Hãng thời trang và cửa hàng tiện lợi quốc tế “ồ ạt” vào Việt Nam
Theo nhận định của các chuyên gia phân tích thị trường, ngành thời trang nhanh và ăn uống tiếp tục thống lĩnh thị trường các thương hiệu mới được khai trương trong thời gian gần đây. Xu hướng bán lẻ hướng tới tầng lớp trẻ dự kiến sẽ tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới. Sự cạnh tranh của các nhà bán lẻ trong nước được dự báo sẽ ngày càng khó khăn hơn.
- 08-06-2017Các nhà đầu tư Nhật tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam ra sao?
- 18-03-2017H&M, Zara vào Việt Nam: Hàng thời trang xách tay liệu còn “hot”?
- 27-08-2015Thái Lan muốn có thêm trung tâm thương mại bán hàng thời trang ở Việt Nam
“Trăm hoa đua nở”
Theo ghi nhận, thương hiệu thời trang nổi tiếng Zara sẽ mở cửa hàng thứ hai tại Việt Nam ở Hà Nội, trong khi đó một “đối thủ” tiếng tăm khác là H&M cũng đang trong giai đoạn hoàn thành cửa hàng thứ nhất tại TPHCM và dự định sẽ mở cửa vào tháng 8 năm nay. Các chuyên gia của CBRE nhận định, thông tin này gây rất nhiều sự chú ý đến các đối thủ trong ngành thời trang nhanh và một số hãng đang thăm dò thị trường Việt Nam với dự tính sẽ xâm nhập vào thị trường.
Ngoài ra, xu hướng mở rộng cửa hàng tiện lợi tiếp tục được ghi nhận, chủ yếu đến từ các nhà bán lẻ lớn trong và ngoài nước như Vinmart, Circle K, B’mart, Satrafoods... Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là việc cửa hàng đầu tiên của 7-Eleven - chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu thế giới xuất hiện tại TPHCM. Buổi khai trương đã thu hút sự có mặt của rất nhiều người, hàng dài những bạn trẻ đã có mặt từ tận 6-7h sáng chỉ với mong muốn được làm một trong những khách hàng đầu tiên được check-in tại cửa hàng này.
Ngoài ra trong thời gian gần đây, các thương hiệu quốc tế nổi bật khác cũng xuất hiện tại thị trường gồm các thương hiệu thời trang và mỹ phẩm như Old Navy, Innisfree, NARS và các thương hiệu trà sữa đến từ Đài Loan. “Xu hướng bán lẻ hướng tới tầng lớp trẻ dự kiến sẽ tiếp tục tiếp diễn trong thời gian tới” - CBRE nhận định.
Đồng quan điểm, các chuyên gia của JLL Việt Nam cho biết thêm, khu vực ngoài trung tâm, phần lớn thu hút các khách thuê nội địa từ trung cấp đến bình dân nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của đại đa số người dân tại địa phương. Ngoài ra, các tiện ích khác như trung tâm Anh ngữ, nhà sách và phòng tập gym, rạp chiếu phim cũng phát triển mạnh trong những năm gần đây do nhu cầu tăng mạnh. Có thể kể đến các “tên tuổi” như CGV, California Fitness & Yoga, Wall Street English, Tini World, Dream Game Center…
Cạnh tranh khốc liệt, giá thuê dự báo tăng
Thực tế cho thấy, các nhà bán lẻ nước ngoài đã hiện diện đang mở rộng thêm tại các trung tâm thương mại, trong khi đó các nhà bán lẻ trong nước cũng tích cực mở rộng hoạt động kinh doanh của mình để có thể duy trì thị phần bán lẻ trong nước. Các chuyên gia phân tích thị trường nhận định, sự cạnh tranh giữa các nhà bán lẻ trong nước được dự báo sẽ ngày càng khó khăn hơn trong việc duy trì hiệu quả hoạt động và cạnh tranh trực tiếp để mở rộng thị phần với các thương hiệu bán lẻ quốc tế, đang có xu hướng phát triển ngày càng mạnh tại TPHCM nói riêng và thị trường bán lẻ của Việt Nam nói chung.
Từ nay đến cuối năm 2017, TPHCM dự báo sẽ đón nhận khoảng 103.000m2 diện tích sàn bán lẻ. Trong đó được chờ đợi nhất là Garden Mall (tên gọi cũ là Thuận Kiều Plaza) với tổng diện tích sàn gần 25.000m2 và Pearl Center (30.000m2) tại quận 2. Giá thuê trung bình và tỉ lệ lấp đầy được dự báo sẽ tăng nhẹ trong những quý tiếp theo nhờ vào chất lượng và vị trí đắc địa của những nguồn cung bán lẻ cao cấp. Các chuyên gia của CBRE cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm, nguồn cung mới tiếp tục tập trung vào khu ngoài trung tâm, trong đó có quận 5 và quận 10 sẽ có thêm nguồn cung mới. Giá chào thuê ở khu vực trung tâm sẽ giữ ổn định trong khi khu vực ngoài trung tâm có xu hướng tăng nhẹ. Các thương hiệu dành cho giới trẻ và ngành hàng ăn uống sẽ tiếp tục được mở rộng và thu hút được đông đảo giới người tiêu dùng.
Theo Savills Việt Nam, tại Hà Nội trong Quý 2/2017, tổng nguồn cung bán lẻ đạt gần 1.250.000m2, tăng 0,4% theo quý và 7,4% theo năm do hai trung tâm (TT) mua sắm gia nhập thị trường, cung cấp tổng cộng khoảng 37.200m2. Tại TPHCM, Tổng mặt bằng bán lẻ gần đạt 1,2 triệu m2 với 26.000m2 mới từ một trung tâm mua sắm, một trung tâm bách hóa và một siêu thị.
Lao động