MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng Thái thống trị từ đôi dép, bàn chải đánh răng đến quả mây dại

Mỗi gia đình Việt Nam đều có từ 1 đến 2 hoặc nhiều sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ Thái Lan. Các cửa hàng trên phố, siêu thị, trung tâm thương mại cho đến chợ online cũng tràn ngập hàng Thái, từ bàn chải đánh răng, rổ nhựa cho đến quả na, quả mít, thậm chí là quả mây dại.

Trên đoạn đường gần 1 cây số vào nhà chị Trần Phương Linh ở phố Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) đã có 3 cửa hàng tiện dụng chuyên hàng Thái Lan. Khách mua hàng ra vào tấp nập.

Chị Linh cho biết, từ khăn mặt, bàn chải đánh răng, mỹ phẩm cho đến nồi cơm điện nhà chị đều mua ở cửa hàng tiện dụng trên. Theo chị, hàng Thái mẫu mã đẹp, độ bền cao nhưng chỉ nhỉnh hơn vài ba giá so với hàng Việt, Trung Quốc. Nếu so giá trị sử dụng thì hàng Thái rẻ hơn nhiều lần.

Đơn cử như một chiếc bàn chải đánh răng hàng Trung Quốc giá 7.000 đồng nhưng chỉ sau 1 tuần đã tõe, mòn sợi. Trong khi bàn chải Thái phải dùng đến 3 tháng vẫn chưa hỏng mà giá chỉ cao hơn 3.000-5.000 đồng. Tính ra dùng hàng Thái tiết kiệm hơn rất nhiều.

Anh Nguyễn Văn Hưng, chủ cửa hàng tạp hóa tại Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội thừa nhận, khách hàng ngày càng chuộng hàng Thái. Cũng vì thế, tại cửa hàng, mặt hàng có nguồn gốc Thái Lan chiếm gần 50%. Số còn lại chủ yếu là hàng Trung Quốc, Việt Nam và một số ít là Hàn Quốc, Nhật Bản.


Qủa mây rừng có nguồn gốc ở Thái Lan từng được nhiều người Việt lùng mua với giá cao. Nguồn ảnh: Zing.vn

Qủa mây rừng có nguồn gốc ở Thái Lan từng được nhiều người Việt lùng mua với giá cao. Nguồn ảnh: Zing.vn

Theo anh Hưng, hiện hàng Thái và Việt bán chạy hơn cả, trong khi hàng Trung Quốc giá rẻ nhưng ít người mua. Điều này theo anh là dễ hiểu bởi từ trước đến nay, hàng Thái vẫn luôn có tiếng là bền, đẹp trong khi hàng Trung Quốc lại rất nhiều điều tiếng xấu về mức độ độc hại.

Còn so với hàng Việt, giá mặt hàng Thái Lan chỉ cao hơn 10-15%. Tuy nhiên, chủng loại hàng hóa phong phú, có thương hiệu nên được khách ưa chuộng hơn cả. Trong đó, mỹ phẩm, đồ nhựa bán chạy nhất. Ngoài ra, những sản phẩm nhỏ như hộp đựng tăm, bút, bánh kẹo lẻ cũng thu hút người dùng Việt.

Hàng Thái đang chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam, đè chết hàng Việt và hất cẳng hàng “Made in China”. Điều này có thể dễ dàng nhận ra khi hệ thống cửa hàng tiện lợi chuyên đồ Thái phát triển nhanh như vũ bão trong thời gian gần đây.

Trên các tuyến phố Xuân Thủy (Cầu Giấy), Thái Hà, Thái Thịnh (Đống Đa), … hàng trăm cửa hàng đồng giá 10.000-15.000 đồng (hàng hóa xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc) hay “Made in Viet Nam” đã thay thế bằng hàng Thái.

Không những thế, tại các trung tâm thương mại, siêu thị như như Aeon Mall, Fivimart, Metro... các sản phẩm từ quần áo, giày dép đến khăn mặt, chậu, khay nhựa, dầu gội, mỹ phẩm có xuất xứ Thái Lan xuất hiện thậm chí nhiều hơn cả hàng Việt.

Ngoài thị trường bán lẻ, trên các chợ online, hàng Thái xuất hiện ngày càng nhiều. Từ hoa quả, bánh kẹo, bỉm sữa cho đến quần áo Thái tràn ngập. Với mức giá chỉ khoảng 40.000- 200.000 đồng/món đồ, hàng Thái dễ dàng lấy được cảm tình của người Việt.

Ngay cả quả đặc sản – nông sản của Việt Nam như na Lạng Sơn, xoài Hòa Lộc, mít Cần Thơ… cũng thay thế bằng hàng Thái, quả to hơn, mẫu mã bắt mắt và vị ngọt. Đơn cử như na Việt Nam, trung bình chỉ nặng 200 g/quả, thế nhưng na Thái lên tới 1-1,5 kg/quả, giá đắt gấp 3 lần vẫn được người Việt săn lùng.

Thậm chí, những quả dại của Thái Lan khi mang về Việt Nam cũng thành đặc sản. Như những quả mây Thái - là cây mọc hoang trong rừng được bán tràn lan rộng khắp Hà Nội với giá 90.000-100.000 đồng/kg. Trong khi đó, loại quả này rụng kín gốc dưới những tán rừng ở Quảng Nam, Cam Ranh, Vũng Tàu, Phú Quốc…

Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hàng Thái đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam hơn 10 năm nay thông qua nhiều con đường như du lịch, hội chợ...

Đặc điểm của hàng Thái là đắt, mức giá cao hơn khoảng 5-10% so với hàng Việt, nhwung chất lượng tốt hơn nên được người Việt ưa chuộng.

Có thể nói, hiện tại, mỗi gia đình Việt Nam đều có một mặt hàng Thái trở lên. Không là bàn chải thì nước gội đầu, không đôi dép thì phụ tùng xe máy.... Tất cả những mặt hàng này đã thâm nhập vào Việt Nam rất lâu, không chỉ là hệ thống phân phối mà cả về sản xuất nữa.

Có thể nói, thời điểm này, hàng Thái thâm nhập vào Việt Nam đã đạt đến ngưỡng. Ông lo ngại, ngoài đối thủ hàng Thái, bức tranh về thị phần bán lẻ của Việt Nam còn nhiều nguy cơ trước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…

Theo Mỹ Lan

Trí thức trẻ/CafeBiz

Trở lên trên