MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo động mì chính, bột nêm giả

16-05-2014 - 21:56 PM |

Những sản phẩm này không được đăng ký chất lượng, kiểm định, nguồn gốc xuất xứ và thậm chí còn giả thương hiệu phổ biến trên thị trường.

Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: Tình trạng vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng mì chính và nguyên liệu mì chính có nhiều diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng; đặc biệt là các vụ việc về hàng giả, bao bì, nhãn mác giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu.

 Nhập nhèm chất lượng

Chỉ trong quý I/2014, có một khối lượng lớn mì chính và nguyên liệu bột nêm bị cơ quan chức năng niêm phong và giám định là hàng giả. Điển hình như vụ công an Hải Phòng thu giữ 1,4 tấn mì chính thành phẩm giả đã được đóng gói, 2,8 tấn mì chính giả chưa đóng gói, 30kg vỏ bao mì chính mang một nhãn hiệu nổi tiếng và một máy ép nhiệt cùng một số dụng cụ, phương tiện để đóng gói mì chính giả... 

Các lô mì chính giả mạo này đều mang các thương hiệu như Ajinomoto, Miwon, Vedan. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn phát hiện nhiều lô mì chính nhập chính ngạch có hiện tượng khai báo gian lận về số lượng, trị giá để trốn thuế…

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), đối với các mặt hàng nhập khẩu thì các sản phẩm phải có hồ sơ công bố của bên xuất hàng, khi vào Việt Nam các cơ quan có chức năng sẽ kiểm định lại về chất lượng cũng như tính an toàn của sản phẩm thì mới được lưu hành. Tuy nhiên, thời gian qua, một số lô hàng mì chính có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan xuất sang Việt Nam theo đường nhập lậu không chính ngạch để trốn thuế. Những sản phẩm này không được đăng ký chất lượng, kiểm định, nguồn gốc xuất xứ và thậm chí còn giả thương hiệu phổ biến trên thị trường.

Thủ đoạn của các đối tượng buôn bán, kinh doanh mì chính giả, kém chất lượng thường sử dụng là trộn thêm các loại hóa chất rẻ tiền bị cấm đóng gói bằng bao bì của các thương hiệu lớn để bán ra thị trường khiến lực lượng chức năng khó phát hiện. Mặt hàng này được bán giá rẻ chỉ bằng một nửa so với sản phẩm chính hãng, có thương hiệu nên rất dễ tiêu thụ, đặc biệt là các quán ăn, nhà hàng…

Theo Cục Quản lý thị trường, các chi cục QLTT tổ chức điều tra, thu thập thông tin. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mì chính theo đặc điểm, tính chất từng địa phương, từng địa bàn đảm bảo hiệu quả.

Kiên quyết xử lý nghiêm

Trước diễn biến phức tạp của việc buôn bán, làm giả các nhãn hiệu mì chính nổi tiếng, Cục Điều tra chống buôn lậu đã có văn bản gửi các cục hải quan địa phương cảnh báo hiện tượng một số lô hàng mì chính giả mạo các thương hiệu nổi tiếng nhập lậu vào Việt Nam. 

Theo đó, đơn vị hải quan tăng cường kiểm tra các lô hàng mì chính nhập khẩu để kịp thời phát hiện hành vi gian lận và xử lý theo quy định của pháp luật. Các địa phương chú ý tới việc doanh nghiệp khai báo nhập khẩu các lô hàng không nhãn mác, hoặc mì chính nhưng khai sai mã hàng hóa để trốn thuế , làm giả nhãn hiệu.

Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - cũng cho biết, cục đã yêu cầu các chi cục trên cả nước triển khai kiểm tra mặt hàng này. Theo đó, sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, gia công, nhập khẩu, phân phối, các điểm bán lẻ và nguyên liệu sản xuất mì chính. Nội dung kiểm tra sẽ tập trung vào nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, việc thực hiện chế độ hóa đơn chúng từ, công bố tiêu chuẩn, hợp quy sản phẩm, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm… 

“Đối với các vi phạm về nhập lậu, giả mạo xuất xứ, chất lượng, an toàn thực phẩm… sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, triệt để, kể cả áp dụng các biện pháp mạnh như: Tịch thu, tiêu hủy hàng hóa vi phạm, đình chỉ rút giấy kinh doanh, chuyển truy tố các vụ việc cấu thành tội phạm hình sự theo quy định của pháp luật”- ông Hùng khẳng định.

 

Theo Thúy Hà

khanhnt

Báo công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên