MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng Tết độc, lạ hút khách

21-12-2022 - 21:02 PM | Thị trường

Hàng Tết độc, lạ hút khách

Thị trường hàng Tết năm nay đánh dấu sự hồi phục sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khi nhu cầu mua sắm được dự báo tăng, người tiêu dùng lạc quan hơn và doanh nghiệp mạnh dạn tăng sản lượng

Theo ghi nhận của phóng viên, bước vào cao điểm 5 tuần trước Tết Nguyên đán 2023, không khí sắm Tết tại các chợ truyền thống ở TP HCM còn rất ảm đạm dù tiểu thương bày biện hàng Tết từ hơn nửa tháng nay. Trong khi đó, hệ thống bán lẻ hiện đại bắt đầu ghi nhận sức mua tăng tốt từ cuối tuần qua.

Bánh kẹo nội chiếm lĩnh thị trường

Thống kê nhanh của một số hệ thống siêu thị như Co.opmart, MM Mega Market, Big C, GO!, AEON, Emart... cho thấy sức mua trong 4 ngày qua tăng khoảng 15% - 20% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng khoảng 30% so với ngày thường. Những mặt hàng đang tiêu thụ tốt và được nhiều nhà bán hàng ưu tiên khuyến mãi là thực phẩm, bánh kẹo trong giỏ quà Tết, hàng tiêu dùng hằng ngày.

Riêng với mặt hàng bánh kẹo, các thương hiệu lớn sản xuất trong nước tiếp tục làm chủ thị trường. Thương hiệu bánh kẹo nội địa đứng đầu thị trường - Bibica đang đẩy mạnh đầu ra cho hơn 2.000 tấn bánh kẹo, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ cuối tháng 10, Bibica đã tung bánh kẹo Tết ra 120.000 điểm bán lẻ, 3.000 siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện lợi ở 63 tỉnh, thành. Ứng dụng "Bibica app shop" cũng vừa được ra mắt trong năm nay để tạo thuận tiện hơn cho người mua hàng qua kênh thương mại điện tử (TMĐT). Bên cạnh tăng số lượng hàng, Bibica còn đầu tư nhiều vào kiểu dáng, mẫu mã với thiết kế riêng, mới, lạ. Chẳng hạn, nhiều giỏ quà Bibica được trang trí bằng bộ thư pháp viết tay đẹp mắt.

Mondelez Kinh Đô tung 38 bộ sản phẩm Tết của các thương hiệu toàn cầu nổi tiếng cùng nhiều thương hiệu địa phương đã hiện diện lâu dài tại thị trường Việt Nam như: Cosy, AFC, Oreo, Solite, LU, Cadbury, Slide... Những sản phẩm này được phân phối qua gần 200.000 điểm bán trên toàn quốc và các kênh TMĐT phổ biến. Đại diện Mondelez Kinh Đô cho biết danh mục sản phẩm Tết năm nay đa dạng với các loại bánh quy cao cấp, bánh dinh dưỡng, bánh bông lan... cùng thiết kế bao bì đậm chất Tết Việt.

Thương hiệu bánh Orion (Hàn Quốc) cho biết 2 nhà máy của công ty tại Việt Nam đang "chạy" hết công suất nhằm bảo đảm cung cấp đủ hàng cho thị trường. Năm nay, các sản phẩm phiên bản Tết của Orion đươc thiết kế đẹp mắt như: hộp bánh Choco-Pie dưa hấu Tết, bộ quà tặng Custas, hộp bánh Goute bản đặc biệt... "Từ năm 2021 đến nay, công ty duy trì bình ổn giá, đa dạng hóa sản phẩm cho mọi đối tượng với mức giá 70.000 - 225.000 đồng/sản phẩm. Dịp Tết năm nay, dự báo người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho sản phẩm quà Tết nên công ty cũng đưa ra bộ quà Tết An có giá tốt hơn hẳn so với mua lẻ từng sản phẩm. Đối tác của Orion là các siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tạp hóa lớn trên toàn quốc đã đặt hàng từ rất sớm" - đại diện Orion thông tin.

Hàng Tết độc, lạ hút khách - Ảnh 1.

