Hàng tiêu dùng đồng loạt giảm giá cuối năm, người mua cẩn trọng
Nhiều mặt hàng tiêu dùng giảm giá cuối năm để thu hút người mua. Tuy nhiên, không ít trường hợp người mua phải ngậm trái đắng khi ham rẻ mà mua phải hàng bị hỏng, rách...chỉ sau vài lần sử dụng.
- 20-01-2019Địa lan Trần Mộng có gì đặc biệt mà đại gia “săn” chơi Tết?
- 20-01-2019Đầu năm, ngư dân Phú Yên trúng đậm cá ngừ
- 19-01-2019Đua nhau săn heo vàng may mắn dịp cuối năm
Tết Nguyên đán được coi là thời điểm mua sắm lớn nhất trong năm. Trái với việc tăng giá của các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm thì quần áo, giày dép, mỹ phẩm, đồ công nghệ lại đua nhau xả hàng giảm giá nhằm thu hút khách hàng. Tuy nhiên, đây cũng là cao điểm hàng giả, hàng nhái trà trộn, người tiêu dùng nên thận trọng.
Dạo qua các con phố trên địa bàn Hà Nội như Chùa Bộc, Thái Hà, Kim Mã, Xuân Thủy... không khó để bắt gặp những biển hiệu xả kho, mua 1 tặng 1, xả hàng toàn bộ, thanh lý mặt bằng, sales up to 50%… thu hút người tiêu dùng.
Người tiêu dùng đi mua sắm cuối năm (ảnh minh hoạ).
Tuy nhiên, tại một số cửa hàng không khó để nhận thấy hàng khuyến mại chiếm 1 vị trí khá khiêm tốn. Đa số các mặt hàng khuyến mại đều là những mẫu cũ, trái mùa, bạc màu, mất cúc, rách... Ngoài ra, một số nơi chỉ niêm yết giá khuyến mại mà không để giá gốc.
Chị Yến (Thái Hà, Hà Nội) cho biết các cửa hàng thời trang thường xuyên giảm giá nhưng những mặt hàng giảm giá sâu phần lớn là hàng lỗi mốt, kiểu dáng cũ hoặc thiếu size, chưa bao giờ chị chọn được món đồ ưng ý trong đợt giảm giá.
"Đợt trước, tôi nhận được thông tin một cửa hàng bán quần áo khuyến mại lớn từ 30-50% cho tất cả mặt hàng song thực tế khi đến nơi phần lớn quần áo đều chỉ giảm 30%. Chỉ có 2-3 dòng sản phẩm là giảm giá 50% nhưng đều là mẫu mã cũ. Không thể chọn nổi 1 món đồ ưng ý tôi đành ra về tay không".
Cùng nằm trong trường hợp giống chị Yến, chị Huệ (Đống Đa) chia sẻ mua quần áo giảm giá giờ phải tinh mắt. Mặc dù người bán treo biển giảm giá 50% – 70% nhưng khi vào xem hàng thì cũng phải đoán xem cái áo, cái quần ấy với chất vải ấy có đến cái giá ấy không. Nhiều người ham rẻ, mua về mặc rồi giặt được vài lần đã giãn, phai màu... rồi lại vứt xó.
Chủ cửa hàng quần áo trên phố Chùa Bộc cho hay, quần áo, giày dép, túi xách là những mặt hàng thay đổi mốt liên tục. Đặc biệt cuối năm nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng càng cao nên nhiều cửa hàng tranh thủ xả hàng tồn kho để nhập mẫu mới.
"Ra Tết, sức mua giảm hẳn, nếu không xả hết hàng vào dịp này thì xác định là sang năm cũng chẳng bán được vì lỗi mốt rồi. Tâm lý khách hàng thì cứ ra Tết là họ chờ đến khi hàng hè ra mới sắm nhiều".
Theo chị Giang, một người chuyên săn hàng giảm giá cho biết, biển giảm giá 50% chỉ giảm giá mốt số đồ cũ hoặc chủ cửa hàng nâng giá gốc cao hơn giá ngày thường.
Chị kể có lần đi mua chiếc váy tại cửa hàng trên đường Cầu Giấy, hôm trước chị xem giá trên trang web bán hàng chiếc váy được niêm yết là 300.000 đồng nhưng hôm sau đến cửa hàng thấy nhân viên báo giảm giá 20% nhưng giá trên mác chưa giảm đã lên tới 450.000 đồng.
Không chỉ có giá cả, chất lượng của những mặt hàng giảm giá này cũng là điều đáng lo ngại. Bởi có nhiều sản phẩm quần áo đã ố màu, đường may lỗi cũng được bày bán trong đống đồ giảm giá.
Do đó, để chọn được mặt hàng chất lượng tốt, giá rẻ dịp cuối năm, người tiêu dùng cần lựa chọn những cửa hàng đã có thương hiệu, uy tin hoặc các cửa hàng mua quen và thuộc giá cả. Ngoài ra, người mua cũng cần trang bị cho mình những thông tin nhất định về sản phẩm, kiểm tra kỹ về đường may, thông tin nhà sản xuất. Nên so sánh giá của nhiều cửa hàng khác nhau để tránh gặp cảnh "treo đầu dê bán thịt chó".
Ngoài mặt hàng thời trang, dịp cuối năm, gần đây hàng điện tử, điện lạnh liên tục được giảm giá trong các siêu thị, trung tâm... để thu hút khách hàng.
Tại một siêu thị điện máy trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội) rất nhiều mặt hàng điện tử, điện máy đang được khuyến mại, giảm giá từ 15-20%. Theo nhân viên tư vấn tại siêu thị điện máy này, các dòng tivi mang thương hiệu LG, Samsung, Panasonic, Sony, JVC... đều giảm giá và nhiều nhất là tivi màn hình LCD.
"Đơn cử, LCD Panasonic 32’’ giảm 2.200.000 đồng, giá thanh toán còn 7.700.000 đồng; LCD LG 32’’ giảm 1.390.000 đồng và được tặng thêm nồi lẩu điện trị giá 500.000 đồng. LCD Sony 32’’ giảm 2.590.000 đồng, còn 9.900.000 đồng. Các loại tivi có giá niêm yết từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng đều được giảm giá từ 400.000 đồng đến 800.000 đồng/chiếc. Một số loại tivi khác như: Slim, CRT, hay Plasma cũng được điều chỉnh giá theo hướng có lợi hơn cho người tiêu dùng. Điển hình như tivi Plasma Panasonic 50’’ có giá niêm yết 29.900.000 đồng, nay chỉ còn 24.900.000 đồng".
Tại hệ thống siêu thị điện máy khác trên đường Tôn Đức Thắng, các dòng tivi mang thương hiệu Sony, Samsung, LG, Sharp, Panasonic giảm giá đến 70%. Cụ thể TV LED 32 inch Sharp chỉ 3,49 triệu đồng; smart TV 4K 43 inch Samsung 43MU6100 giảm 40% còn 8,99 triệu đồng;...
Không chỉ mặt hàng tivi, các siêu thị điện máy lớn còn đồng loạt giảm giá cho một số mặt hàng máy tính xách tay, điện thoại di động, máy ảnh, máy giặt và đồ gia dụng khác. Hiện máy giặt lồng ngang 9.0 kg LG FC1409S2E giảm 45% còn 10,49 triệu đồng; lò vi sóng 20l Electrolux chỉ 999.000 đồng; nồi cơm điện Sharp giá 390.000 đồng…
Các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị điện máy ồ ạt xả kho, tung ra nhiều khuyến mại nhằm thu hút người mua. Tuy nhiên, những mặt hàng này thông thường là hàng tồn kho, lỗi mốt. Do đó, đối với những sản phẩm điện máy, đồ gia dụng giá rẻ, có thời gian xuất sản xuất cách xa ngày mua, người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền. Người mua nên so sánh, đối chiếu với những sản phẩm khác để mua được sản phẩm phù hợp, bảo đảm chất lượng, không nên ham rẻ mà rước họa vào người.