nếu muốn được giải đáp thắc mắc về thông tin tín dụng và tư vấn cải thiện điểm tín dụng, vui lòng liên hệ Tổng đài hỗ trợ khách hàng 1800585891 của CIC để được giải đáp.
Chinhphu.vn