Một số loại hoa, kiểng chưng Tết có giá bán vừa tầm được người dân chọn mua sớm. Ảnh: AN NA

Hoa, kiểng "độc" được mua sớm

Nhóm sản phẩm hoa, kiểng phục vụ Tết cũng hút khách đặt mua từ sớm. Bà Trần Thị Ngọc Châu, thành viên HTX 4.0 (TP HCM), cho biết đang tập trung chào hàng Tết "độc", lạ cho mùa Tết năm nay. Theo bà Châu, dù thị trường chung ảm đạm nhưng một số mặt hàng độc đáo vẫn không đủ bán. Đơn cử, bưởi ép khuôn chữ nổi giá lên đến 1,5 triệu đồng/cặp nhưng khách đã đặt hết vì nguồn cung không nhiều, các nhà vườn làm ít quả đạt, tỉ lệ hư cao. Hay sản phẩm trái đu đủ khắc chữ của một nhóm bạn trẻ khởi nghiệp có tính thẩm mỹ cao đã được khách đặt khoảng 1 tấn song sản lượng hiện không đủ. "Hàng "độc", lạ tuy giá khá cao, từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/sản phẩm, nhưng vẫn tiêu thụ tốt. Các nhà vườn thời điểm này đều yêu cầu đặt cọc trước 50% để giữ hàng" - bà Châu cho hay.

Anh Dương Hữu Nghị, chủ vườn lựu Peru tại tỉnh An Giang, tiết lộ Tết này sẽ lần đầu tiên đưa ra thị trường sản phẩm lựu Peru trồng tại Việt với sản lượng khoảng 500 kg và đã có đối tác tiêu thụ. Đây là giống lựu kích cỡ lớn, từ 500 - 700 g/quả, hạt đỏ, ngọt, mọng nước, chất lượng tương đương hàng nhập khẩu. Ngoài ra, nhà vườn còn cung cấp 300 chậu lựu kiểng với giá dự kiến từ 500.000 đồng đến 8 triệu đồng/chậu để phục vụ thị trường Tết; khách đã đặt mua khoảng 1/3 số này.

Anh Trần Văn Lộc - kinh doanh kiểng Tết ở huyện Bình Chánh, TP HCM - hào hứng giới thiệu chậu bưởi ghép giá 2 - 2,5 triệu đồng từ nhà vườn ở tỉnh Hưng Yên. Cây bưởi ghép dáng đẹp, cao tầm 50 - 60 cm; khoảng 10 - 15 quả/cây, tròn đều và láng. "Người tiêu dùng TP HCM ưa thích những chậu bưởi trái vàng nhưng giá lên đến vài chục triệu đồng/chậu và đòi hỏi không gian lớn để chưng. Còn giống bưởi ghép có giá thành vừa phải, dáng nhỏ, dễ chưng. Thời điểm này, vườn đã bắt đầu giao hàng lai rai cho khách lẻ" - anh Lộc cho hay.

Theo ông Phạm Quang Hợi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, Tết năm nay thành phố có 570 ha trồng hoa, cây kiểng, tăng nhẹ so với năm ngoái; chủ yếu là cây kiểng, hoa mai, hoa lan, các loại hoa nền cho giỏ hoa... Dự báo, nhu cầu tiêu thụ hoa, kiểng ở thành phố dịp Tết năm nay không tăng so với năm ngoái; chủ yếu người tiêu dùng chọn sản phẩm có giá trị thấp như bonsai, kiểng và mai chậu nhỏ...

Tăng mua sắm online

Ghi nhận những ngày gần đây cho thấy người dân bắt đầu tăng mua sắm nhóm hàng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng trên các kênh TMĐT để tận dụng chương trình khuyến mãi cuối năm. Theo đại diện sàn TMĐT Lazada, ngành hàng làm đẹp, thời trang, bách hóa và trang trí nhà cửa ghi nhận sức mua tăng cao gần đây do nhiều người bắt đầu quan tâm trang hoàng, làm mới không gian sống để đón năm mới.

TP HCM: Chưa điều chỉnh giá bán bình ổn

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết thành phố đang chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ dịp Tết với mức tăng khoảng 15% - 30% so với bình thường. Đến thời điểm hiện tại, Sở Công Thương TP HCM ghi nhận nguồn hàng các DN chuẩn bị, cung ứng ra thị trường rất dồi dào. Giá cả các loại hàng hóa, đặc biệt là nhóm lương thực - thực phẩm, tăng khoảng 2% - 4%. Hiện thành phố chưa đến mức phải điều chỉnh giá bán trong chương trình bình ổn thị trường.

Theo Phương An - Ngọc Ánh

NLĐ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên