MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

1.000 tấn đường nhập lậu mỗi ngày: Chuyện hoang tưởng!

06-06-2013 - 13:20 PM |

Rất nhiều hàng hóa nhập lậu từ Camphuchia vào Việt Nam, trong đó có đường cát từ Thái Lan. Tuy nhiên, số lượng 1.000 tấn đường nhập lậu một ngày là hoàn toàn không có cơ sở.

Gần đây, một số website điện tử trích dẫn tư liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn đường nhập lậu từ biên giới Tây Nam vào Việt Nam. Quả thực, con số trên khiến bất cứ ai cũng phải giật mình bởi tính nghiêm trọng của vấn đề.

Ông Phan Lợi - Phó giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường An Giang - thừa nhận tình hình buôn lậu trên địa bàn, đặc biệt là cửa khẩu Tịnh Biên rất phức tạp. Rất nhiều hàng hóa nhập lậu từ Camphuchia vào Việt Nam, trong đó có đường cát từ Thái Lan. Tuy nhiên, số lượng 1.000 tấn đường nhập lậu một ngày là hoàn toàn không có cơ sở.

Chỉ cần làm một bài toán sơ đẳng sẽ thấy ngay sự phi lý này!

Giả sử con số 1.000 tấn đường nhập lậu là đúng, thì số đường đóng bao tiêu chuẩn 50 kg sẽ lên tới 20.000 bao. Đương nhiên đã nhập lậu thì không thể mang xe ôtô trọng tải lớn để chuyên chở được, mà phải dùng xà ghe (thuyền).

Nếu tính mỗi ghe chở 10 tấn thì cần 100 chuyến, còn với ghe loại 30 - 40 tấn thì cũng cần tới 30 chuyến. Với đường sông dài, bốc xếp thủ công, lại còn phải “để mắt” đến các lực lượng chức năng, rồi khuân vác, phải có kho chứa cất giấu thì chuyện này không thể xảy ra - trừ khi các lực lượng quản lý “nhắm mắt làm ngơ” (?!).

Trên thực tế, các địa điểm trọng yếu ở An Giang đều được các lực lượng chức năng chốt giữ, ngoài biên phòng, hải quan còn có công an, Ban Chỉ đạo 127 địa phương và quản lý thị trường. Không thể ngần này lực lượng đều “bỏ qua” cho tình trạng buôn lậu nghiêm trọng trên!

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Đường Việt Nam - cho biết, theo thông tin từ người dân địa phương, qua giới truyền thông, cộng với số liệu từ Tổ chức Đường thế giới thì lượng đường nhập vào Việt Nam năm 2012 là 355.000 tấn, trong đó bao gồm cả nhập khẩu chính thống, tạm nhập tái xuất và cả nhập lậu. Việc tạm nhập tái xuất, nhập lậu diễn ra ở nhiều nơi: Đồng Tháp, Lao Bảo (Quảng Trị), Cầu Treo (Hà Tĩnh) và một số tỉnh, thành phó khác chứ không phải chỉ ở An Giang.

Chi phí giá đường trong nước cao hơn đường ngoại nên tình trạng nhập lậu đường sẽ còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, con số 1.000 tấn đường nhập lậu kia hoàn toàn là con số không tưởng! Quan điểm chung của các lực lượng chức năng là tăng cường quản lý, giám sát, ngăn chặn tối đa đường nhập lậu, nhằm giảm khó khăn cho ngành đường trong nước, đặc biệt trong bối cảnh đang dư thừa sản phẩm như hiện nay.

Năm 2012, lực lượng quản lý thị trường đã bắt giữ, xử lý vi phạm gần 94 tấn đường kính, trong đó hàng nhập lậu hơn 45 tấn, vi phạm nhãn hiệu hàng hóa là 48 tấn.

Theo Vũ Sơn

khanhnt

Báo công thương

Trở lên trên