MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hãng tàu “lấn sân” mở chuỗi "đe doạ" các doanh nghiệp logistics

Hãng tàu sử dụng lợi nhuận khổng lồ tạo ra trong khủng hoảng Covid-19 để "lấn sân" đầu tư mở rộng chuỗi theo chiều dọc được cho cạnh tranh không lành mạnh.

Tại cuộc họp của Nhóm công tác Vận tải đường biển, Đại hội Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) - FIATA World Congress 2022 (FWC 2022) đang diễn ra tại TP. Busan, Hàn Quốc, ông Jens Roemer, Phó Chủ tịch Cấp cao FIATA, đồng thời là Trưởng Nhóm công tác Vận tải đường biển FIATA cho biết, chuỗi cung ứng hàng hải bị gián đoạn với tất cả những thách thức của nó vẫn hiện hữu.

Hãng tàu “lấn sân” mở chuỗi đe doạ các doanh nghiệp logistics - Ảnh 1.

Các hãng tàu sử dụng lợi nhuận khổng lồ tạo ra trong thời kỳ khủng hoảng Covid-19 để đầu tư, “lấn sân” mở rộng chuỗi sang cả vận tải, kho bãi, dịch vụ logistics…

Trong môi trường cực kỳ thách thức này đội ngũ quản lý và nhân viên của chúng tôi luôn cố gắng hết sức để giữ cho hàng hóa vận chuyển.

Theo đó, ông Jens Roemer cho biết: “Để giữ cho hàng hóa được vận chuyển thông suốt đôi khi phải lập kế hoạch tới 10 lần cho cùng một chuyến hàng do sự chậm trễ và những thay đổi không thể lường trước được. Thậm chí, khung thời gian giao hàng tại các cảng đến liên tục thu hẹp khiến công việc của chúng tôi đôi khi không thể thực hiện được. Mọi việc hoạch định không có gì là chắc chắn cả”.

Theo ông Jens Roemer, không phải việc số hóa, không phải thuật toán, quy trình hay nền tảng giữ cho các container di chuyển, mà là các nhân lực được đào tạo bài bản.

“Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều phải đầu tư vào số hóa. Điều này rất quan trọng. Ngành của chúng ta phải đầu tư và FIATA cũng sẽ phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành chuyển đổi số”, Phó Chủ tịch Cấp cao FIATA nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, lãnh đạo FIATA cũng cho biết thêm, một trong những nội dung quan trọng nhất trong chương trình nghị sự là cạnh tranh công bằng liên quan đến sự tích hợp theo chiều dọc của các hãng tàu trong chuỗi cung ứng hàng hải.

Cụ thể, hãng tàu sử dụng lợi nhuận khổng lồ của họ tạo ra trong thời kỳ khủng hoảng Covid-19 để đầu tư, “lấn sân” mở rộng chuỗi sang cả vận tải, kho bãi, dịch vụ logistics…

“Chúng ta đang ở trong một thị trường tự do cạnh tranh là tốt nhưng phải công bằng và trên một sân chơi bình đẳng. Nhưng trường hợp này không phải là vậy”, ông Jens Roemer nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Cấp cao FIATA cho biết, trong một diễn biến gần đây, Chính phủ Đức dường như đã chấp thuận việc bán DB Schenker – công ty logistics top 5 thế giới và có “tin đồn” rằng Maersk Line – “gã khổng lồ” quan tâm việc này.

Nhóm công tác đường biển FIATA nhấn mạnh tới việc tiếp tục “đấu tranh” cho cải tổ những quy định liên quan trong đó có việc thực tiễn áp dụng, tính phí lưu công lưu bãi.

“Đơn cử, lũ lụt khủng khiếp đã ập đến Pakistan và theo The Loadstar lưu ý rằng khoản phí lưu và phạt container lên tới 14 triệu USD được cho là do các công ty sẽ phải đóng cho các hãng tàu”, ông Jens Roemer nhấn mạnh. Như vậy, có thể thấy vấn đề đơn phương áp đặt của các hãng tàu một cách thiếu công bằng đang được FIATA đặc biệt quan tâm.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch FIATA nhấn mạnh tới vấn đề giá cước cao. Dẫn thống kê từ UNCTAD ghi nhận tác động của mức giá cước vận tải góp phần gây ra lạm phát toàn cầu 1,5%. Riêng với Pakistan báo cáo lạm phát 27,3% trong tháng Tám.

Hãng tàu “lấn sân” mở chuỗi đe doạ các doanh nghiệp logistics - Ảnh 2.

Chính phủ Đức xem xét việc bán DB Schenker – công ty logistics top 5 thế giới và có “tin đồn” rằng Maersk Line – “gã khổng lồ” quan tâm việc này.

Do đó, FIATA lưu ý các thành viên tham khảo “bộ công cụ” về lưu và phạt container để xử lý trong các trường hợp phát sinh. Đơn cử tại “bộ công cụ” này FIATA đề xuất mức thu phí lưu phạt container không quá 2 lần giá trị container đóng mới.

Trong một báo cáo mới đây của ITF – Diễn đàn vận tải thế giới cũng đã đề cập đến sự cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sự hợp nhất theo chiều dọc của các hãng tàu. Do đó, Báo cáo khuyến nghị các Chính phủ nên tăng cường năng lực giám sát cạnh tranh trong vận tải biển. Báo cáo cũng khuyến nghị rằng các cơ quan quản lý cạnh tranh nên tăng cường hợp tác xuyên biên giới, vì các hoạt động của họ phụ thuộc lẫn nhau.

“Đó cũng là quan điểm của chúng tôi khi tập hợp các nhà quản lý từ 4 châu lục vào tháng 5 tại phiên họp của Hội đồng ở Geneva”, Phó Chủ tịch cấp cao FIATA nhấn mạnh.

Từ thực tế này, lãnh đạo Nhóm công tác đường biển sẽ tiếp tục vận động với các nhà làm luật toàn cầu liên quan quy định cạnh tranh điều chỉnh chuỗi cung ứng hàng hải.

Hỗ trợ giúp các nhà giao nhận đối phó với quá trình tích hợp theo chiều dọc bằng cách tìm kiếm các điều khoản có thể thực thi lẫn nhau và báo cáo việc lạm dụng quyền thống trị.

Thực hiện chương trình phát triển bền vững bằng cách khám phá các lựa chọn khả thi cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Tham gia vận động chính sách, quan hệ đối ngoại và nâng cao năng lực để tìm kiếm các cải cách thân thiện với các công ty logistics, tạo điều kiện tương tác với các chuyên gia cho các đại biểu của WG Sea.

Về chương trình kỹ thuật số, tiếp tục thúc đẩy vận đơn điện tử (eFBL), bảo vệ dữ liệu, giúp các doanh nghiệp chuẩn bị cho yêu cầu của ICS-2 phiên bản 3, đóng góp vào sáng kiến FLOW của US-FMC.

Theo Thy Hằng

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên