MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo động về hàng giả

09-06-2013 - 17:07 PM |

Theo một chuyên gia thì đến cái tăm mà có lợi nhuận thì cũng sẽ có hàng giả.

Từ quần áo, giày dép, đồ điện tử đắt tiền cho đến thuốc chữa bệnh... đều có hàng giả. Hàng giả được sản xuất trong nước, gắn nhãn mác nước ngoài và hàng trong nước được sản xuất tại nước ngoài rồi tìm cách tuồn về nước ta.

Diễn biến phức tạp

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 5 năm gần đây, cơ quan Hải quan các cấp đã phát hiện, bắt giữ nhiều loại hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) như 14.400 chai rượu giả nhãn hiệu Stolichnaya, 93.820 bao thuốc lá giả nhãn hiệu Vinataba, 7.729 lọ mỹ phẩm, 137.728 lon nước ngọt giả nhãn hiệu Arabao…

Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan Nguyễn Phi Hùng cho biết, tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, buôn bán, XNK hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền SHTT ngày càng có xu hướng gia tăng, đặc biệt là đối với nhóm hàng tiêu dùng phục vụ cho mục đích sinh hoạt, khám chữa bệnh.

Các mặt hàng này được sản xuất ở trong nước hoặc nhập lậu vào Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, chính sách quản lí mặt hàng và gây thất thu cho ngân sách Nhà nước. Đáng lo ngại là tình trạng hàng giả được thẩm lậu vào thị trường nội địa qua các khu kinh tế cửa khẩu, cửa hàng miễn thuế, kho ngoại quan… Đặc biệt là hàng hóa thuộc loại hình tạm nhập - tái xuất.

Do phương thức vận chuyển chủ yếu là container đường dài, qua nhiều địa bàn, có thời gian lưu tại Việt Nam rất lâu, khối lượng hàng lớn nên dễ bị các đối tượng lợi dụng để thẩm lậu vào nội địa tiêu thụ. Trong quá trình đấu tranh, cơ quan Hải quan đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hàng hóa là thuốc lá, phế liệu, hàng đông lạnh…

Tại Hội thảo khoa học do Bộ Công an tổ chức vào cuối tháng 5-2013 tại Hà Nội, Đại tá Trần Đức Vĩnh - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) - Bộ Công an cho biết, từ năm 2004 đến năm 2012, lực lượng Cảnh sát kinh tế cả nước đã phát hiện, điều tra, khám phá 2.771 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả.

Như vậy, trung bình mỗi năm xét xử 308 vụ về tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, cho thấy, số vụ tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả có xu hướng tăng rất nhanh, trở thành một thực trạng đáng báo động. Công nghệ và công cụ sao chép, bắt chước ngày càng tinh vi hơn, rất nhiều mặt hàng làm giả với mức độ tinh vi, rất khó phân biệt và nhận biết.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương Trần Hùng cho biết, phương thức, thủ đoạn vi phạm của các đối tượng ngày càng tinh vi, chúng có sự phân công chặt chẽ từ khâu sản xuất các loại bao bì, tên, nhãn giả đến khâu sản xuất, gia công dưới dạng sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm.

Sau khi có đơn đặt hàng thì mới gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ. Điển hình là các trường hợp giả mạo xuất xứ Việt Nam, giả mạo các thương hiệu đang được ưa chuộng tại Việt Nam. Ngoài ra, để lừa dối người tiêu dùng, các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn đăng kí tên DN trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ…

Theo Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Phi Hùng, thực tiễn, thời gian qua, cơ quan Hải quan đã phát hiện nhiều trường hợp các đối tượng sử dụng thủ đoạn cất giấu, trà trộn hàng giả với hàng được phép NK, khai báo sai mặt hàng, tiêu chuẩn chất lượng, giả mạo chứng từ; lợi dụng sự thiếu thông tin của người tiêu dùng để in và gắn trên nhãn hàng hóa những nội dung, hình ảnh của thương nhân ở các nước phát triển như Mỹ, Canada và Đức… gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng dẫn đến hiểu nhầm rằng hàng hóa có nguồn gốc từ các nước sản xuất có sản phẩm chất lượng cao. Trong số đó, có cả những hàng hóa vừa vi phạm các quy định về nhãn, vừa vi phạm các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa NK…

Khó khăn trong xử lí

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Trần Hùng chia sẻ, một trong những khó khăn trong quá trình xử lí vi phạm của cơ quan chức năng là do một số chủ thể quyền bị xâm phạm chưa hợp tác với lực lượng chức năng vì tâm lý cho rằng, phát hiện hàng giả đối với sản phẩm của mình sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm. Bên cạnh đó, chế tài xử lí vi phạm đối với tội phạm lĩnh vực này vẫn còn chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lí hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự.

Theo Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Phi Hùng, hiện nay cơ quan Hải quan đang gặp không ít khó khăn, hạn chế trong quá trình phát hiện, bắt giữ xử lí vi phạm liên quan đến các mặt hàng giả, trong đó có mặt hàng rượu, tân dược giả do thiếu các thiết bị chuyên dụng, công cụ hỗ trợ cho việc phân biệt hàng giả.

Trình độ, kĩ năng phân biệt, phát hiện giả nhãn mác, bao bì của các cán bộ còn nhiều hạn chế. Các quy định của pháp luật có liên quan đến việc xử lí hàng giả trong lĩnh vực hải quan hiện nay vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Trong quá trình phát hiện, xử lí vi phạm cơ quan Hải quan cũng gặp không ít khó khăn do DN chưa nhiệt tình hợp tác trong việc cung cấp, trao đổi thông tin và phản hồi tích cực, một số DN vẫn coi công việc chống hàng giả là nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước…

C46-Bộ Công an:


Bổ sung một số quy định liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả

Các bộ, ngành có liên quan cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Quốc hội điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến phòng ngừa và đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm SHTT, đặc biệt là các quy định về xử lí hình sự. Đối với những tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm SHTT, ngoài việc phải chịu hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự, cần tăng mức xử phạt bổ sung (phạt tiền) mới đủ sức răn đe. Các vụ án về sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm SHTT từ khi thụ lí điều tra đến khi xét xử còn kéo dài, một phần do công tác giám định. Để đảm bảo chặt chẽ về pháp luật, cần có hướng dẫn các cơ quan giám định về phương thức giám định, theo xác suất, tỉ lệ % hay giám định cả lô hàng.


Cục Quản lý thị trường-Bộ Công thương:

Cần sự chủ động phối hợp của chủ sở hữu quyền

Trong thời gian tới, nạn hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp đặc biệt là tình trạng các DN nước ngoài đẩy mạnh XK vào Việt Nam các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn. Các đối tượng vi phạm trong nước cấu kết với các đối tượng ở nước ngoài để sản xuất, đặt hàng thành phẩm nhập về Việt Nam hoặc nhập linh kiện, nguyên liệu từ nước ngoài vào Việt Nam lắp ráp, sang chiết, đóng gói để bán ở thị trường nội địa… Do đó, cần có sự chủ động, tích cực phối hợp giữa các cơ quan quản lí với các DN, các hiệp hội và ngược lại trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về sản phẩm cũng như các nghi vấn về các sản phẩm giả mạo.


Cục Điều tra chống buôn lậu-Tổng cục Hải quan:

Tăng thẩm quyền cho cơ quan Hải quan

Cụ thể, tại các Điều 157, 171a của Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2009 cần quy định rõ ràng hơn để khắc phục sự lúng túng vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật vào việc xử lí hình sự đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định về phạm vi áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa XNK vi phạm SHTT. Quy định cụ thể về quyền hành động mặc nhiên-là việc cơ quan Hải quan có quyền được đình chỉ việc thông quan một lô hàng cụ thể trong trường hợp có những chứng cứ xác thực chứng minh hàng hóa đó xâm phạm quyền SHTT; quyền tạm giải phóng hàng tại cơ quan Hải quan trong trường hợp cần cho phép chủ hàng mang hàng hóa về bảo quản đối với lô hàng bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT.

M.H (ghi)


Theo Thịnh Hưng

khanhnt

Báo hải quan

Trở lên trên